Thứ Hai, 29 tháng 1, 2018

Đừng làm tiêu tan nhuệ khí, tinh thần xã hội bằng con mắt hẹp hòi

QĐND - Văn nghệ sĩ xưa nay vẫn được người đời trân trọng, tôn vinh bởi tài năng, trí tuệ của họ thường đầy đặn, sung mãn hơn công chúng. Những giá trị văn hóa, nghệ thuật, tinh thần… mà đội ngũ văn nghệ sĩ mang lại cho đất nước, cho nhân dân luôn được đón nhận nhiệt thành và là một trong những đòn bẩy, động lực thúc đẩy xã hội phát triển tiến bộ, văn minh.

Tuy nhiên, cũng có một số ít văn nghệ sĩ hoặc là đang tự ảo tưởng về “tài năng xuất chúng” của mình, hoặc muốn “nổi đình nổi đám” trong thiên hạ bằng những tác phẩm, lời nói, diễn ngôn đi ngược lại sự nghiệp chung và không phù hợp với các giá trị chân-thiện-mỹ.
Dễ đánh mất mình từ “cái tôi” nhỏ nhoi, thiên kiến
Trước bao biến đổi thăng trầm của thời cuộc, phần đông văn nghệ sĩ nước nhà vẫn nặng lòng với quê hương, Tổ quốc, thủy chung với cuộc sống cần lao của quần chúng lao động, tìm mọi cách để sáng tạo, cống hiến, quảng bá các tác phẩm của mình để phục vụ đông đảo công chúng và góp phần kiến tạo đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú trong xã hội. Một bộ phận văn nghệ sĩ trẻ dù sinh ra sau chiến tranh, ít trải nghiệm với những ngày tháng gian khổ của đất nước, nhưng với tinh thần trân trọng lịch sử, nặng tình ân nghĩa với thế hệ cha anh, họ đã nỗ lực tìm tòi sáng tạo để cho ra đời những tác phẩm mới với giá trị nội dung tư tưởng, nghệ thuật sâu sắc về đề tài chiến tranh cách mạng. Vượt qua cái tôi của cá nhân đơn lẻ, nhiều văn nghệ sĩ đã tự nguyện hòa vào cộng đồng, chung sức đồng lòng với cả dân tộc trong công cuộc xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, một số văn nghệ sĩ đang tự đánh mất những phẩm giá thiên lương của kẻ sĩ chân chính và tự bào mòn những sứ mệnh cao cả của văn học nghệ thuật thông qua những tác phẩm nghèo nàn về cảm xúc và giá trị nội dung, nhưng lại ẩn chứa những thông điệp bất lợi cho sự nghiệp củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Tận dụng internet và mạng xã hội, có văn nghệ sĩ mải mê chạy theo những biểu hiện a dua không đúng lúc, đúng chỗ, cổ súy cho một số quan niệm, suy nghĩ cực đoan không mang lại lợi ích gì cho công cuộc bảo vệ thành quả cách mạng của dân tộc và xây dựng nước nhà. Cùng với việc một số kẻ sĩ cố tình “đánh bóng” tên tuổi của mình bằng những phát ngôn “sốc”, thiếu chuẩn mực làm ồn ào dư luận, thì cũng xuất hiện một vài trang blog của văn nghệ sĩ có những trang viết thể hiện một cái nhìn phiến diện về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa của đất nước. Những bài viết này có mô típ chung, đó là từ một vài vụ việc tiêu cực lẻ tẻ xảy ra trong xã hội, họ “mổ xẻ, khoét sâu” theo thiên kiến chủ quan khiến vấn đề trở nên phức tạp, trầm trọng hơn. Thậm chí, có người cố tình bóc tách vấn đề theo kiểu “bới bèo ra bọ”, “chẻ sợi tóc làm tư”, mà thực chất là có ít suýt ra nhiều, bé xé ra to. Những bài viết như thế, dù với bất cứ động cơ, lý do gì đều không mang lại hiệu ứng tích cực cho công chúng, mà ngược lại, càng gây thêm rối rắm thông tin, nhiễu nhương dư luận xã hội.
Đáng nói hơn, đã xuất hiện những bài viết, công trình, tác phẩm của một số ít văn nghệ sĩ có nội dung phủ nhận thành tựu cách mạng vĩ đại của dân tộc đã phải đổi bằng bao nước mắt, xương máu của các thế hệ cha anh. Cá biệt, có người đã “giải thiêng” lịch sử bằng cách hạ bệ thần tượng, xúc phạm danh nhân, báng bổ cả những giá trị tâm linh thiêng liêng của cộng đồng. Tiếc thay, trong số chủ nhân của những trang viết đó, có người từng một thời nổi danh trên văn đàn và được công chúng ghi nhận. Thế nên, những bài viết của họ xuất hiện thường dễ lôi kéo độc giả, nhất là những người trẻ vốn ưa khám phá, thừa tính tò mò, hiếu kỳ, nhưng lại thiếu nhãn quan chính trị đúng đắn.
Hãy “vạch mặt, chỉ tên” cái xấu, cái ác bằng cái nhìn trong sáng, nghĩa hiệp
Trong tinh thần đổi mới của toàn xã hội hơn 30 năm qua, các văn nghệ sĩ cũng được “tắm mình” trong bầu không khí sáng tạo mà Đảng, Nhà nước đã kiến tạo và khuyến khích những người cầm bút không ngừng nỗ lực tìm tòi, cống hiến cho nhân dân và đất nước bằng những tác phẩm tô đẹp thêm cuộc sống và góp phần làm giàu giá trị văn hóa cho con người. Nhưng mọi sự sáng tạo (trong viết văn, diễn ngôn hay phát ngôn) của văn nghệ sĩ cũng rất cần được thể hiện từ lương tâm, trách nhiệm, bổn phận của người công dân. Vì văn nghệ sĩ trước hết cũng là một công dân, nên phải ứng xử với tư cách, trách nhiệm công dân đối với xã hội và Nhà nước. Cố tình không hiểu hay xa rời điều đó, văn nghệ sĩ rất dễ tự tách mình ra khỏi số đông cộng đồng và đôi khi trở nên lạc lõng, thậm chí đối lập với đồng loại.
Trong quá trình xã hội phát triển, những mặt đối lập nhau như tốt-xấu, thiện-ác, văn minh-lạc hậu, cao thượng-đê hèn… luôn tồn tại song hành với nhau, nhưng xu hướng mặt tích cực bao giờ cũng chi phối, lấn át mặt tiêu cực. Là những người nhạy cảm, dễ nắm bắt các vấn đề của xã hội, điều quan trọng là các văn nghệ sĩ khi “vạch mặt, chỉ tên” cái xấu, cái ác trong tác phẩm của mình cần phải được thể hiện bằng một tấm lòng trong sáng, cái nhìn nghĩa hiệp, nhân văn, thì không chỉ làm cho “đứa con tinh thần” của mình lành lặn, mà còn góp phần bồi bổ những giá trị tốt đẹp cho công chúng và làm giàu thêm đời sống văn hóa xã hội. Ngược lại, khi văn nghệ sĩ lợi dụng văn chương, nghệ thuật để “cài cắm” vào đó những cái nhìn thiên kiến, suy nghĩ lệch lạc, tâm trạng u ám thì không những làm chùng bầu không khí xã hội, dễ làm lòng dân ly tán, mà khiến cái xấu, cái ác có cơ hội nhởn nhơ, lộng hành!
Là một trong những bộ phận tinh hoa của xã hội, văn nghệ sĩ xứng đáng được gọi là “người của công chúng”. Đặc biệt, đối với những văn nghệ sĩ đã nổi tiếng, phàm một câu văn, diễn ngôn, lời nói họ phát ra đều có thể trở thành tâm điểm chú ý của công chúng và thu hút sự bàn tán của dư luận xã hội. Thế nhưng, những người am tường chữ nghĩa, văn chương đừng quên rằng, khi nói đúng lúc, đúng chỗ, đúng tầm thì đó là “Lời nói gói vàng”. Còn khi gặp đâu nói đấy, nói cho sướng mồm, nói cho bõ tức, hả giận mà cái tức, cái giận đó không có cơ sở thì có thể kéo theo biết bao hệ lụy khôn lường. Dân gian có câu: “Trăm năm bia đá thì mòn/Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ” với hàm ý khẳng định sức sống trường tồn, vượt thời gian của lời nói, nhưng cũng là lời khuyên răn, cảnh báo về tác hại lâu dài của những “lời nói, đọi máu” đối với cuộc sống, con người và xã hội. Thế nên, trước khi đặt bút viết hay phát ngôn về bất cứ điều gì, nhất là những vấn đề thuộc về lịch sử, chính trị, xã hội liên quan đến số phận của cả cộng đồng, dân tộc, mỗi văn nghệ sĩ rất cần bình tĩnh, công tâm, tỉnh táo phân biệt đúng-sai, phải-trái, thật-giả, hiện tượng-bản chất để không xuyên tạc, xét lại lịch sử, nhạo báng tiền nhân, cũng như không bôi đen hình ảnh, diện mạo quê hương xứ sở-cái nôi đã sinh ra, đùm bọc, nuôi dưỡng và tạo dựng sự nghiệp, tên tuổi cho mình.
Lịch sử minh chứng rằng, chỉ có những văn nghệ sĩ biết kết hợp, gắn bó hài hoà giữa tài năng và đức độ, giữa bản lĩnh và phong cách, giữa ý chí và niềm tin, giữa tình cảm, trách nhiệm cá nhân và bổn phận, nghĩa vụ công dân trong cuộc sống và lao động sáng tạo, mới có chỗ đứng vững trong lòng công chúng. Hàng nghìn năm qua, dân tộc ta đã sản sinh ra bao văn nghệ sĩ có tâm, tầm, tài và đã gắn bó, trăn trở, đau đáu với số phận dân tộc; sáng tạo ra những công trình, tác phẩm văn chương, nghệ thuật có giá trị và có những câu lập ngôn làm lay động lòng người bao thế hệ nên họ sống bất tử cùng thời gian. Và theo dòng chảy tiến bộ của xã hội, lịch sử cũng sẽ nghiêm khắc đào thải những ai đó dù có ít nhiều tài năng văn chương, nghệ thuật, nhưng lòng không thành, tâm không sáng, vô thủy vô chung và đi ngược lại lợi ích của dân tộc và đồng bào mình.

Nguồn: WWW.qdnd.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét