QĐND - Ngày 15-8-2017, Bản “Phúc trình thường niên 2016 về tự do tôn
giáo thế giới”, do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ biên soạn được công bố tại Washington
DC. Cũng như phúc trình về tự do tôn giáo thế giới những năm trước, phần viết về
Việt Nam tuy có đôi chút điều chỉnh, nhưng vẫn thể hiện sự kỳ thị và xuyên tạc
tình hình thực tế về đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.
Trả lời
giới báo chí về quan điểm của Việt Nam đối với bản phúc trình tự do tôn giáo
năm 2016 (phần về Việt Nam), Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam
nói: “Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm
các quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo
nào. Điều này được ghi rõ trong Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam; được bảo
đảm tôn trọng trên thực tế… Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm phân biệt đối xử với
công dân vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam
cũng khẳng định: “Nhà nước Việt Nam đã và đang thực thi nhiều chính sách và
biện pháp cụ thể để bảo đảm người dân được thụ hưởng đầy đủ các quyền tự do tôn
giáo, tín ngưỡng, trong đó có Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo được Quốc hội thông
qua vào tháng 11-2016 (hiệu lực vào tháng 1-2018). Chúng tôi ghi nhận trong báo
cáo về tình hình tự do tôn giáo quốc tế năm 2016 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã có
các điều chỉnh sát với tình hình thực tế ở Việt Nam. Song, đáng tiếc trong báo
cáo vẫn đưa ra những thông tin không khách quan, trích dẫn những thông tin sai
lệch về Việt Nam”.
Nhận xét về chính sách, pháp luật Việt Nam
trên lĩnh vực tôn giáo, phúc trình viết: “Hiến pháp Việt Nam quy định tự do tín
ngưỡng và tự do thờ phương theo đức tin là quyền mà người dân được hưởng. Thế
nhưng luật hiện hành với những điều khoản mơ hồ lại cho Nhà nước rộng quyền hơn
trong việc kiểm soát mọi sinh hoạt tôn giáo dưới danh nghĩa gọi là bảo vệ an
ninh quốc gia và duy trì đoàn kết dân tộc”; “Việt Nam vẫn là một quốc gia
mà tôn giáo nằm dưới sự chi phối của chính phủ, phải được chính phủ công nhận
tư cách pháp nhân và pháp lý thì mới được sinh hoạt”. “Tháng Mười Một năm 2016,
Quốc hội Việt Nam thông qua Bộ Luật Tôn giáo… với nhiều điều khoản không thay
đổi liên quan đến điều kiện ghi danh của các tổ chức tôn giáo, thời gian chờ
được cứu xét, những hình thức xử phạt hành chính đối với cá nhân hay tổ chức
nào vi phạm luật tôn giáo của chính phủ, làm phương hại trật tự công cộng cũng
như phá hoại tình đoàn kết dân tộc”.
Vậy, thực tế đời sống
tôn giáo ở Việt Nam ra sao? Việt Nam là quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo, trong
đó một số tôn giáo du nhập từ bên ngoài, như: Phật giáo, Công giáo, Tin lành,
Hồi giáo... và một số tôn giáo ra đời trong nước, như: Cao Ðài, Hòa Hảo... Đến
nay, ở Việt Nam có 38 tổ chức tôn giáo, trên 24 triệu tín đồ, 80.000 chức sắc
và khoảng 26.000 cơ sở thờ tự. Thực tế có những tôn giáo du nhập vào từ hàng
ngàn năm, có tôn giáo ra đời mới chỉ vài chục năm và khoảng 95% dân số Việt Nam
có đời sống tín ngưỡng. Hằng năm có khoảng 8.500 lễ hội tôn giáo hoặc tín
ngưỡng cấp quốc gia và địa phương được tổ chức. Bởi vậy, chỉ những ai đến Việt
Nam mới nhận thấy đời sống tín ngưỡng, tôn giáo Việt Nam luôn sôi động. Từ
Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992 cho đến Hiến pháp 2013 các quyền tự do tín
ngưỡng, tôn giáo của công dân Việt Nam đều được Nhà nước tôn trọng và bảo đảm.
Đặc biệt, Hiến pháp 2013, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được quy định gắn
với quyền con người, do đó được bảo đảm tốt hơn.
Nhằm thể chế hóa Hiến
pháp 2013, năm 2016, Quốc hội Việt nam đã thông qua Luật Tín ngưỡng tôn giáo.
So với các quy định của pháp luật trước đây, Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016 có
nhiều điểm mới bảo đảm tốt hơn quyền của công dân và của mọi người. Chẳng hạn:
Quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo được mở rộng thành “quyền của mọi người” chứ
không riêng của công dân Việt Nam. Nói cách cụ thể, quyền tín ngưỡng tôn giáo
của người nước ngoài ở Việt Nam cho dù họ theo bất cứ tôn giáo nào cũng được
Nhà nước Việt Nam bảo hộ. Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016 giành một chương với
nhiều quy định như “Người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người đang chấp hành
hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở
giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được sử dụng kinh sách, bày tỏ
niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo". Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016 của Việt Nam
cũng nêu rõ: "Người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được Nhà nước
Việt Nam tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; nghiêm cấm hành
vi phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; ép buộc, mua chuộc
hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo;…”.
Những quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam hoàn toàn tương
thích với Luật quốc tế về quyền con người. Bởi, theo Điều18, Công ước quốc
tế về các quyền Dân sự, Chính trị, năm 1966 quy định: “(1). Mọi người đều
có quyền tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng và tôn giáo. Quyền này bao gồm tự do
có hoặc theo một tôn giáo hoặc tín ngưỡng do mình lựa chọn, và tự do bày tỏ tín
ngưỡng hoặc tôn giáo một mình hoặc trong cộng đồng với những người khác, công
khai hoặc kín đáo, dưới các hình thức như thờ cúng, cầu nguyện, thực hành và
truyền giảng. (2). Không ai bị ép buộc làm những điều tổn hại đến quyền tự do
lựa chọn hoặc tin theo tôn giáo hoặc tín ngưỡng của họ. (3). Quyền tự do bày tỏ
tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật và khi sự giới
hạn đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức
xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác”.
Như vậy hoàn toàn không có chuyện pháp luật
Việt Nam về tôn giáo “Với những điều khoản “mơ hồ” lại cho Nhà nước rộng quyền
hơn trong việc kiểm soát mọi sinh hoạt tôn giáo dưới danh nghĩa gọi là bảo vệ
an ninh quốc gia và duy trì đoàn kết dân tộc” như Phúc trình về tự do tôn giáo
thế giới 2016 của Hoa Kỳ viết.
Còn việc nhà nước có hay không kiểm soát các
tổ chức tôn giáo là thuộc “Quyền dân tộc tự quyết”. Tuy nhiên nếu một quốc gia
nào đó (được cho là) không kiểm soát tín ngưỡng, tôn giáo thì xã hội thường
phải trả giá đắt. Theo tin nước ngoài, cảnh sát Hoa Kỳ đã từng giải cứu hơn 400
đứa trẻ thuộc giáo phái Đa thê[1] ở
bang Texas, Mỹ. Giáo phái này do Warren Jeffs cầm đầu. Y có đến 70 vợ. Trong
đời sống của các gia đình giáo phái Đa thê trẻ em là những nạn nhân đầu tiên.
Trong nhiều gia đình giáo phái Đa thê có không ít trẻ em trai, trẻ em gái bị
lạm dụng tình dục, có không ít bé gái đã trở thành “bà mẹ” ở “tuổi teen”.
Ở Nhật Bản, giáo phái Aum[2] đã
xả chất độc thần kinh sarin tấn công đường tàu điện ngầm ở thủ đô Tokyo (1995)
là một vài ví dụ về cái gọi là “quyền Tự do” về tôn giáo mà Phúc trình của
Hoa Kỳ vừa lấy làm “chuẩn” trong “Phúc trình thường niên 2016 về tự do tôn giáo
thế giới”. Việc Nhà nước Việt Nam yêu cầu các tổ chức tôn giáo phải đăng ký mới
có quyền hoạt động hợp pháp và mới được Nhà nước bảo hộ (mà Phúc trình của Hoa
Kỳ vừa công bố) đơn giản chỉ nhằm bảo vệ quyền cho các tôn giáo và bảo vệ xã
hội phù hợp với “Quyền dân tộc tự quyết”.
Ngay sau khi bản phúc trình thường niên nói
trên được công bố, nhiều quốc gia bày tỏ thái độ bất bình về việc Hoa Kỳ can
thiệp vào công việc nội bộ của mình. Không ít quốc gia nói rằng: Thay vì
tán phát “những tài liệu vô căn cứ”, can thiệp vào công việc nội bộ
của nước khác Hoa Kỳ hãy “lo chuyện nội bộ của mình”. Chẳng hạn như vụ bạo lực
ở Charlottesville (bang Virginia, Mỹ) ngày 12-8 vừa qua khiến 1 người chết thê
thảm và hàng chục người bị thương. Thống đốc Virginia Terry McAuliffe đã phải
ban bố tình trạng khẩn cấp.
Phát biểu về sự kiện này nhiều người cho rằng,
Hoa Kỳ luôn luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xã hội từ việc thiếu tôn trọng và bảo
đảm quyền con người, đặc biệt là quyền bình đẳng của người da màu, người nhập
cư và người theo đạo Hồi. Cựu Ngoại trưởng John Kerry thì cho rằng, vụ việc tại
Charlottesville phải gọi là “thù hận, tội ác, phân biệt chủng tộc và cực đoan
nội địa” (ở Hoa Kỳ).
Hiện nay, trên nhiều trang mạng, lợi dụng
“Phúc trình thường niên 2016 về tự do tôn giáo thế giới” của Hoa Kỳ đã
tán phát không ít thông tin thất thiệt, ác ý rằng: Cộng sản “vô thần”
nên không có gì khó hiểu Đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam hạn chế, gây khó dễ
nhằm xóa bỏ tôn giáo. Sự thật như thế nào? Nhân đây xin được cung cấp thông tin
quan điểm của Đảng cộng sản về tín ngưỡng, tôn giáo. Văn kiện Hội nghị Trung
ương 7 của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu
tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá
trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của
khối đại đoàn kết toàn dân tộc”[3].
Việc một số cá nhân hoặc một số nhóm tôn giáo
bị các cơ quan chức năng xử lý hình sự, trấn áp như bắt Hoàng Đức Bình, hoặc
nhắc nhở linh mục Đặng Hữu Nam, Nguyễn Đình Thục trong vụ việc cố tình tụ tập
đông người gây rối trật tự công cộng, cản trở giao thông trên Quốc lộ 1A ở Diễn
Châu, Nghệ An với lý do là “đòi Fomosa bồi thường”, vào tháng 4-2017 (sau vụ
Fomosa gây ô nhiễm diện rộng…) là điều tất nhiên, là vì họ vi phạm pháp luật
chứ hoàn toàn không phải vì lý do tôn giáo vì họ có đạo. Sự trừng phạt này là
vì lợi ích chung của cả xã hội. Còn nhớ ở châu Phi, Trung Đông những lực lượng
đối lập được nước ngoài trợ giúp cũng đã từng biểu tình “bất bạo động” gây rối
trật tự công cộng để lật đổ chế độ xã hội hiện hữu và tạo cớ cho nước ngoài can
thiệp. Đây là kịch bản “kinh điển” của “cách mạng sắc màu” thập kỷ trước mà
Việt Nam không thể lơ là.
“Phúc trình thường niên 2016 về tự do tôn
giáo thế giới” và “Phúc trình về tình hình nhân quyền thế giới” thường
niên do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ biên soạn ra đời từ thời kỳ Chiến tranh lạnh.
Trong thời kỳ đó, thế giới bị chia thành hai hệ thống xã hội: Xã hội xã hội chủ
nghĩa và tư bản chủ nghĩa. Hai hệ thống xã hội này không chỉ khác biệt mà còn
đối đầu với nhau. Tình hình ngày nay đã khác. Các quốc gia với hệ tư tưởng, thể
chế chính trị xã hội khác nhau, không còn đối lập nhau nữa. Hoa Kỳ và Việt Nam
ngày nay đã trở thành đối tác toàn diện. Văn kiện “Đối tác toàn diện” được
nguyên thủ hai quốc gia Việt Nam và Hoa Kỳ ký kết năm 2013 đã ghi nhận nguyên
tắc các bên “tôn trọng” Hiến chương Liên hợp quốc và thể chế chính trị của
nhau.
Thiết nghĩ những người soạn thảo và thông
qua “Phúc trình thường niên 2016 về tự do tôn giáo thế giới” hãy xóa
bỏ tàn dư tư duy chính trị thời kỳ Chiến tranh lạnh, không can thiệp vào công
việc của Việt Nam, không làm tổn thương đến quan hệ giữa hai quốc gia và tình
cảm của hai dân tộc.
Nguồn: http://www.qdnd.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét