Thứ Năm, 21 tháng 9, 2017

PHÁT TRIỂN KINH TẾ TƯ NHÂN: BƯỚC TIẾN MỚI CHO NỀN KINH TẾ


           Hội nghị Trung ương 5 khóa 12 đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân, với mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đưa kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng trong tổng sản phẩm nội địa (GDP). Các chuyên gia kinh tế và chính sách đánh giá, Nghị quyết là một bước tiến mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển cho khu vực kinh tế tư nhân và toàn bộ nền kinh tế.



Ông Thái cho rằng, nếu không có giải pháp thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển thì không thể làm cho nền kinh tế nước ta phát triển, đặc biệt trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, khi hầu hết các nước đã chuyển sang kinh tế thị trường đầy đủ. Nếu chậm trễ trong xử lý các vấn đề để khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển, sẽ làm hạn chế tiềm năng phát triển của đất nước.Quan điểm của Đảng ta về kinh tế tư nhân là quá trình phát triển liên tục. Đặc biệt, kinh tế tư nhân đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 nhấn mạnh và coi là động lực quan trọng của nền kinh tế. Hội nghị Trung ương 5 khóa 12 lần này ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân, cũng chính là bước cụ thể hóa quan điểm của Đảng tại đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12. Đó là nhận định của Giáo sư - Tiến sỹ khoa học (GS.TSKH) Nguyễn Quang Thái, Tổng thư ký Hội khoa học kinh tế Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Quang Thái tin tưởng, Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân sẽ tạo chuyển biến quan trọng cho nền kinh tế: “Trong điều kiện đó, nghị quyết của Đảng ra các điều kiện phát triển kinh tế tư nhân một cách mạnh mẽ hơn, không phải chỉ là các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư đơn giản mà Chính phủ đã đưa ra rất đúng hướng từ nghị quyết 19, nghị quyết 35 CP, mà còn là một khuôn khổ chung cho phát triển kinh tế tư nhân làm cho kinh tế tư nhân hoạt động bình đẳng và cạnh tranh một cách lành mạnh với tất cả các thành phần kinh tế khác là điều rất đáng khuyến khích”.
Nguyên Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa nhận định, việc phát triển kinh tế tư nhân được thể hiện thành một nghị quyết riêng tại Hội nghị Trung ương lần này như một bước đột phá, tạo động lực cho kinh tế khu vực tư nhân phát triển cũng như đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời, cũng thể hiện đường lối quan điểm nhất quán của Đảng ta, nhà nước ta về kinh tế tư nhân. Ông Cao Sỹ Kiêm nhận định, khi thực hiện được các nội dung của Nghị quyết, sẽ có sức khuyến khích phát triển rất tốt cho lực lượng kinh tế tư nhân:
“Nghị quyết là nơi để các lực lượng kinh tế tư nhân trước đây bị kìm hãm hoặc bị hạn chế nhiều mặt được bung ra. Đồng thời, cũng giải phóng sức sản xuất cho đất nước chúng ta. Đây là một nội dung giúp chúng ta có thêm động lực để hội nhập sâu hơn, khai thác các thành phần kinh tế mà có nhiều tiềm năng một cách tốt hơn, là điều kiện để chúng ta áp dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao để tiến vào công nghiệp lần thứ 4.”
Các chuyên gia kinh tế và chính sách cho rằng, rất cần thiết thống nhất quan điểm kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển một nền kinh tế độc lập, tự chủ. Coi phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh theo cơ chế thị trường là một phương sách quan trọng để huy động và phân bổ các nguồn lực, giải phóng sức sản xuất và tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển ở tất cả các lĩnh vực mà pháp luật không cấm.
Hiện kinh tế tư nhân chiếm tới gần 40% GDP của đất nước. Tuy nhiên, trong đó chủ yếu vẫn là kinh tế hộ gia đình, cá thể. Theo nhiều đánh giá, kinh tế tư nhân vẫn chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng GDP của kinh tế tư nhân có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Nếu giai đoạn 2003-2010 là 11,93%/năm, thì đến giai đoạn 2011-2015 chỉ còn 7,54%/năm. Đáng nói hơn, có tới 97% doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, trình độ công nghệ thấp và chậm đổi mới, năng lực tài chính, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh còn thấp, trình độ quản trị, tính liên kết còn yếu; khả năng tham gia chuỗi giá trị trong nước và quốc tế còn thấp./.

NVH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét