Thứ Hai, 29 tháng 1, 2018

Cảnh giác với những chiêu trò thâm độc của nhóm “Mạng lưới Blogger” Việt Nam

Thời gian qua, lực lượng phản động trong và ngoài nước núp dưới danh nghĩa “phong trào xã hội dân sự”, bằng nhiều hình thức khác nhau, vận động quốc tế can thiệp vào vấn đề dân chủ, nhân quyền của Việt Nam, hình thành phong trào chính trị đối lập chống Đảng, Nhà nước. Tháng 7/2013 số cầm đầu tổ chức phản động lưu vong “Dân làm báo”, “VOICE” đã chỉ đạo lực lượng phản động trong nước khởi xướng cuộc vận động ký tên vào “Tuyên bố 258”, hình thành nhóm “Mạng lưới blogger Việt Nam”; nhằm phản đối việc bắt, xử lý số đối tượng chống đối chính trị, theo Điều 258 Bộ luật hình sự. Đồng thời, chúng kêu gọi 7 sứ quán nước ngoài tại Hà Nội và 17 tổ chức nhân quyền quốc tế tại Thái Lan, vận động quốc tế can thiệp, gây sức ép đối với Việt Nam đòi xóa bỏ Điều 258 Bộ luật hình sự. Hoạt động chống phá của nhóm “Mạng lưới Blogger” Việt Nam cơ bản bằng các chiêu trò sau:

Thứ nhất, chúng liên kết với các cá nhân, tổ chức chống đối trong và ngoài nước phát động các chiến dịch tuyên truyền, xuyên tạc chống Đảng, Nhà nước, vận động các nước và các tổ chức quốc tế can thiệp, gây sức ép với Việt Nam về dân chủ, nhân quyền.
Lợi dụng các sự kiện chính trị lớn, nhạy cảm của đất nước để khởi xướng các chiến dịch tuyên truyền, xuyên tạc thực trạng dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, tiêu biểu như: Chiến dịch chống phá Việt Nam ứng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ; chiến dịch chống phá phiên kiểm điểm định kỳ phổ quát về nhân quyền (UPR) của Việt Nam trước Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc; chiến dịch đấu tranh cho Tự do – dân chủ – nhân quyền; chiến dịch phong trào đoàn kết bảo vệ môi trường năm 2017… Điểm chung các chiến dịch này đều tuân theo quy trình các bước: vận động truyền thông tuyên truyền xuyên tạc chống Nhà nước; vận động các cá nhân, tổ chức chống đối trong và ngoài nước ký tên vào tuyên bố chung, tham gia chiến dịch; gặp, tiếp xúc với các nhân viên ngoại giao và các viên chức nhân quyền nước ngoài nhằm khuếch trương, quốc tế hóa lực lượng; tổ chức tụ tập gây rối an ninh trật tự để tập dượt “cách mạng đường phố” và tụ tập, tổng kết, rút kinh nghiệm vào dịp kỷ niệm ngày thành lập “Mạng lưới blogger Việt Nam”  và ngày quốc tế nhân quyền 10/12 hàng năm.
Các chiến dịch truyền thông của nhóm “Mạng lưới blogger Việt Nam” có kế hoạch chi tiết lấy ý kiến trong nội bộ và số tham gia, có phân công nhiệm vụ, hoạch định các bước đi và mục tiêu đặt ra cụ thể, phối hợp lực lượng trong và ngoài nước chặt chẽ; cho thấy hoạt động của tổ chức này có sự chỉ đạo bài bản, chuyên nghiệp của “VOICE”, “Dân làm báo”, “Việt Tân” và sự hậu thuẫn của các cơ quan truyền thông nước ngoài.
Thứ hai, tổ chức các hoạt động hội thảo, tọa đàm, café 258… nhằm chia sẻ kinh nghiệm, huấn luyện cách thức lợi dụng cơ chế, luật pháp quốc tế về nhân quyền qua đó tuyên truyền chống Nhà nước và khuếch trương lực lượng.
Ở trong nước, chúng thỏa thuận với nhân viên Đại sứ quán (ĐSQ) Mỹ, phương Tây lần lượt tổ chức các hội thảo nhân quyền tại các ĐSQ, cơ sở tôn giáo, quán cafe theo kiểu “có đi có lại”. Tại TP Hồ Chí Minh chúng tổ chức hội thảo chủ đề “Công dân bị cấm xuất cảnh vì lý do an ninh nhìn từ quan điểm quốc tế”; hội thảo tại Hà Nội với chủ đề “Công ước chống tra tấn và vấn nạn công dân chết trong đồn công an”. Ngoài ra chúng còn thực hiện một số cuộc hội thảo khác tại các trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài ở Hà Nội dưới danh nghĩa “chia sẻ kinh nghiệm giám sát Việt Nam thực hiện cam kết UPR 2014” và khai thác “Cơ chế của LHQ về bảo vệ Người bảo vệ nhân quyền”. Tổ chức một số khóa huấn luyện trong nước, đưa nhiều  lượt đối tượng xuất cảnh, tham gia các khóa huấn luyện của NGO, đào tạo kỹ năng hoạt động chống đối và tuyên truyền xuyên tạc, hạ uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế, đặc biệt là kinh nghiệm viết các báo cáo, lập hồ sơ “vi phạm nhân quyền” của chính quyền Việt Nam gửi cho các tổ chức quốc tế, viên chức nhân quyền nước ngoài làm cơ sở can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, kêu gọi nước ngoài gây sức ép đối với Việt Nam.
Chúng vận động cho số cầm đầu “Mạng lưới blogger Việt Nam” được nhận các giải thưởng nhân quyền do các tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực dân chủ, nhân quyền trao tặng nhằm củng cố, khích lệ ý thức chống đối, đồng thời khuếch trương thanh thế, quốc tế hóa tổ chức. Điển hình như năm 2015, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được CRD trao giải “Người bảo vệ dân quyền” trị giá 50.000 Euros với danh nghĩa đại diện “Mạng lưới blogger Việt Nam”, năm 2017 được Bộ Ngoại giao Mỹ trao giải “Người phụ nữ dũng cảm”. Phạm Thanh Nghiên được trao giải “Người bào vệ Nhân quyền trước hiểm nguy năm 2017” của tổ chức FrontLine Defender. Phạm Thị Đoan Trang cũng được số chống đối bên ngoài vận động trao giải thưởng nhân quyền 2016 của “Mạng lưới nhân quyền Việt Nam”…
Như vậy, nhóm “Mạng lưới blogger” Việt Nam thực chất là tổ chức phản động, núp dưới danh nghĩa “Phong trào xã hội dân sự”, những chiêu trò của nhóm này đều nhằm mục đích xuyên tạc tình hình Việt Nam, chống đối Đảng, Nhà nước, chế độ và nhân dân. Chúng ta cần cảnh giác với những chiêu trò thâm độc của chúng./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét