Thứ Ba, 29 tháng 12, 2020

CÓ TỒN TẠI NỀN BÁO CHÍ ĐỘC LẬP VÀ KHÔNG BỊ NHÀ NƯỚC CHI PHỐI?

 

Lợi dụng quyền tự do báo chí, ngôn luận để chống phá cách mạng nước ta là một trong những hoạt động thường xuyên của các thế lực thù địch, luôn được các “nhà báo”, “trí thức” trở cờ, bất mãn sử dụng để xuyên tạc sự thật công cuộc đổi mới nói chung, nền báo chí cách mạng nói riêng ở nước ta. Vừa qua, Thục Quyên trong bài viết trên mạng xã hội: “Không bỏ quên và không hy sinh nhân quyền cho thương mại” đã viện dẫn vô căn cứ những “phát ngôn” của Dân biểu Đức Renate Kunast về việc tự do ngôn luận, nhân quyền, ủng hộ “nhà báo” Phạm Chí Dũng để xuyên tạc nền báo chí cách mạng và đưa ra đòi hỏi phi lý, xây dựng “nền báo chí độc lập và không bị nhà nước chi phối”.

Một là, chẳng có nền báo chí nào không chịu sự quản lý của nhà nước

Báo chí là một tổ chức chính trị – xã hội, có vai trò quan trọng của mỗi quốc gia, luôn hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, chịu sự quản lý của Nhà nước. Nhà báo là công dân có trách nhiệm và nghĩa vụ tuân thủ pháp luật và được pháp luật bảo vệ. Thực tế cho thấy, nền báo chí nào cũng phải phục vụ lợi ích của giai cấp lãnh đạo xã hội và phục vụ lợi ích của nhân dân. Chẳng có nền báo chí nào tồn tại được nếu tôn chỉ, mục đích và hoạt động của nó luôn xuyên tạc, chống phá, đòi hỏi lật đổ chế độ hiện hành, lật đổ giai cấp cầm quyền, cổ súy cho cái thứ tự do vô chính phủ.

Ở Việt Nam, báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân. Báo chí phải thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân; tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; góp phần vào sự nghiệp đổi mới đất nước và mở rộng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia vì hòa bình, độc lập dân tộc, hữu nghị, hợp tác, phát triển bền vững. Các tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng những nội dung trên không xứng đáng là “nhà báo”.

Hai là, nền báo chí cách mạng Việt Nam có những đóng góp xứng đáng trong sự nghiêp chung của dân tộc

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí cách mạng Việt Nam từ tờ báo đầu tiên – báo Thanh niên xuất bản ngày 21/6/1925 – qua mỗi thời kỳ cách mạng đều có sự phát triển mạnh mẽ, đến nay là một hệ thống gồm nhiều loại hình, ở nhiều cấp, thuộc nhiều cơ quan chủ quản, xuất bản bằng tiếng Việt và tiếng các dân tộc thiểu số, bằng tiếng nước ngoài, với những chức năng và nhiệm vụ hết sức đa dạng, sử dụng nhiều công nghệ thông tin truyền thông hiện đại. Với gần 20.000 nhà báo có bản lĩnh chính trị, có đạo đức và nghiệp vụ tốt, báo chí cách mạng Việt Nam là một nền báo chí kiểu mới, do Đảng lãnh đạo, lấy chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là nền báo chí của nhân dân, vì lợi ích cao cả của nhân dân mà hoạt động và chịu sự giám sát của nhân dân.

Gần 100 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã có những cống hiến to lớn vào cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam. Báo chí cách mạng Việt Nam đã làm tốt công tác tuyên truyền, cổ động, thực hiện cương lĩnh đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Là một bộ phận rất quan trọng của văn hóa dân tộc, báo chí cách mạng Việt Nam cùng với văn học, nghệ thuật có những cống hiến xuất sắc trong việc hiện đại hóa và thống nhất ngôn ngữ Việt Nam; truyền bá hệ giá trị văn hóa thông qua các tác phẩm báo chí và văn học, nghệ thuật, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và bồi dưỡng con người mới Việt Nam. Là phương tiện giao lưu nhanh chóng và hiệu quả, báo chí cách mạng Việt Nam đã đóng góp tích cực vào việc nâng cao vị thế và mở rộng quan hệ quốc tế của Việt Nam.

Thực tế trên đã bác bỏ những luận điệu xuyên tạc nền báo chí cách mạng Việt Nam, lật tẩy bộ mặt thật của những kẻ mang danh “nhà báo” tự do, đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam như Phạm Chí Dũng, các thành viên của “Hội nhà báo độc lập Việt Nam”, những đòi hỏi phi lý, lố bịch của “nền báo chí độc lập và không bị nhà nước chi phối” như Thục Quyên và đồng bọn đưa ra./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét