Nhận diện “Chữ thập vải đỏ”
"Chữ thập vải đỏ" hay còn có tên gọi khác là “San sư Khẻ tọ”, xuất hiện tại địa bàn huyện Bảo Lâm khoảng từ năm 1996 do một số đối tượng tuyên truyền đạo trong vùng đồng bào Mông ở tỉnh Hà Giang đến các xã Quảng Lâm, Thạch Lâm, Yên Thổ, Nam Cao, Mông Ân của huyện Bảo Lâm, Cao Bằng để tuyên truyền lôi kéo người tham gia trái phép. Đến năm 1997, các đối tượng cầm đầu cốt cán đã lôi kéo được một số nhóm người thuộc các xóm Tổng Dùn, Lũng Rịa, Phiêng Roóng, Nặm Tàu, Sác Ngà, Khau Noong của xã Thạch Lâm tin theo. Tính đến tháng 1/2023, trên địa bàn huyện Bảo Lâm có 96 hộ, 573 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Mông theo "Chữ thập vải đỏ" tại 12 xóm thuộc 2 xã Thạch Lâm và Quảng Lâm.
Theo Đại uýNông Tuấn Anh, Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng,bản chất của“Chữ thập vải đỏ” chưa được Nhà nước công nhận là tôn giáo hợp pháp do chưa có giáo lí, giáo luật và cơ cấu tổ chức rõ ràng, việc người dân tin theo “Chữ thập vải đỏ” cũng có xuất phát từ những trường hợp tuyên truyền từ địa bàn các tỉnh lân cận, qua đó ảnh hưởng vào một bộ phận đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn. Đối với các hộ dân tin theo “Chữ thập vải đỏ”, biểu hiện rõ nét nhất là trong nhà có trang trí biểu tượng chữ thập màu đỏ trên nền vải màu trắng, định kì hàng tuần người dân sinh hoạt trước chữ thập, biểu tượng đấy.
Với việc hình thành và phát triển mang tính tự phát, "Chữ thập vải đỏ" không phải phong tục truyền thống của người Mông. Người dân khi sinh hoạt theo loại hình tôn giáo bất hợp pháp này sẽ cầu nguyện Chúa trời những điều mình muốn, khi gia đình có người ốm đau, bệnh tật thì sẽ tổ chức cầu nguyện để bệnh nhân sớm khỏi bệnh. Do hiểu biết còn hạn chế, nhiều người đi theo hiện tượng tôn giáo lạ này chỉ ở nhà cầu nguyện, không còn chăm chỉ làm ăn như trước, xa lánh cộng đồng khiến cuộc sống vốn đã khó khăn lại càng nghèo hơn. Đây là hoạt động mê tín, dị đoan, đi ngược với quy luật tự nhiên, với truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Mông.
Kiên quyết đấu tranh, xoá bỏ hoàn toàn tôn giáo bất hợp pháp
Trong đợt cao điểm đấu tranh, xoá bỏ hoàn toàn “Chữ thập vải đỏ”, người dân hai xã Quảng Lâm, Thạch Lâm đã quen thuộc với hình ảnh tổ công tác của Ban chỉ đạo công tác tôn giáo của xã, với nòng cốt là lực lượng Công an có mặt tại các thôn xóm. Đường sá xa xôi, địa hình hiểm trở, các hộ sống lẻ tẻ, rải rác, không tập trung, cộng với trình độ dân trí còn thấp, đời sống nghèo nàn, lạc hậu đã khiến công tác triển khai lực lượng gặp không ít khó khăn. Song các cán bộ xã và các chiến sĩ Công an xã vẫn miệt mài bám bản với tinh thần 4 cùng với người dân để tuyên truyền, vận động cho quần chúng nhân dân hiểu bản chất mê tín, dị đoan của “Chữ thập vải đỏ”, động viên họ từ bỏ loại hình tôn giáo bất hợp pháp nàyđểquay về với phong tục truyền thống.
“Trong quá trình vận động, chúng tôi đã thực hiện công tác truyên truyền sâu rộng từ vận động tập trung cho đến vận động cá biệt từng hộ gia đình, tổ chức các cuộc họp xóm để nắm tâm tư nguyện vọng của quần chúng nhân dân và cũng triển khai đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện tháo dỡ biểu tượng của “Chữ thập vải đỏ” và tự nguyện kí cam kết từ bỏ không theo loại hình tôn giáo bất hợp pháp này”, Đại úy Hà Dương Ái, Phó Trưởng Công an xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên, đồng chí Nông Ích Cầu - Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo công tác tôn giáo huyện Bảo Lâm cho biết thêm, trong năm 2023, công tác tuyên truyền, vận động người dân từ bỏ “Chữ thập vải đỏ” đã được Ban Chỉ đạo Công tác Tôn giáo huyện Bảo Lâm đưa vào chương trình công tác tôn giáo năm, đồng thời giao cho lực lượng Công an xây dựng kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, ban ngành liên quan, chính quyền xã Quảng Lâm và Thạch Lâm thực hiện, trong đó Công an là lực lượng tham mưu, nòng cốt.
Không để người dân bị bỏ lại phía sau
Xác định công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và trọng tâm là công tác vận động quần chúng, vậy nên chính sự phối hợp và vào cuộc tích cực của cấp ủy đảng, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể, lực lượng chức năng địa phương là yếu tố quan trọng để công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân tại 2 xã Quảng Lâm, Thạch Lâm từ bỏ "Chữ thập vải đỏ" đạt được những kết quả như hiện tại. Với tinh thần không để người dân bị bỏ lại phía sau, chính quyền các xã đã và đang tiếp tục quan tâm, chú trọng thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội để bà con đồng bào dân tộc Mông ổn định đời sống, yên tâm lao động sản xuất, qua đó góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại cơ sở. Đến nay, 100% các hộ đều nhận ra việc tin và sinh hoạt theo “Chữ thập vải đỏ” là bất hợp pháp, tự nguyện ký cam kết và từ bỏ các hoạt động liên quan.
“Bản thân tôi cùng với gia đình biết đến “Chữ thập vải đỏ” là do một số anh em hàng xóm tin và sinh hoạt theo đạo này nên tôi và gia đình cũng theo. Sau khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, giải thích, tôi và gia đình đã tự nguyện kí cam kết tư bỏ Chữ thập vải đỏ, chấp hành tốt chủ trương, quy định của Đảng, Nhà nước và địa phương”, ông Lý Văn Hổng, trú tại xóm Nà Luông, xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm cho biết.
Bà Dương Thị Hoa, Chủ tịch UBND xã Thạch Lâm, huyện Bảo Lâm khẳng định,hiện nay có rất nhiều chủ trương của Đảng Nhà nước triển khai đến vùng miền núi, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ về các chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo và chương trình vùng đồng dân tộc thiểu số và miền núi. Đảng ủy, chính quyền địa phương đã tổ chức họp quán triệt, bình xét… các đối tượng được hưởng theo chủ trương, có sự ưu tiên đối với các hộ có nhận thức hạn chế, nhằm tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, từng bước xoá đói, giảm nghèo.
Từ những kết quả đạt được trong việc xoá bỏ hoàn toàn “Chữ thập vải đỏ” trên địa bàn, trong thời gian tới, lực lượng An ninh Công an huyện Bảo Lâm sẽ tiếp tục tham mưu và phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, định hướng cho các hộ đã từ bỏ “Chữ thập vải đỏ” để theo các tín ngưỡng, hoặc tôn giáo được Nhà nước công nhận; thực hiện công tác bám nắm tình hình địa bàn; giữ vững quyết tâm, nỗ lực không để các thế lực thù địch lợi dụng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của người Mông gây phức tạp tình hình về ANTT và ảnh hưởng tiêu cực đến khối đại đoàn kết dân tộc; đồng hành, giúp đỡ người dân ổn định cuộc sống, yên tâm tập trung làm ăn phát triển kinh tế, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét