Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2017

Quan điểm của P.A Samuelson về vai trò của chính phủ trong nền kinh tế thị trường?

Theo P.A Samuelson chính phủ có vai trò quan trọng. Vai trò đó được biểu hiện qua bốn chức năng chính của nhà nước:

Thứ nhất, thiết lập khuôn khổ pháp luật. Chính phủ đề ra các quy tắc – trò chơi và sân chơi kinh tế mà doanh nghiệp, hộ gia đình và cả chính phủ cũng phải tuân theo. Điều này bao gồm những quy định về tài sản (tài sản tư nhân? Tài sản công?); các quy tắc về hợp đồng kinh doanh; các trách nhiệm tương hỗ của liên đoàn lao động, những người sử dụng lao động, các luật lệ xác định môi trường kinh tế cả vĩ mô và vi mô.
Thứ hai, sửa chữa những thất bại của thị trường (khắc phục khuyết tật) để thị trường hoạt động hiệu quả hơn. Trước hết, thất bại mà thị trường gặp phải chính là độc quyền. Vì vậy, cần thiết phải có sự can thiệp của nhà nước để hạn chế hoặc xoá bỏ độc quyền, đảm bảo tính hiệu quả của cạnh tranh, hướng tới thị trường cạnh tranh hoàn hảo. Có như vậy mới đảm bảo cho nền kinh tế vận hành  thuận lợi và tăng trưởng thường xuyên cũng như bảo vệ người sản xuất và người tiêu dùng. Trên thực tế không thể có thị trường cạnh tranh hoàn hảo. Vì vậy, chính phủ cần ban hành Luật chống độc quyền và luật lệ kinh tế nhằm làm tăng hiệu quả hoạt động của thị trường cạnh tranh không hoàn hảo. Ngoài ra sự can thiệp của nhà nước còn nhằm hạn chế những bất cập trong sử dụng các nguồn lực (có hạn) với tham vọng (không giới hạn) của người sản xuất. Nhà nước đảm nhiệm hàng hoá công, hàng hoá ít lợi nhuận khu vực tư nhân không làm và để duy trì nguồn thu ngân sách mà cơ bản và chủ yếu là thuế nên nhà nước không thể không can thiệp ngày càng sâu và rộng vào nền kinh tế
Thứ ba, đảm bảo sự công bằng. Cho dù có sự hoạt động hoàn hảo nhất, lý tưởng nhất thì cơ chế thị trường vẫn có sự phân hoá bất bình đẳng. Sự bất bình đẳng do cơ chế thị trường gây ra là vấn đề có tính quy luật nhưng lại tiềm ẩn những bất ổn về mặt xã hội. Giải quyết vấn đề này, nhà nước chủ yếu dùng các biện pháp kinh tế để thực hiện phân phối lại thu nhập quốc dân. Công cụ quan trọng nhất là thuế luỹ tiến người giàu phải đóng thuế nhiều hơn tầng lớp trung lưu; tầng lớp trung lưu đóng thuế nhiều hơn tầng lớp bình dân. Còn người nghèo có thể được miễn thuế, thậm chí được nhà nước trợ cấp để đảm bảo cuộc sống
Thứ tư, ổn định kinh tế vĩ mô. P.A Samuelson cho rằng, việc sử dụng một cách thận trọng quyền lực về tài chính, tiền tệ của chính phủ có thể ảnh hưởng trực tiếp, mạnh mẽ đến sản lượng, việc làm và lạm phát của nền kinh tế. Sử dụng các quyền lực của nhà nước về tài chính, tiền tệ phù hợp với điều kiện nền kinh tế và quy luật khách quan sẽ giúp ổn định các yếu tố vĩ mô, và ngược lại. Trên thực tế, nhà nước thực hiện các chức năng trên thông qua các công cụ như thuế, chi tiêu công, lãi suất, mức cung tiền và cả các biện pháp hành chính khác..

Thông qua việc xác định các sắc thuế, mức thuế, diện thuế...chính phủ điều tiết tiêu dùng của dân cư, đầu tư của tư nhân và hoạt động kinh doanh của doanh nhân. Các khoản chi tiêu của chính phủ có thể thúc đẩy các doanh nghiệp và cả hộ gia đình mở rộng hay thu hẹp quy mô sản xuất một loại hàng hoá nào đó. Sự mở rộng hay thu hẹp quy mô sản xuất tác động trực tiếp tới vấn đề việc làm, thu nhập, đời sống của một bộ phận dân cư. Ngay cả những khoản trợ cấp của chính phủ cho doanh nghiệp hay người dân cũng phải hướng tới việc kích thích hay hạn chế sản xuất kinh doanh một loại hàng hoá, trong một không gian, thời gian nhất định.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét