Thứ Ba, 20 tháng 9, 2022

TRẦN VĂN THẤY CÂY MÀ KHÔNG THẤY RỪNG

 

Vào những ngày cuối tháng 8 vừa qua, Trần Văn đăng bài viết “Cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín và chủ nghĩa mở rộng làm thuê” trên một trang web thiếu thiện chí với Việt Nam. Trong đó, Trần Văn đã lấy ví dụ một vụ việc đơn lẻ về một số người Việt Nam “xuất cảnh, sau đó nhập cảnh trái phép” từ Campuchia để đánh đồng, quy chụp toàn bộ hàng trăm nghìn lao động Việt Nam ra nước ngoài là “đi tha phương cầu thực dù biết đầy rẫy rủi ro, mất an toàn tính mạng”. Vậy thực sự bức tranh chung về xuất khẩu lao động của nước ta như thế nào? Có giống như những gì Trần Văn đã đề cập trong bài viết không.

Trần Văn lập luận rằng: cơ đồ của Việt Nam hiện nay chỉ là đưa đồng bào đi làm thuê bất chấp rủi ro bị lừa đảo về kinh tế, tính mạng bị đe dọa. Trong khi sự thực về vấn đề xuất khẩu lao động của nước ta suốt mấy chục năm qua đã đem lại tổng nguồn thu hàng chục tỉ USD cho hàng triệu cá nhân và gia đình những người có người xuất khẩu lao động. Trên thực tế, không mấy ai không biết đến những “làng tiền tỉ” với cả ngàn hộ gia đình trở nên khá giả nhờ có người thân đi lao động ở nước ngoài gửi tiền về để xây nhà to đẹp, mua xe máy, ô tô, nuôi con học hành đầy đủ… Với những cái tên mà người dân vẫn gọi vui là “làng lao động Hàn Quốc”, “làng lao động Đài Loan”…

Trong những năm qua, số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng đều theo từng năm. Theo đó, lượng kiều hối do người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài chuyển về trong nước hàng năm ước tính đạt từ 3 – 4 tỷ USD. Theo số liệu báo cáo từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội), trong 5 năm gần đây, mỗi năm tăng thêm khoảng 10.000 người. Với số lượng từ khoảng 500.000 người những năm 2010 đến nay tăng lên khoảng 580.000 người. Cụ thể, tại Đài Loan có 230.000 người; Nhật Bản có gần 230.000 người; Hàn Quốc có gần 50.000 người; Malaysia và các nước Đông Nam Á khoảng 30.000 người; khu vực Trung Đông – châu Phi và châu Âu mỗi nơi khoảng 15.000 người, còn lại ở một số nước khác.

Người lao động Việt Nam ở nước ngoài chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng, chế tạo, may mặc, giầy da, lắp ráp điện tử, giúp việc gia đình, chăm sóc người già, người bệnh, nông nghiệp, thủy sản,… Trong đó, phần lớn người lao động đi làm việc ở các nước Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc là những thị trường có thu nhập khá cao, khoảng 1.200 – 1.400 USD/tháng ở Hàn Quốc, Nhật Bản; 700 – 800 USD/tháng ở Đài Loan (Trung Quốc), châu Âu; 400 – 600 USD/tháng ở thị trường Trung Đông, châu Phi và Malaysia. Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được các quốc gia, người sử dụng lao động đánh giá tốt: khéo tay, cần cù, khả năng nắm bắt công việc nhanh, ham học hỏi, sáng tạo, năng động, làm việc năng suất, chất lượng.

Như vậy, chỉ làm phép tính sơ bộ cũng thấy được trong suốt mấy chục năm qua, lượng ngoại tệ do người Việt Nam lao động ở nước ngoài gửi về cho người thân trong nước đã có thể lên đến cả trăm tỉ USD. Việc đưa người lao động Việt Nam đi lao động ở nước ngoài không chỉ góp phần giải quyết việc làm, mà còn giúp cải thiện đời sống của người lao động và gia đình. Bên cạnh đó, người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn nâng cao được trình độ kỹ năng nghề, tiếp thu được kiến thức, ngoại ngữ và tác phong làm việc tiên tiến từ nước ngoài, trở thành nguồn nhân lực quan trọng sau khi về nước.

Trong bài viết, Trần Văn còn bịa đặt rằng: những lao động Việt Nam ở nước ngoài kêu cứu vì bị lừa gạt, quỵt tiền công, đánh đập… nhưng hệ thống công quyền Việt Nam không hề đoái hoài. Mặc dù, sự thật là các cơ quan ngoại giao Việt Nam đã tích cực phối hợp với các cơ quan hữu trách của các nước có người lao động Việt Nam để bảo hộ công dân. Cụ thể vừa qua, nhờ có kiến nghị từ cơ quan ngoại giao Việt Nam ở Campuchia, Campuchia đã bắt người quản lý sòng bạc Golden Phoenix, quốc tịch Trung Quốc, để thẩm vấn người đã ép các công nhân Việt Nam làm việc trái với ý muốn của họ.

Tuy nhiên, vấn đề bảo hộ công dân đối với một số trường hợp người lao động Việt Nam xuất cảnh trái phép, đi nước ngoài làm thuê, bị ngược đãi bởi tội phạm người nước ngoài là rất khó khăn. Vì những người lao động đó là lao động trái phép tại nước sở tại, lại thường làm việc trong những nơi nhạy cảm mà tội phạm người nước ngoài khống chế, che giấu tung tích. Sự thật và những khó khăn đó thì ai cũng có thể  hiểu được, nhưng đối với Trần Văn thì cố tình phớt lờ hay giả vờ như không biết.

Trần Văn đã cố tình không biết, không hiểu về vấn đề lao động xuất khẩu của Việt Nam từ bức tranh tổng thể cho đến các sự việc đơn lẻ. Hay có thể nói khác đi là Trần Văn đã lấy việc “có ít xít ra nhiều”, “chuyện không nói có”, bịa đặt, vu khống để làm cho người đọc hiểu sai bản chất, sự thật về vấn đề xuất khẩu lao động của nước ta cũng như vai trò quản lý của nhà nước Việt Nam hiện nay./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét