Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2024

Phê phán quan điểm cần phát triển xã hội dân sự tại Việt Nam theo tiêu chí phương Tây

 Phê phán quan điểm cần phát triển xã hội dân sự tại Việt Nam theo tiêu chí phương Tây -0Tính phức tạp, dễ bị lợi dụng của XHDS

Từ khi Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, thuật ngữ XHDS cũng dần được du nhập vào Việt Nam. Có nhiều học giả, nhiều nhà nghiên cứu trao đổi về vấn đề này khá sôi nổi. Thậm chí, không chỉ dừng ở góc độ nghiên cứu, một số học giả còn đề xuất, kiến nghị rằng, Việt Nam cần phải thừa nhận và tạo điều kiện cho XHDS phát triển. Đáng chú ý, quan điểm này nhận được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của các thế lực thù địch, chống phá ở nước ngoài cũng như số đối tượng chống đối, phần tử cơ hội chính trị trong nước.

Cổ vũ cho quan điểm này, họ cho rằng, Việt Nam cần phải phát triển XHDS theo tiêu chí của các nước phương Tây, cần phải thừa nhận vai trò của các tổ chức XHDS. Và theo họ, những tổ chức như: Hội Nhà báo độc lập, Hội Anh em dân chủ… là những tổ chức XHDS thuần túy và Nhà nước Việt Nam cần tạo điều kiện cho các tổ chức này ra hoạt động công khai, hợp pháp. Họ nhiều lần tuyên truyền, phê phán Việt Nam thu hẹp không gian XHDS, không cho XHDS phát triển.

Đặc biệt, thời gian gần đây, lợi dụng quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam, nhất là khi nước ta ký kết và tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, các thế lực chống phá ở nước ngoài đã gây sức ép mạnh mẽ đòi Việt Nam phải phát triển XHDS theo tiêu chí phương Tây. Họ lợi dụng cơ chế hoạt động của nhóm tư vấn trong nước (DAG) theo chương 13, Hiệp định EVFTA để ép Việt Nam phải tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức XHDS tham gia vào quá trình giám sát các điều khoản, cam kết của Việt Nam đối với các nội dung phát triển bền vững. Các thế lực chống phá lợi dụng các điều khoản trong CPTPP, EVFTA để can thiệp, ràng buộc các điều kiện về XHDS.

Trước những quan điểm trên, vấn đề đặt ra là, Việt Nam hiện nay có cần phải phát triển XHDS, nhất là theo hình mẫu các nước phương Tây? Đồng thời, có phải công nhận và tạo điều kiện cho các tổ chức XHDS như Diễn đàn XHDS, Hội Nhà báo độc lập, Hội Anh em dân chủ… được ra hoạt động công khai, hợp pháp? Để giải đáp được những câu hỏi trên, cần thiết phải làm rõ nhiều vấn đề như: Tính phức tạp của vấn đề XHDS, nhất là dưới góc độ an ninh quốc gia và đặc biệt là âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề XHDS để xâm phạm an ninh quốc gia Việt Nam…

Nghiên cứu về XHDS cho thấy, do mang tính đa dạng về lợi ích, thành phần nên XHDS đa dạng, đa nguyên về tư tưởng. Chính vì vậy, đối với Việt Nam, sự hình thành của XHDS chứa đựng nguy cơ xuất hiện, hình thành hoặc du nhập những khuynh hướng tư tưởng chính trị đối lập với Đảng Cộng sản, dẫn tới đa nguyên về tư tưởng, là tiền đề dẫn đến đa nguyên về chính trị. Mặt khác, XHDS là khu vực dung chứa nhiều tổ chức mang tính đa dạng, thiếu tính tổ chức chặt chẽ, do đó dễ bị các cá nhân, nhóm cá nhân có điều kiện chi phối vào các mục đích riêng và tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự xã hội.

 Tính chất đa dạng, phức tạp của XHDS cho thấy, đây là khu vực không thuần nhất, tính đồng thuận không cao và thiếu tính nhất quán. Tổ chức XHDS mang tính chất là những mối quan hệ và liên kết mềm, tự nguyện, tự quản, tính thống nhất không cao nên dễ xảy ra nguy cơ các tổ chức này chỉ chăm lo đến lợi ích cục bộ mà không quan tâm đến lợi ích toàn xã hội, tạo ra các “lệ” riêng, gây cản trở đến việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, thậm chí có trường hợp bị biến tướng phục vụ cho lợi ích của cá nhân, nhóm cá nhân có điều kiện chi phối.

Bên cạnh đó, XHDS bao gồm một dải rất rộng lớn trên nhiều lĩnh vực, nhiều khu vực khác nhau, trong đó có những khu vực thiếu sự tổ chức chặt chẽ, nhận thức chính trị mơ hồ, dễ bị lôi kéo, mua chuộc, hùa theo bởi các chiêu bài mỵ dân. Do tính chất đa dạng và phức tạp này mà XHDS luôn tiềm ẩn nguy cơ bị các đối tượng, tổ chức thù địch cả trong và ngoài nước mua chuộc chi phối, lợi dụng nhằm thực hiện mưu đồ chính trị, xâm phạm an ninh quốc gia.


Âm mưu lợi dụng vấn đề XHDS xâm phạm an ninh quốc gia tại Việt Nam

Thực tiễn cho thấy, với tính chất phức tạp của vấn đề XHDS, thời gian qua, các thế lực thù địch tìm mọi cách lợi dụng vấn đề XHDS để xâm phạm an ninh quốc gia, tác động nhằm chuyển hóa thể chế chính trị tại Việt Nam. Ý đồ của các thế lực thù địch trong việc lợi dụng vấn đề XHDS là thúc đẩy hình thành mô hình XHDS độc lập về chính trị, tạo tiền đề, môi trường cho sự xuất hiện của lực lượng, tổ chức chính trị đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam, tập hợp, thu hút quần chúng cạnh tranh vai trò lãnh đạo với Đảng Cộng sản và tiến tới thủ tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Để làm được điều đó, họ đang cố tình tuyệt đối hóa tính “độc lập” tương đối của XHDS với Nhà nước, đề cao, tuyệt đối hóa XHDS, mô tả nó như là mô hình xã hội dân chủ, nhân đạo, là hiện thân của tự do và Nhà nước phải giảm sự can thiệp vào XHDS.

Mặt khác, họ lợi dụng vấn đề XHDS để đưa ra các đòi hỏi thái quá về dân chủ hóa và quyền con người. Thông qua chiêu bài “dân chủ hóa” để tác động hình thành xu hướng hoạt động độc lập với Đảng Cộng sản Việt Nam của các hội, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Đồng thời, thông qua môi trường XHDS để lôi kéo quần chúng vào các hoạt động dưới danh nghĩa “vì mục tiêu chung”, “thúc đẩy sự tham gia của người dân vào công việc của chính quyền”, với chiêu bài phản biện chính sách, phản biện xã hội, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ môi trường... để hình thành tâm lý phản kháng, ý thức đấu tranh của quần chúng chống lại các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta, gây mất ổn định chính trị, xã hội. Qua các hoạt động này làm suy yếu, vô hiệu hóa vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước, đẩy xã hội tới tình trạng hỗn loạn, vô chính phủ, tạo điều kiện cho sự ra đời của các lực lượng, tổ chức chính trị đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam.

Với âm mưu, ý đồ đó, thời gian qua, các thế lực thù địch ở nước ngoài đã hậu thuẫn cho số đối tượng chống đối chính trị trong nước lập ra các tổ chức, hội, nhóm bất hợp pháp mà họ khoác cho chiếc áo “tổ chức XHDS ”. Các hội nhóm này, người cầm đầu và số tham gia về cơ bản đều là các đối tượng chống đối chính trị, có các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia. Sau khi thành lập các tổ chức, hội nhóm này cũng tiến hành nhiều hoạt động chống đối chính trị. Mục tiêu của các hội nhóm là núp dưới danh nghĩa “tổ chức XHDS” để dễ bề lừa bịp quần chúng tin và đi theo, khi lực lượng đủ mạnh thì tìm mọi cách công khai hóa, hợp pháp thành tổ chức chính trị đối lập với Đảng Cộng sản.

Về bản chất, đây đều là cách để họ nhen nhóm tổ chức chống chính quyền, không phải là các tổ chức XHDS theo đúng nghĩa bởi một điều đơn giản rằng, nếu là tổ chức XHDS thuần túy thì không tham gia hoạt động chính trị, không vì mục tiêu giành và giữ chính quyền. Điều này hoàn toàn khác với mục đích, ý đồ của các tổ chức như Diễn đàn XHDS, Hội Anh em dân chủ… Chính vì thế, không thể công nhận và cho phép các tổ chức này được hoạt động công khai, hợp pháp. Đây cũng chỉ là một trong những chiêu bài chống phá của các đối tượng thù địch núp dưới danh nghĩa XHDS. Trên thực tế, nhiều đối tượng tham gia các tổ chức này cũng đã bị xử lý bằng pháp luật hình sự với các tội danh khác nhau.

Từ những phân tích ở trên cho thấy, quan điểm cho rằng Việt Nam cần thừa nhận, cần tạo điều kiện cho XHDS, nhất là XHDS theo tiêu chí phương Tây phát triển là chưa đúng đắn và phù hợp. Nói cách khác, hiện nay chưa nên đặt ra vấn đề “Việt Nam cần phát triển XHDS”. Đồng thời, kiên quyết không chấp nhận việc các tổ chức, hội nhóm bất hợp pháp núp danh “tổ chức XHDS” công khai hoá và hợp pháp hóa. Cần hiểu đúng, nhận thức rõ âm mưu, ý đồ chống phá của các thế lực thù địch, phản động núp bóng XHDS, không cổ súy cho sự phát triển của XHDS.

Về vấn đề này, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XII ngày 30/10/2018 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ ra 9 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, trong đó có biểu hiện: “Phản bác, phủ nhận nền dân chủ XHCN, Nhà nước pháp quyền XHCN; đòi thực hiện thể chế “tam quyền phân lập”, phát triển XHDS”.

Việt Nam đang trên con đường xây dựng một đất nước “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Sự tiếp thu tinh hoa nhân loại là cần thiết nhưng mọi sự tiếp thu, vận dụng phải phù hợp với điều kiện và trình độ phát triển của Việt Nam, tránh tình trạng tiếp nhận một cách vô nguyên tắc, rơi vào “bẫy” của các thế lực thù địch, dẫn đến chệch hướng phát triển.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét