Mới đây trên nhiều trang mạng xã hội đã đăng tải bài viết tựa đề “Hiến pháp Việt Nam theo chế độ chính trị nào?” của Đào Tăng Dực. Nội dung bài viết là những lập luận có tính chất chắp vá, thiếu căn cứ khoa học, quy chụp và xuyên tạc chế độ dân chủ ở Việt Nam khi cho rằng: “Chỉ cần có đa số trong quốc hội thì nhân dân sẽ như baba nằm trong rọ của đảng”. Từ việc phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức cũng như hoạt động của bộ máy nhà nước, Đào Tăng Dực đã tung hô, cường điệu hóa, lý tưởng hóa học thuyết “tam quyền phân lập”, coi đó là “phương thuốc vạn năng” cho kiểm soát quyền lực nhà nước và ngăn ngừa tham nhũng.
Chúng ta phải khẳng định ngay rằng, đây là luận điệu sai trái, cực đoan của những kẻ cơ hội chính trị. “Tam quyền phân lập” không phải là sự lựa chọn mô hình tổ chức nhà nước của Việt Nam. Bởi thực chất, cái gọi là “tam quyền phân lập” mà Đào Tăng Dực tung hô, tôn thờ, chỉ là thủ đoạn chính trị lừa gạt nhân dân của giai cấp tư sản, nhằm thâu tóm quyền lực vào tay giai cấp tư sản. Nói cách khác, đó không phải là sự phân chia quyền lực, mà là sự phân công chức năng giữa các cơ quan quyền lực nhà nước thống nhất.
Ở Việt Nam, tổ chức quyền lực nhà nước theo nguyên tắc thống nhất quyền lực, không phân lập, nhưng có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Điều 2 Hiến pháp 2013 đã khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Sự khẳng định quyền lực nhà nước là thống nhất, nhưng có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp là một bước phát triển mạnh mẽ trong việc hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước của Đảng ta. Chính bản thân Đào Tăng Dực trong bài viết cũng phải thừa nhận rằng, đây là một “chế độ dân chủ chân chính”.
Quá trình phát triển của Việt Nam trong những năm qua đã chứng minh, nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước của nước ta là nhất quán và hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Việt Nam đã xây dựng được các thể chế và thiết chế bảo đảm quyền con người, nhất là bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền chính trị, dân sự, các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa; quyền của nhóm thiểu số hoặc yếu thế, như người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người có tín ngưỡng, tôn giáo. Thực hiện dân chủ ở cơ sở là bước tiến mở rộng dân chủ trực tiếp, nâng cao chất lượng dân chủ đại diện, đưa phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” vào cuộc sống ở cơ sở. Tính tối thượng của pháp luật được tôn trọng, mọi hành vi của tổ chức và cá nhân đều phải tuân theo Hiến pháp, pháp luật.
Thực tiễn sinh động của sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam đã, đang và sẽ bác bỏ hoàn toàn luận điệu vô căn cứ và đậm chất cơ hội chính trị này!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét