Thứ Ba, 5 tháng 6, 2018

Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ



Cán bộ và công tác cán bộ luôn là vấn đề trọng yếu của cách mạng, là nhiệm vụ then chốt của công tác xây dựng Đảng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay xấu” và “Công tác cán bộ là công việc gốc của Đảng”.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, khóa XII về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” (Nghị quyết số 26-NQ/TW) có vị trí, vai trò rất quan trọng, định hướng về mặt chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ là vấn đề lớn trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, khóa XII về công tác cán bộ; được tổng kết từ quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam và vấn đề cán bộ trong công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là vai trò lãnh đạo của cán bộ cấp chiến lược trong điều kiện Đảng cầm quyền, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN). Đội ngũ cán bộ cấp chiến lược được nhấn mạnh và nhận thức rõ hơn, đầy đủ hơn trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, khóa XII, theo đó: "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ", đồng thời đề ra các giải pháp cụ thể, khả thi xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược.
Cán bộ cấp chiến lược là những cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở Trung ương, cán bộ thuộc Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý... Đội ngũ cán bộ cấp chiến lược có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, là lực lượng lãnh đạo, quản lý chủ chốt ở tầm vĩ mô, quyết định vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý điều hành của Nhà nước, quyết định sức mạnh của hệ thống chính trị và sự phát triển của đất nước và chế độ XHCN. Đội ngũ cán bộ cấp chiến lược trực tiếp tham gia hoạch định và quyết định cương lĩnh, đường lối chiến lược, sách lược, chủ trương lớn của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là lực lượng chủ chốt lãnh đạo, chỉ đạo để hiện thực hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, đúng định hướng XHCN.
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, trong đó có đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, trong nhiều năm qua, nhất là những năm gần đây, luôn được Đảng ta quan tâm, có nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn về công tác cán bộ; đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, so với mục tiêu, yêu cầu đề ra, công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ vẫn còn nhiều hạn chế, khuyết điểm, như có chủ trương đúng, trúng, nhưng việc thực hiện hiệu quả không cao. Công tác quy hoạch cán bộ còn biểu hiện hình thức, nặng về lứa lớp; nguồn kế cận, kế tiếp ở một số chức danh còn mỏng. Việc đánh giá, nhận xét cán bộ còn biểu hiện nể nang, né tránh, thiếu nhất quán. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có nội dung chưa sát tình hình thực tiễn; chưa thực sự gắn luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng với quy hoạch, sử dụng cán bộ; một số cán bộ được bổ nhiệm, đề bạt tín nhiệm không cao. Đặc biệt, tình trạng “chạy chức, chạy quyền”, cục bộ, khép kín, “cánh hẩu”… trong công tác cán bộ ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội. 
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có nguyên nhân một số cấp ủy, cán bộ chủ trì thực hiện việc nghiên cứu, quán triệt các chủ trương, quan điểm, chỉ thị của trên về công tác cán bộ chưa đầy đủ, vận dụng chưa sát, thậm chí làm trái, không đúng quy định, quy trình. Công tác tham mưu, đề xuất giải quyết những vấn đề nảy sinh trong công tác cán bộ còn thiếu chủ động, chưa nhạy bén; còn bị động, lúng túng trong chỉ đạo, hướng dẫn…   
Xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược là sự nghiệp lớn của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị; là nhiệm vụ không chỉ đáp ứng đòi hỏi của đất nước trong công cuộc đổi mới hiện nay mà còn chủ động cho sự phát triển đất nước trong tương lai. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, khóa XII nêu rõ nhiệm vụ: "Phát hiện, lựa chọn từ nguồn quy hoạch những cán bộ tiêu biểu, xuất sắc đã được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện theo chức danh, nhất là những người đã được thử thách qua thực tiễn, có thành tích nổi trội, có "sản phẩm" cụ thể, có triển vọng phát triển". Nghị quyết cũng đặt ra yêu cầu rất cao trong lựa chọn cán bộ cấp chiến lược, đó là: Đánh giá chính xác nhân sự được quy hoạch, giới thiệu bầu cử, bổ nhiệm vào các chức danh cấp chiến lược. Kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền vào đội ngũ cán bộ cấp chiến lược.
Để bảo đảm xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, khóa XII đã đặt ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, như: Bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ mọi mặt; bồi dưỡng toàn diện về kỹ năng; định kỳ cập nhật kiến thức mới theo từng nhóm đối tượng. Xây dựng kế hoạch cụ thể để luân chuyển, điều động giữ vị trí cấp trưởng phù hợp với chức danh quy hoạch ở địa bàn khó khăn, lĩnh vực trọng yếu, nơi triển khai mô hình mới để thử thách, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, nhân sinh quan cách mạng, năng lực lãnh đạo toàn diện của cán bộ.
Nghị quyết cũng đề ra chủ trương: "Tổ chức các lớp dự nguồn cán bộ cao cấp để chuẩn bị tốt nguồn nhân sự cho các chức danh cấp chiến lược"; "Tập trung xây dựng Ban Chấp hành Trung ương theo hướng nâng cao chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý, thực sự tiêu biểu về đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị, trí tuệ, trong sáng, gương mẫu về mọi mặt…”.
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đòi hỏi phải nắm vững 5 quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, khóa XII về công tác cán bộ, trong đó quan điểm hàng đầu là:  "Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu "then chốt" của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả. Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững". Đây là quan điểm có ý nghĩa sâu sắc về khoa học, lý luận và thực tiễn của công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước ta. Đó cũng là bước phát triển mới về nhận thức của Đảng trong công tác cán bộ và xây dựng Đảng.
Trung ương cũng nhấn mạnh các quan điểm có tính nguyên tắc: "Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị", "Tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan, thường xuyên đổi mới công tác cán bộ phù hơp với tình hình thực tiễn". "Quán triệt nguyên tắc về quan hệ giữa đường lối chính trị và đường lối cán bộ; quan điểm giai cấp và chính sách đại đoàn kết rộng rãi trong công tác cán bộ", "Xây dựng đội ngũ cán bộ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là của các cấp ủy, tổ chức đảng mà trước hết là người đứng đầu và cơ quan tham mưu của Đảng, trong đó cơ quan tổ chức, cán bộ là nòng cốt".
Về xây dựng đội ngũ cán bộ, trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 7, khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm rõ các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể và 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Trung ương đã đề ra. Để nghị quyết về công tác cán bộ sớm đi vào cuộc sống, trong học tập, quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện, cần nhận thức sâu sắc, đầy đủ, nghiêm túc một trong các nội dung rất quan trọng mà Tổng Bí thư nhấn mạnh trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 7, khóa XII: "Điểm nhấn của nghị quyết lần này là Trung ương yêu cầu phải có phương pháp đánh giá cán bộ một cách khách quan, chính xác; có cơ chế tạo động lực, đổi mới sáng tạo, rèn luyện qua thực tiễn có nhiều khó khăn, thách thức lớn của đội ngũ cán bộ và đề cao giải pháp kiểm soát quyền lực; chống chạy chức, chạy quyền, chủ nghĩa cá nhân, cục bộ địa phương, họ hàng trong công tác cán bộ. Coi đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đấu tranh, ngăn chặn sự tha hóa quyền lực trong bộ máy công quyền, sự suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên, để củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta".
                       Nguồn: www.qdnd.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét