Thứ Hai, 7 tháng 12, 2020

MỘT NĂM GIAN KHỔ, HY SINH CỦA NHỮNG NGƯỜI LÍNH THỜI BÌNH

 

Năm 2020 là một năm lịch sử, gian nan với đất nước ta. Trong những gian nan ấy, hình ảnh người lính đã để lại dấu ấn sâu đậm. Đó là hình ảnh những người lính ngã xuống trong thời bình trên hành trình tìm kiếm, cứu nạn người dân; là hình ảnh người lính cắm chốt xuyên đêm ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào đất nước; là hình ảnh những người lính ngủ trong những lán trại dựng tạm trong rừng, nhường chỗ cho đồng bào về nước tránh dịch trong các khu cách ly... Trong dấu ấn đặc biệt đó, một lần nữa, bản lĩnh của người lính Cụ Hồ tiếp tục ngời sáng.

Trên mặt trận chống dịch, không chỉ những người lính biên phòng, mà những lực lượng làm nhiệm vụ trong các khu cách ly cũng làm tốt sứ mệnh được Thủ tướng Chính phủ giao phó là điều hành công tác cách ly trên toàn quốc, mà cũng đã trọn nghĩa với đồng bào và người nước ngoài đến Việt Nam. Thực hiện yêu cầu của Chính phủ cũng như quy định của Bộ Y tế, người Việt Nam ở nước ngoài về hay người nước ngoài sang Việt Nam, trước khi hòa nhập cộng đồng phải thực hiện cách ly bắt buộc trong 14 ngày. Các đơn vị quân đội từ Bắc vào Nam tham gia đón công dân về cách ly trên các tuyến đường bộ, đường không, đường thủy; cứ xuống tới sân bay, vào tới biên giới là được đưa thẳng về các đơn vị quân đội để cách ly.
Trước khi vào những khu cách ly, đã có người tưởng tượng sẽ tới một nơi giống như trại giam nên phản ứng kịch liệt. Nhưng khi tận mắt chứng kiến và trực tiếp được chào đón, chăm sóc chu đáo ân cần, được quan tâm lo lắng như người thân, được sinh hoạt trong một không gian sạch sẽ, thoáng mát, được hoạt động thể thao, theo dõi tin tức qua đài, báo, tivi… họ mới thốt lên rằng, họ thực sự bất ngờ, họ không nghĩ mình được chăm sóc, đối đãi cẩn thận, chu đáo đến thế, và thừa nhận họ đã sai. Nhiều người khi viết cảm tưởng vào sổ lưu bút của khu cách ly đã bày tỏ: “Chúng tôi nợ Đảng, Nhà nước và quân đội một lời biết ơn sâu sắc”.
Nếu như trong cuộc chiến chống Covid-19, mỗi cán bộ chiến sĩ chiến đấu với tinh thần “chống dịch như chống giặc” để hạn chế thấp nhất sự xâm nhập của dịch bệnh; sẵn sàng “nhường cơm sẻ áo” dành những điều kiện tốt nhất cho đồng bào mình trong khu cách ly…, thì trong công cuộc phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, những chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam không quản gian khó, không sợ hy sinh, sẵn sàng tới những nơi khó khăn nhất, nguy hiểm nhất để giúp dân chạy lũ, tiếp tế lương thực, thực phẩm, tìm kiếm người bị nạn... Những hành động và sự hy sinh cao cả của các anh không gì có thể bù đắp được.
Sự hy sinh của 2 vị tướng cùng hàng chục quân nhân trong đợt lũ cao điểm ở miền Trung vừa qua là mất mát quá lớn đối với quân đội trong năm 2020. Đại tá Đoàn Xuân Bộ - Tổng Biên tập báo Quân đội Nhân dân chia sẻ: “Từ khi Đảng ra đời, trải qua bao nhiêu cuộc chiến tranh, quân đội chỉ mất có 2 vị tướng: Trung tướng Nguyễn Bình và Thiếu tướng Kim Tuấn, Tư lệnh Quân đoàn 3 ở biên giới phía Nam. Nhưng chỉ trong một trận lũ lụt vừa qua ở Thủy điện Rào Trăng 3 (tỉnh Thừa Thiên Huế), quân đội cũng đã mất đi 2 vị tướng do lở núi. Câu chuyện buồn này không ai có thể ngờ được. Điểm dừng chân của đoàn công tác cứu hộ là một Hạt Kiểm lâm, có thể nói, đó là địa điểm an toàn ở khu vực đó. Nhưng không thể ngờ đất đá sạt lở bị đẩy ngầm ở bên dưới từ xa cách đó hàng cây số, khiến cả một khu vực lớn bị trôi đi, vùi lấp 11 quân nhân. Sự đau đớn, mất mát vẫn chưa dừng lại, chỉ 5 ngày sau, một trận sạt lở đất trên địa bàn xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) tiếp tục cướp đi sinh mạng 21 quân nhân của đoàn kinh tế quốc phòng 337”.
Trong lịch sử của quân đội, cứ mỗi trận lũ bão xảy ra, quân đội là lực lượng mạnh nhất cả về phương tiện lẫn con người, luôn đi đầu và lăn xả cứu dân. Không thể thống kê được hết đã có bao nhiêu lượt quân nhân được điều động tham gia công tác cứu hộ cứu nạn. Từ lúc hay tin chuẩn bị có bão, lực lượng quân đội được huy động để giúp sơ tán dân; khi lũ bão xảy ra, quân đội lại cùng với nhân dân chống đỡ, rồi khi họ gặp nạn, quân đội đến ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn, cứu đói, cứu trợ. Cơn bão đi qua, người lính tiếp tục có mặt giúp người dân dọn dẹp, ổn định đời sống.
Trong bão lũ, hình ảnh người lính cõng các cụ già, bế các em nhỏ ra khỏi những nơi nước ngập sâu khiến người ta thực sự cảm động không thể cất lời. Nhưng ít ai biết rằng, có những đơn vị, anh em sau khi đã đi cứu dân hết đêm mới quay về để cứu người nhà mình.
“Chừng nào dân hoạn nạn, khó khăn, người lính nghiễm nhiên lên đường với nhiệm vụ chiến đấu thời bình. Tư tưởng ấy, suy nghĩ ấy đã ngấm vào máu của người lính, trở thành “mệnh lệnh trái tim”./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét