Thứ Hai, 7 tháng 12, 2020

TRỌNG DỤNG NGƯỜI TÀI LÀ TRUYỀN THỐNG VÀ CHỦ TRƯƠNG NHẤT QUÁN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM


Lịch sử dân tộc Việt Nam chứng minh rằng thu hút và trọng dụng người có đức, có tài đã trở thành quốc sách, thành đạo đức và quan niệm sống của người Việt. Kế thừa truyền thống tốt đẹp đó, trong từng giai đoạn cách mạng vấn đề lựa chọn trọng dụng người có đức, có tài luôn là chủ trương nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hay nói cách khác, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm với nhiệm vụ, coi đó là khâu “then chốt của nhiệm vụ then chốt”. Ấy vậy mà Trần Mai Trang – một tên phản động có “số má” lại rêu rao trên mạng xã hội rằng: “Người tài ở đâu?”. Thực chất, đây chỉ là giọng điệu xuyên tạc về công tác tổ chức cán bộ của Đảng, Nhà nước Việt Nam trước thềm Đại hội XIII của Đảng. Tác giả bài viết xin dẫn ra hai minh chứng, cả trong lịch sử thời kỳ phong kiến và trong công cuộc đổi mới đất nước để khẳng định những giọng điệu của Trần Mai Trang là xuyên tạc và phản động.

Thứ nhất, lịch sử các triều đại phong kiến, ở các giai đoạn tiến bộ đều coi việc chiêu hiền đãi sĩ là việc trọng đại của đất nước. Việc Lê Thánh Tông cho khắc lời của Thân Nhân Trung vào bia Quốc Tử Giám thể hiện một nội dung của triết lý lãnh đạo, có ý nghĩa như là chiến lược về trọng dụng hiền tài: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí mạnh thì thế nước cường, nguyên khí suy thì thế nước tàn”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc trọng dụng, tập hợp người hiền tài vào đội ngũ những người làm cách mạng. Năm 1945, chỉ sau hai tháng lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài Nhân tài và kiến quốc, đăng Báo Cứu quốc (ngày 14/11/1945). Người phân tích nhu cầu cần có người hiền đức rất thấu tình đạt lý: “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài ngày càng phát triển càng thêm nhiều… Vậy, chúng tôi mong rằng đồng bào ta ai có tài năng và sáng kiến về những công việc đó, lại sẵn lòng hăng hái giúp ích nước nhà thì xin gửi kế hoạch rõ ràng cho Chính phủ. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kế hoạch ấy một cách kỹ lưỡng, có thể thực hành được thì sẽ thực hành ngay”.

Một năm sau, (ngày 20/11/1946) cũng trên báo Cứu quốc, Người đăng bài Tìm người tài đức. Trong bài viết này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận khuyết điểm trước toàn thể nhân dân vì chưa tìm được nhiều hiền tài cho đất nước: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi bực tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết.”

Do có quan điểm đúng đắn về trọng dụng nhân tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm tìm kiếm, thu hút, những “người tài đức” cho cách mạng, động viên họ mang hết sức mình phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Bất kể người đó là người trong Đảng hay ngoài Đảng, kể cả quan chức trong chính quyền cũ, điển hình như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn… Một số trí thức nổi tiếng có tài và đức, có học vị, đang có thu nhập cao ở nước ngoài nhưng vẫn tình nguyện trở về nước tham gia bảo vệ và kiến thiết đất nước. Tiêu biểu là kỹ sư Trần Đại Nghĩa, giáo sư toán học Lê Văn Thiêm, nhà nông học Lương Định Của, tiến sỹ y khoa Đặng Văn Ngữ, giáo sư Phạm Huy Thông, bác sỹ Trần Hữu Tước, bác sỹ Nguyễn Khắc Viện, giáo sư Tạ Quang Bửu, giáo sư Tôn Thất Tùng, giáo sư Hồ Đắc Di, giáo sư Hoàng Minh Giám …

Thứ hai, trong công cuộc đổi mới đất nước Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng quan tâm xây dựng và hoàn thiện chính sách về công tác cán bộ.

Văn kiện Đại hội X của Đảng cộng sản Việt Nam khẳng định: “Phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng người có đức, có tài; tạo bước chuyển căn bản trong việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài; xây dựng chiến lược quốc gia về nhân tài; coi đó là giải pháp quan trọng trong thực hiện chiến lược cán bộ”; Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI về xây dựng Đảng nêu chủ trương rất mới và đúng đắn trong việc lựa chọn, bố trí người tài, đức vào các vị trí lãnh đạo; Văn kiện Đại hội XII  nhấn mạnh: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”… Ngoài ra, Đảng ta còn ban hành nhiều văn bản về công tác cán bộ như, Quy định số: 89-QĐ/TW về “Khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”; Quy định số: 90-QĐ/TW về “Tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”; Quy định số: 105-QĐ/TW về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Chỉ thị số 35-CT/TW về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng… Hệ thống các văn bản về công tác cán bộ trên cho thấy quyết tâm chính trị to lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác cán bộ; góp phần lựa chọn cán bộ và thu hút người có đức, tài vào hệ thống chính trị của Việt Nam.

Riêng đối với 02 “nhân tài” là, Võ sư tiến sĩ Phạm Đình Quý và Võ sư tiến sĩ Hoàng Minh Tuấn mà Trần Mai Trang nhắc đến trong bài viết của Y, bị công an Tỉnh Đắk Lắk bắt tạm giam và khởi tố vụ án, vì đã có hành vi phát tán tài liệu nhằm vu khống, hạ thấp uy tín, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác trước thềm Đại hội Đảng các cấp, theo Điều 156 BLHS. Tại cơ quan điều tra, Hoàng Minh Tuấn và Phạm Đình Quý đều đã khai nhận hành vi bàn bạc, thống nhất, có tổ chức thực hiện tội phạm, cố ý loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật. Với thực tế rõ ràng này chúng ta đã thấy rõ âm mưu trong những luận điệu của Trần Mai Trang cho rằng: “Nhân tài không phát huy được trong chế độ cộng sản” chỉ là sự xuyên tạc, bịa đặt nhằm bôi nhọ, hạ bệ uy tín của Đảng, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, nhất là trước thềm Đại hội XIII của Đảng./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét