Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2017

Sự giống và khác nhau trong quan điểm về vai trò nhà nước trong lý thuyết “trọng tiền” và “trọng cầu” hiện đại?

Lý thuyết trọng tiền – đại biểu là Milton Friedman nhà kinh tế học người Mĩ theo chủ nghĩa tự do mới và lý thuyết trọng cầu hiện đại – đại biểu là J.M Keyes có điểm giống nhau và khác nhau như sau:

Giống nhau
Đều thấy được vai trò của nhà nước đối với nền kinh tế. JM.Keynes cho rằng nhà nước có thể tác động vào tổng cầu thông qua đầu tư của nhà nước (số nhân đầu tư), sử dụng các công cụ tài chính, tiền tệ để can thiệp vào nền kinh tế. Trường phái trọng tiền hiện đại đề cập đến vai trò của nhà nước thông qua việc nhà nước tác động vào mức cung tiền tệ. Trong khi mức cầu về tiền tương đối ổn định thì mức cung tiền (do nhà nước quyết định) có thể làm tăng sản lượng, khi sản lượng thực tế thấp hơn sản lượng tiềm năng; hoặc làm tăng giá cả khi sản lượng thực tế đạt hoặc vượt sản lượng tiềm năng
Khác nhau
Trước hết, quan điểm về ứng xử của người tiêu dùng. Trường phái Keynes cho rằng, dưới chủ nghĩa tư bản, khủng hoảng kinh tế là có thật, nhưng không phải là do nguyên nhân nội sinh, tất yếu của chủ nghĩa tư bản mà do tiêu dùng lạc hậu hơn sản xuất; do tâm lý người tiêu dùng muốn tiết kiệm đề phòng rủi ro nên không sử dụng hết thu nhập cho tiêu dùng. Ngoài ra tâm lý ưa chuộng tiền mặt cũng liên quan đến tâm lý người tiêu dùng trong xã hội hiện đại. Trường phái trọng tiền Mĩ cho rằng, thái độ của người tiêu dùng khi thu nhập tăng nhưng tiêu dùng có thể không thay đổi, khi đó tiết kiệm phụ thuộc vào thu nhập thông thường  và thể hiện ra như là số dư của tiêu dùng. Nhưng những năm tiếp theo, tiêu dùng sẽ có thay đổi. Sự thay đổi đó phụ thuộc vào thu nhập trước đó, tỷ suất lợi tức (do nhà nước quy định) và phần thu nhập có được từ tài nguyên vật chất, cũng như thu nhập hiện tại.
Thứ hai, quan điểm về vai trò kinh tế của nhà nước và thu nhập quốc dân. Trường phái Keynes cho rằng, nhà nước phải can thiệp trực tiếp vào nền kinh tế thông qua đầu tư công, nới lỏng chính sách tiền tệ (giảm lãi suất, giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc), tăng tiêu dùng của mọi tầng lớp dân cư trong đó có bộ máy công quyền để tăng tổng cầu. Milton Friedman lại cho rằng, nhà nước chỉ cần tác động vào thị trường tiền tệ (lãi suất) sẽ tác động đến cầu tiêu dùng trong tương lai. Theo họ lãi suất tiền gửi tăng làm cho thu nhập của người gửi tiền tăng, thu hoạch tương lai tăng đồng nghĩa với việc tiêu dùng tăng trong tương lai.
Thứ ba, quan điểm về lạm phát và thất nghiệp. Trường phái Keynes cho rằng muốn khắc phục tình trạng trì trệ, thất nghiệp, chính phủ phải điều chỉnh tổng cầu, nhà nước phải sử dụng các công cụ tài chính, tiền tệ với tư cách là công cụ điều tiết vĩ mô, đặc biệt là thực hiện chương trình đầu tư quy mô lớn để thu hút lao động thất nghiệp và tư bản nhàn rỗi vào thị trường mua sắm hàng hoá. Sức cầu tăng làm cho giá cả tăng, doanh nhân mở rộng sản xuất, tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống. Mặt khác, nhà nước thực hiện lạm phát có kiểm soát làm cho giá cả thị trường tăng lên trong giới hạn nhất định. Giá cả tăng là yếu tố kích thích sản xuất mở rộng. Sản xuất mở rộng làm cho việc làm tăng; việc làm tăng thì thu nhập và tiêu dùng tăng. Đến lượt nó, tiêu dùng tăng sẽ kích thích sản xuất mở rộng. Ngược lại, trường phái trọng tiền lại cho rằng lạm phát và thất nghiệp bị tác động khi nhà nước tăng hoặc giảm mức cung tiền. Nếu nhà nước tăng mức cung tiền thường xuyên, số lượng lớn sẽ dẫn đến nguy cơ lạm phát cao. Ngược lại, mức cung thấp hơn mức cầu về tiền dẫn đến thiểu phát, sức mua giảm hàng hoá thừa ế, nền kinh tế lâm vào khủng hoảng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét