Ngày 07-11-1917, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng
sản Nga đứng đầu là V.I. Lênin, giai cấp công nhân và nhân dân lao động đã nhất
loạt khởi nghĩa, lật đổ chính quyền của giai cấp tư sản và phản cách mạng, lập
nên Nhà nước Xô-viết. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Cách mạng Tháng
Mười mở ra đã làm thay đổi cục diện thế giới. Đó là sự thể nghiệm thắng lợi chủ
nghĩa Mác - Lênin trong thực tiễn, để lại những bài học kinh nghiệm vô giá cho
các quốc gia, dân tộc trong cuộc đấu tranh cách mạng vì độc lập dân tộc và chủ
nghĩa xã hội.
Cách mạng Tháng Mười Nga đã khai phá con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH), chỉ ra
sức sáng tạo của đông đảo quần chúng nhân dân trong sự nghiệp kiến tạo một xã
hội mới chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Từ một nước Nga phát triển trung
bình dưới thời Sa hoàng, đất nước Nga Xô-viết dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng
sản đã có sự phát triển vượt bậc về kinh tế, quốc phòng, an ninh, văn hóa, y
tế, giáo dục…; là lực lượng chủ yếu đánh tan phát-xít Đức trong Chiến tranh
thế giới thứ hai, cứu nhân loại thoát khỏi thảm họa của chủ nghĩa phát-xít.
Trong một thời kỳ dài của lịch sử ở thế kỷ 20, Liên Xô đã trở thành một cường
quốc thế giới, là trụ cột của hệ thống xã hội chủ nghĩa (XHCN).
Cách mạng Tháng Mười Nga
thắng lợi đã mở đường cho Chủ nghĩa Mác - Lênin thâm nhập vào tất cả các quốc
gia, dân tộc trên thế giới. Trong thế kỷ 20, đã có rất nhiều nước ở châu Á,
châu Phi và khu vực Mỹ La-tinh vùng lên đấu tranh đánh đổ ách thống trị của chủ
nghĩa thực dân, đế quốc, phá vỡ từng mảng lớn hệ thống thuộc địa của chúng và
giành được tự do, độc lập, đưa nhân dân lên địa vị làm chủ xã hội. Nhiều quốc
gia, dân tộc đã lựa chọn con đường đi lên CNXH.
Từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga, phong trào cách mạng ở mỗi nước,
trong đó có Việt Nam, trở thành một bộ phận khăng khít của phong trào cách mạng
thế giới. Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tìm ra con đường cứu nước, giải phóng
dân tộc Việt Nam cũng chính từ bản Luận cương của V.I.Lênin “Về vấn đề dân tộc
và dân tộc thuộc địa”.
Ngày nay, trước
những biến động phức tạp của thế giới, chủ nghĩa xã hội đang gặp phải những
thách thức, khó khăn, chủ nghĩa xã hội ở Liên-Xô và nhiều nước Đông Âu bị tan
rã, các thế lực thù địch, phản động với đủ mọi thủ đoạn, âm mưu thâm độc đang
tìm mọi cách chống phá sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, nhưng
nhân dân Việt Nam vẫn kiên định, vững vàng trên con đường xã hội chủ nghĩa đã
lựa chọn. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vẫn vượt qua mọi khó khăn,
thách thức, đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) và hội
nhập quốc tế, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của
Đảng, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Có được sự kiên định, vững vàng
đó, một trong những nguyên nhân quan trọng, có ý nghĩa quyết định là chúng ta
đã làm tốt công tác giáo dục lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin. Công tác giáo dục lý luận nói chung, đào tạo,
nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng đóng vai trò to
lớn trong đời sống xã hội, góp phần vào quá trình ổn định xã hội, đồng thuận về
tư tưởng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, bảo vệ chế độ, tham mưu, hiến
kế cho Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định đường lối phát triển đất nước, quá
trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh
những thành quả đáng khích lệ, phải thừa nhận một cách thẳng thắn rằng công tác
giáo dục lý luận còn nhiều bất cập, chất lượng giảng dạy và học tập các môn lý
luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong các học viện, trường đại học, cao
đẳng đang có những mâu thuẫn và bất cập trong nội dung, chương trình, giáo
trình, cũng như đội ngũ giảng viên các môn lý luận Mác - Lênin và đang ngày
càng trở nên gay gắt. Đặc biệt là từ sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Quyết
định số 52/2008/QĐ - BGDĐT về việc ban hành chương trình các môn lý luận chính
trị trình độ đại học, cao đảng dùng cho sinh viên khối không chuyên ngành
Mác-Lênin. Theo quyết định này, chương trình lý luận chính trị trình độ đại
học, cao đẳng dùng cho sinh viên không chuyên ngành Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh gồm 3 môn: Môn những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, môn tư
tưởng Hồ Chí Minh và môn Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì
vậy, nội dung, chương trình giảng dạy các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ
Chí Minh đã trở lên không đồng bộ, ở một số môn học còn thiếu tính khoa học và
yếu về chất lượng. Cụ thể là việc “ghép” ba môn học trước đây thành một môn
không chỉ tạo ra sự hiểu lầm về việc xóa bỏ một số môn khoa học (Kinh tế chính
trị Mác - Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học) mà còn tạo ra sự hoài nghi về nền
tảng tư tưởng của Đảng và trên thực tế trong hệ thống giáo dục quốc dân một số
môn này dần bị xóa bỏ. Việc phân công giảng viên được đào tạo từng chuyên ngành
trong 3 môn trước đây phải đảm nhiệm dạy môn “Những nguyên lý cơ bản của chủ
nghĩa Mác - Lênin” làm cho chất lượng bài giảng giảm sút, người giảng e ngại,
không tự tin. Hơn nữa, “Việc chuyển phần lớn nội dung lý luận về thời kỳ quá độ
lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam sang môn “Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản
Việt Nam” đã làm cho môn Chủ nghĩa xã hội khoa học không gắn được với thực
tiễn, không còn điều kiện phát triển, gây ra tư tưởng nghi ngờ về con đường đi
lên chủ nghĩa xã hội… Phân chia các môn học theo kiểu tách việc học lý luận
thuần túy (môn học “Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin” và môn
“Tư tưởng Hồ Chí Minh”) với biểu hiện thực tiễn của nó (môn “Đường lối cách
mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam”) làm cho sinh viên không thấy được mối liên hệ
chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn; vừa tạo cảm giác về tính giáo điều, kinh
viện của chủ nghĩa Mác - Lênin, vừa không thấy được cơ sở lý luận của đường lối
cách mạng của Đảng ta. Bên cạnh đó là mâu thuẫn giữa tính mở, tính sáng tạo
không ngừng của chủ nghĩa Mác - Lênin và một số biểu hiện của tính “khép kín”
và công thức hóa một cách máy móc nội dung của chủ nghĩa Mác - Lênin trong giáo
trình. Giáo trình đang sử dụng còn mang nặng tính giáo huấn, thiếu tính đối
thoại, gợi mở, xuất phát từ khối lượng môn học và phương pháp tiếp cận môn học.
Sự “chật chội” về khối lượng kiến thức cần giảng dạy khiến cho sinh viên không
có cơ hội mở rộng kiến thức, tự nghiên cứu, mà chỉ việc nghe, ghi, học thuộc
vài nội dung trọng điểm và trả bài, vì thế khả năng đối thoại, tranh luận hầu
như bị triệt tiêu, chỉ còn khả năng tiếp nhận thông tin một chiều.
Vì vậy, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo
hiện nay là vấn đề cần thiết. Theo đó, việc đổi mới nội dung, chương trình cần
theo hướng cập nhật, hiện đại, đảm bảo thống nhất tính khoa học và định hướng
chính trị, mang trên mình hơi thở và những thông điệp của thời đại, của đất
nước. Đồng thời, cần phải vượt qua cách tiếp cận đã từng tồn tại từ những năm
30 của thế kỷ XX đến nay mà không còn phù hợp nữa, trở thành sức nặng của “quả
núi” truyền thống đối với những mối quan tâm hiện tại. Trong đó, điển hình nhất
là cách tiếp cận về những vấn đề của lịch sử tư tưởng, vốn quá nặng về sự phân
tuyến cứng nhắc, không chú trọng cách tiếp cận giá trị mà C. Mác từng nêu ra[1].
Cùng với việc xem di sản của quá khứ từ cách tiếp cận giá trị, trong bài
viết “Ngày 18 tháng Sương mù của Lui Pônapác” C. Mác từng lưu
ý: “Truyền thống của tất cả các thế hệ đã chết đè nặng như quả núi lên đầu óc
những người đang sống”[2].
Thái độ có văn hóa đối với quá khứ đòi hỏi thực hiện sự “lọc bỏ” biện chứng các
yếu tố của nó để tiếp cận một cách thành công những vấn đề mới của thời đại mà
không làm mất đi nguồn cội.
[1]C. Mác và Ph. Ăngghen, Toàn tập, tập 1, Nxb Chính
trị Quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 156 - 157.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét