Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2017

Nội dung cơ bản trong phân tích phạm trù lạm phát của Trường phái chính hiện đại là gì?

Theo P.A Samuelson, lạm phát xảy ra khi mức chung của chi phí và giá cả tăng lên. Đối lập với lạm phát là giảm phát (thiểu phát), nghĩa là giá cả, chi phí giảm xuống. Cơ sở để xem xét lạm phát là “chỉ số giá cả”. Chỉ số giá cả (CPI) quan trọng nhất là chỉ số giá cả hàng tiêu dùng được tính trên cơ sở giá của “giỏ hàng hoá” do từng quốc gia lựa chọn.

Thứ nhất, các mức lạm phát:
Lạm phát lành mạnh (có kiểm soát); lạm phát vừa phải; lạm phát phi mã; siêu lạm phát
Lạm phát lành mạnh là lạm phát với tỉ lệ thấp (thường 2- 4%) do chính phủ chủ trương thực hiện nhằm kích thích sản xuất.
Lạm phát vừa phải xảy ra khi  giá cả tăng chậm, dưới 2 con số (< 10%); người tiêu dùng chưa cảm nhận được tác động của nó đến đời sống.
Lạm phát phi mã là lạm phát xảy ra khi giá cả hàng hoá tăng 2 thậm chí 3 con số trong năm (< 1000%).
Siêu lạm phát là lạm phát xảy ra khi tiền giấy được in ra và lưu hành quá nhiều, chỉ số giá cả tăng lên trên 4 con số ( > 1000%).
Thứ hai, các loại lạm phát:
Lạm phát có dự đoán trước không làm ai bị thiệt hại hay được lợi cả vì tiền lương và giá cả biến đổi cùng chiều, cùng tỉ lệ.
Lạm phát không thấy trước thường có lợi cho các con nợ và những kẻ đầu tư mạo hiểm... đồng thời gây thiệt hại cho các chủ nợ, cho những người làm công ăn lương, những người có thu nhập ổn định.
 Thứ ba, tác động của lạm phát: lạm phát tác động trực tiếp đến phân phối lại thu nhập và của cải. Thông thường, lạm phát cao làm cho đồng tiền mất giá nên người bán và con nợ được lợi, người mua và các chủ nợ bị thiệt hại. Lạm phát còn làm thay đổi quy mô sản lượng của nền kinh tế, một số ngành, lĩnh vực có thể mở rộng hoặc thu hẹp quy mô sản xuất do mức cầu về các loại hàng hoá (thiết yếu hay cao cấp) thay đổi. Lạm phát gây ra những tác hại to lớn cho nền kinh tế. Nó làm biến dạng giá cả, lãi suất, thuế suất và tiền công thực tế của người lao động.
Thứ tư, nguồn gốc lạm phát:
Lạm phát do “cầu kéo” là nhu cầu tiêu dùng tăng hơn khả năng sản xuất. Nó xảy ra khi nền kinh tế đạt tới hoặc vượt qua mức sản xuất tiềm năng. Mức cung không thể tăng nhưng cầu tăng làm cho giá cả tăng và dẫn đến lạm phát.
Lạm phát do chi phí đẩy là giá cả hàng hoá tăng do chi phí đầu vào tăng. Chi phí đầu vào gồm các chi phí sản xuất (giá cả nguyên liệu, lao động, đất đai), chí phí phi sản xuất (thuế, phí, lệ phí).
Thứ năm, những biện pháp kiểm soát lạm phát:

Đánh đổi lạm phát với tăng trưởng vì lạm phát đi đôi với phát triển nóng; giảm tỉ lệ tăng trưởng sẽ giảm lạm phát. Dùng “chỉ số hoá” để can thiệp làm thay đổi mức giá; ví dụ giá dầu mỏ tăng, nhà nước giảm thuế nhập khẩu xăng dầu làm cho giá bán không tăng nhưng người kinh doanh vẫn đảm bảo lợi nhuận. Ngoài ra còn có thể sử dụng biện pháp kinh tế (thuế, lương, tín dụng) hoặc biện pháp hành chính để kiểm soát, điều tiết giá cả thị trường.   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét