Thời gian gần đây, nhất là
sau khi Đảng ra Nghị quyết số 12 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa, có một số người nghi ngờ về khả năng định hướng xã hội
chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường ở nước ta. Theo họ, kinh tế thị
trường với định hướng xã hội chủ nghĩa như “nước
với lửa” làm sao có thể kết hợp được với nhau. Căn nguyên vấn đề nằm ở chỗ
những người này cho rằng, kinh tế thị trường là của chủ nghĩa tư bản cho nên đã
lựa chọn kinh tế thị trường không thể có định hướng xã hội chủ nghĩa. Nếu chọn
kinh tế thị trường phải từ bỏ hệ tư tưởng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội
mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
Trước hết cần nhận thấy rằng, kinh tế thị trường
không phải là cái riêng có của chủ nghĩa tư bản mà là thành quả chung của văn
minh nhân loại, tồn tại trong nhiều phương thức sản xuất khác nhau. Nhìn
lại lịch sử phát triển của kinh tế thị trường trên thế giới cho thấy, kinh tế
thị trường là nền kinh tế hàng hóa phát triển đến giai đoạn cao; ở đó các quy
luật kinh tế của kinh tế hàng hóa hoạt động mạnh mẽ thông qua hệ thống thị
trường đồng bộ; thị trường trở thành đặc trưng nổi bật, chi phối mãnh liệt các
chủ thể hoạt động trong nền kinh tế. Mặc dù kinh tế thị trường xuất hiện trước
khi chủ nghĩa tư bản ra đời, song dưới chủ nghĩa tư bản khi sức lao động trở
thành hàng hóa, kinh tế thị trường phát triển rất mạnh mẽ xuyên qua các quốc
gia, hình thành nên thị trường không chỉ có tính khu vực mà còn có tính toàn
cầu. Có lẽ, vì thế mà không ít người ngộ nhận rằng, kinh tế thị trường là sản
phẩm riêng có, là đặc trưng của chủ nghĩa tư bản.
Thứ
hai, trong chủ nghĩa xã hội, kinh tế thị trường vẫn tồn tại một
cách khách quan. Bởi vì, khi
nền kinh tế xã hội chủ nghĩa phát triển với đầy đủ những đặc điểm của nó, lực
lượng sản xuất ở một trình độ cao thì phân công lao động ngày càng phát triển.
Và, trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa còn tồn tại nhiều hình
thức sở hữu về tư liệu sản xuất (sở hữu toàn dân – sở hữu nhà nước, sở hữu tập
thể, sở hữu tư nhân và các hình thức sở hữu hỗn hợp khác); trong hình thức sở
hữu nhà nước cũng có sự tách biệt tương đối giữa quyền sở hữu (thuộc Nhà nước)
và quyền sử dụng tư liệu sản xuất (thuộc tổ chức và cá nhân được Nhà nước giao
quyền sử dụng). Đó là những điều kiện kinh tế – xã hội để kinh tế thị trường
tồn tại và phát triển. Do vậy, dưới chủ nghĩa xã hội, kinh tế thị trường còn
tồn tại và phát triển là tất yếu khách quan.
Thứ ba, Việt Nam đang trong thời kỳ
quá độ lên chủ nghĩa xã hội nên nền kinh tế thị trường chưa hoàn toàn là kinh
tế thị trường xã hội chủ nghĩa, mà là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội
chủ nghĩa. Chính vì vậy, xác định kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã
hội ở Việt Nam là hoàn toàn chính xác, thể hiện sự thống nhất biện chứng giữa
mục tiêu và phương tiện để đạt được mục tiêu đó. Phát triển kinh tế thị trường
ở Việt Nam chính là phương tiện, cách thức để xây dựng cơ sở vật chất cho chủ
nghĩa xã hội, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn
minh”.
Như vậy, việc Đảng ta lựa chọn mô hình kinh tế
thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu thế
khách quan và thực tiễn kinh tế Việt Nam. Đó không phải là sự gán ghép khiên cưỡng,
chủ quan giữa kinh tế thị trường và chủ nghĩa xã hội như một số người vẫn nghĩ.
NĐL
Bài viết rất hay!
Trả lờiXóa