Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2024

Đấu tranh vạch trần thủ đoạn lợi dụng tệ tham nhũng để chống phá cách mạng Việt Nam

 

Trang “Thoibao” có đăng tải bài viết: Đảng đang “mục rữa, Tổng phát hoảng vì sợ nó rã. Ông đã làm gì? của tác giả Ý Nhi. Bài viết cho rằng: Chiến dịch đốt lò để chữa những ung nhọt của chế độ thì tham nhũng càng bùng; người cộng sản ở thời đại này chẳng ai liêm khiết”… Có thể khẳng định rằng đây là những giọng điệu rất nguy hiểm hòng phủ nhận thành công của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Cần nhất quán rằng, tham nhũng là hiện tượng mang tính xã hội, là tệ nạn nhức nhối của tất cả các quốc gia, thể chế chính trị, trong đó có Việt Nam. Về nguồn gốc và bản chất, tham nhũng chính là sự lạm dụng quyền lực, tha hóa quyền lực để mưu đồ lợi ích cá nhân của một người hoặc một nhóm người (lợi ích nhóm) làm phương hại đến lợi ích của cá nhân khác, của tổ chức và xã hội. Do đó, việc quy kết tham nhũng chỉ có và kịch phát dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, trong thể chế chính trị một đảng duy nhất cầm quyền là luận điệu xuyên tạc trắng trợn, tư biện và sai lầm.

Ở bất cứ chế độ xã hội nào, tham nhũng cũng đều gắn với tình trạng quyền lực bị thao túng và bị tha hóa. Quyền lực của Nhà nước ta là do nhân dân ủy thác, được phân công, phân nhiệm, ủy quyền cho các tập thể và cá nhân đảm trách. Chỉ có những cán bộ, đảng viên có chức, có quyền nhưng thoái hóa, biến chất, thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng; quan điểm, bản lĩnh, lập trường tư tưởng không kiên định, vững vàng, tính chiến đấu bị giảm sút, ý thức tổ chức kỷ luật kém; bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất tầm thường, sa vào chủ nghĩa cá nhân; thiếu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của tổ chức, của nhân dân, mới sa vào căn bệnh tham nhũng.

Thời gian qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thể hiện rõ quyết tâm đấu tranh kiên quyết với tệ tham nhũng bằng việc đề ra chủ trương, phương thức rất đúng và trúng để tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, trong đó tập trung đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Công tác này được Đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, toàn diện, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật, có tác dụng cảnh báo, răn đe, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm và đạt nhiều kết quả rất quan trọng, rõ rệt, “được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao và quốc tế ghi nhận”.

Kết quả đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam đã cho thấy, tiến hành dân chủ, khách quan, minh bạch, không có vùng cấm, không có ngoại lệ “đã trở thành phong trào, xu thế” được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình hưởng ứng. “Từ năm 2012 đến nay, đã xử lý kỷ luật 2.740 tổ chức đảng và hơn 167.000 cán bộ, đảng viên, trong đó có hơn 190 cán bộ diện Trung ương quản lý. Những con số nêu trên đã cho thấy quyết tâm chính trị và hành động quyết liệt của Đảng và Nhà nước trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực. Có thể nói cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng. Những kết quả quan trọng bước đầu đạt được trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, làm lành mạnh các quan hệ xã hội, xây dựng văn hóa cầm quyền của một Đảng “là đạo đức, là văn minh”, khẳng định bản chất ưu việt của chế độ xã hội ta, đồng thời phản bác mạnh mẽ các luận điệu chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Như vậy, Đảng, Nhà nước ta luôn thể hiện rõ quan điểm và quyết tâm không bao che; kiên quyết đấu tranh loại trừ những cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham ô, tham nhũng và loại trừ tệ nạn này ra khỏi đời sống xã hội. Điều đó khẳng định rằng luận điệu của Ý Nhi đưa ra là hoàn toàn sai trái và bịa đặt nhằm vu khống, xuyên tạc, phủ nhận thành tựu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, hạ thấp uy tín của Đảng, Nhà nước ta hòng thực hiện mục đích, ý đồ xấu. Do vậy, mọi người dân cần tỉnh táo, cảnh giác, kiên quyết đấu tranh với luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, phủ nhận thành quả công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét