Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2017

Sự giống và khác nhau về vai trò của thị trường trong lý thuyết kinh tế thị trường xã hội và lý thuyết kinh tế của P.A. Samuelson?

Lý thuyết về nền kinh tế thị trường xã hội xuất hiện ở Cộng hoà liên bang Đức vào những năm 50 của thế kỷ XX. Theo những người sáng lập ra lý thuyết này thì nền kinh tế thị trường xã hội không đồng nhất với cái gọi là “nền kinh tế thị trường tự do”, không đồng nhất với “chủ nghĩa tự do mới”.
Quan niệm của P.A Samuelson: kinh tế thị trường là một hình thức tổ chức kinh tế trong đó người sản xuất và người tiêu dùng tác động lẫn nhau thông qua thị trường để trả lời câu hỏi: sản xuất cái gì, cho ai, như thế nào. Trong nền kinh tế thị trường, lợi nhuận là động lực chi phối hoạt động của người kinh doanh. Kinh tế thị trường phải hoạt động trong môi trường cạnh tranh do các quy luật kinh tế khách quan chi phối.
 Giống nhau:
Thứ nhất, cả hai đều khẳng định vai trò của cơ chế thị trường tự do đối với sự phát triển kinh tế xã hội: Kích thích tự do kinh doanh, thúc đẩy cạnh tranh của các chủ thể kinh tế, phân bổ linh hoạt các nguồn lực, sử dụng các nguồn tài nguyên một cách tối ưu, khuyến khích tiến bộ kỹ thuật, phân phối thu nhập công bằng.
Thứ hai, cả hai đều thừa nhận những thất bại của thị trường tự do, cạnh tranh sinh ra độc quyền gây tác động tiêu cực đến cạnh tranh có hiệu quả, gây mất cân đối cơ cấu và khủng hoảng kinh tế, không khai thác hết nguồn lực kinh tế, phân phối thu nhập bất bình đẳng làm phân cực giàu nghèo.
 Khác nhau
Thứ nhất, lý thuyết kinh tế thị trường xã hội đặc biệt đề cao vai trò của cạnh tranh có hiệu quả.
Họ cho rằng, cạnh tranh có hiệu quả là một yếu tố trung tâm và không thể thiếu trong kinh tế thị trường xã hội.
Đánh giá thị trường thông qua các chức năng của cạnh tranh.
Thứ hai, lý thuyết của P. A. Samuleson lại hướng vào phân tích vai trò của thị trường thông qua cơ chế vận động của nó.
Ông phát triển tư tưởng của A. Smith về "bàn tay vô hình" của cơ chế thị trường. Cho rằng, thị trường là một cơ chế trong đó người mua và người bán tương tác với nhau để xác định giá cả và sản lượng của hàng hóa hay dịch vụ.
Cơ chế thị trường là một trật tự kinh tế chứ không phải là sự hỗn độn. Đó là hệ thống hoạt động thực sự kỳ diệu, không cần sự cưỡng chế hay sự hướng dẫn tập trung của bất kỳ ai và cho đây là sức mạnh thực sự của thị trường.
Quan điểm của P.A Samuelson coi thị trường là cơ chế kinh tế rất tinh vi; người tiêu dùng và kỹ thuật là hai ông vua trong nền kinh tế thị trường.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét