Thứ Hai, 9 tháng 4, 2018

“Đảng đặt lợi ích giai cấp lên trên lợi ích dân tộc” - một luận điểm xuyên tạc trắng trợn, lố bịch của những kẻ thù địch, cơ hội

Cả nước bước vào năm 2018 với tâm thế tự tin và phấn khởi trước những thành tựu đạt được trong năm 2017 và đón chào ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Song, như thường lệ, cứ vào dịp này, các thế lực thù địch và những phần tử cơ hội chính trị lại gióng lên hồi chuông hùa nhau chống phá Đảng ta một cách trơ trẽn, lố bịch. Một trong những luận điệu cũ rích mà họ đưa ra là: “Đảng đặt lợi ích giai cấp lên trên lợi ích dân tộc”.

Họ xuyên tạc rằng, ngay từ khi thành lập, Đảng đã coi lợi ích giai cấp trên lợi ích dân tộc và thậm chí, đặt lợi ích của mình cao hơn lợi ích dân tộc; chỉ chú ý củng cố quyền lực của giai cấp, thao túng, bao che cho “các nhóm lợi ích” làm giàu, bất chấp nhân dân nghèo đói, đất nước tụt hậu(!) Với lập luận đó, mưu đồ của họ là làm mất uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam, chia rẽ mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân, với dân tộc!
Sự xuyên tạc của luận điệu này bị chính thực tiễn lịch sử dân tộc Việt Nam từ khi có Đảng bác bỏ. Bởi, ngay từ đầu và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đặt lợi ích của dân tộc gắn liền với lợi ích giai cấp. Điều đó xuất phát từ quan điểm: cách mạng Việt Nam gắn liền và là một bộ phận của cách mạng thế giới. Thực tế lịch sử cho thấy, vấn đề lớn nhất của nhân dân ta trong những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX là làm sao giải phóng được dân tộc khỏi áp bức, thống trị của thực dân, phong kiến, để đất nước độc lập, nhân dân được tự do. Để trả lời câu hỏi ấy, nhiều cuộc khởi nghĩa, nhiều phong trào yêu nước đã nổ ra, nhiều chí sĩ cách mạng bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, nhưng đều thất bại. Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, với ý thức dân tộc mạnh mẽ đã làm tất cả để tìm ra câu trả lời cho dân tộc: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”1. Khát vọng cao cả, ước mơ cháy bỏng của Nguyễn Ái Quốc: dân tộc được giải phóng, được làm chủ; Tổ quốc được độc lập, thống nhất, giàu mạnh; nhân dân được tự do, ấm no, hạnh phúc; xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Và đó cũng là động lực, là mục tiêu xuyên suốt của cách mạng Việt Nam.
Để đi đến mục tiêu “độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, từ buổi đầu tìm đường cứu nước và trong mỗi giai đoạn cách mạng, Nguyễn Ái Quốc và Đảng ta đều nhìn nhận đúng vấn đề dân tộc và giải quyết hài hòa quan hệ giai cấp - dân tộc. Trong khi Quốc tế Cộng sản (do yêu cầu của châu Âu lúc đó) chỉ nhấn mạnh đấu tranh giai cấp, thì Nguyễn Ái Quốc cho rằng: “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước”. Khi chủ nghĩa dân tộc thắng lợi, “nhất định chủ nghĩa dân tộc ấy sẽ biến thành chủ nghĩa quốc tế”2. Chính vì vậy, trong “Chánh cương vắn tắt”, Người chủ trương:“Tư sản dân quyền cách mệnh và thổ địa cách mệnh, để đi tới xã hội cộng sản3. Tư tưởng đúng đắn, phù hợp đó được cụ thể hóa thành đường lối của Đảng, lập tức thu hút và tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân; đồng thời, khắc phục triệt để xu hướng dân tộc cải lương tư sản cũng như chủ nghĩa phiêu lưu tiểu tư sản (đang là trào lưu chính lúc đó), bảo đảm cho cách mạng phát triển và vượt qua những thách thức thời kỳ Xô-viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931), vận động dân chủ (1936 -1939), cao trào giải phóng dân tộc (1939 - 1945).
Trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (03-02-1930), trên thế giới đã có các cuộc cách mạng của giai cấp công nhân giành được chính quyền, trong đó điển hình là Cách mạng Tháng Mười Nga (07-11-1917) dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đứng đầu là V.I. Lê-nin. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi và sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là cuộc vùng dậy giành chính quyền với sức mạnh to lớn của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Đó là thành quả vĩ đại của sự vận dụng sáng tạo nguyên lý chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam; thành quả của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, của tinh thần: “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Thắng lợi đó, trước hết là nhờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta có đường lối đúng, nắm bắt và triệt để tận dụng thời cơ chín muồi; đặt quyền lợi của dân tộc lên trên hết, nên đã động viên, tập hợp được lực lượng cho cách mạng. Sức mạnh của đoàn kết dân tộc cũng là nhân tố bảo đảm cho chính quyền cách mạng non trẻ đứng vững trước “thù trong, giặc ngoài”, trong bối cảnh tình thế đất nước như “ngàn cân treo sợi tóc”.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược là cuộc đụng đầu lịch sử, lâu dài, khó khăn và vĩ đại nhất của dân tộc ta với những tên đế quốc sừng sỏ nhất. Đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”4, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”5, nhân dân cả nước và kiều bào nước ngoài, “không phân biệt tôn giáo, đảng phái”, đã đoàn kết muôn người như một, phát huy cao độ truyền thống của dân tộc, chiến đấu, hy sinh, chiến thắng vẻ vang quân xâm lược, thu giang sơn về một mối. Sau Đại thắng mùa Xuân 1975, đất nước gặp những khó khăn mới, bị bao vây cấm vận từ mọi phía. Cả dân tộc lại cùng với Đảng gồng mình vượt qua “thiếu thốn trăm bề”, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc. Kết quả đó là nhờ Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nắm vững quan điểm, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, luôn đặt “độc lập, tự do” của dân tộc lên trên hết, quy tụ và lãnh đạo toàn dân chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược.
Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhận thức rõ trách nhiệm trước dân tộc, Đảng đã đề ra đường lối đổi mới và coi đó là “vấn đề sống còn” của đất nước, dân tộc. Để đổi mới thực sự vì lợi ích của nhân dân, phát huy được vai trò chủ động, sáng tạo của nhân dân, Đảng đã “nhận thức lại” một số vấn đề về lý luận, nhất là những nội dung giáo điều, xơ cứng. Trên cơ sở giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng chủ trương đẩy mạnh thực hiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tăng cường hội nhập quốc tế, coi trọng phát triển kinh tế tư nhân,…; đồng thời, phê phán những tư duy rập khuôn, máy móc, cản trở sức sáng tạo của nhân dân. “Ý Đảng hợp lòng dân”, Đảng ta vững tay chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua khó khăn, thử thách, đưa đất nước ngày càng phát triển. Sự nghiệp đổi mới xét về bản chất mang tính nhân dân sâu sắc, vì nó bắt nguồn từ lợi ích dân tộc, quyền lợi của quần chúng và do nhân dân thực hiện. Chính những sáng kiến từ cơ sở, từ cuộc sống được tổng kết thành đường lối đổi mới của Đảng nên phù hợp với nhu cầu thực tiễn, được toàn dân ủng hộ và thực hiện một cách sáng tạo. Nhờ đó, công cuộc đổi mới đã giải phóng mạnh mẽ mọi tiềm năng của đất nước, khơi dậy được nhân tài, vật lực cho công cuộc phát triển.
Những năm qua, trong bối cảnh quốc tế và khu vực diễn biến phức tạp, nhưng kinh tế nước ta vẫn giữ mức tăng trưởng ổn định. Đặc biệt, năm 2017, trong điều kiện kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, thiên tai khắc nghiệt, nhưng nước ta đều đạt và vượt 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra; trong đó, tăng trưởng GDP đạt 6,81%, là mức cao so với khu vực và thế giới. Việt Nam được đánh giá kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu đạt cao; là điểm đến hấp dẫn khách du lịch quốc tế và thu hút đầu tư. Việt Nam được nhìn nhận là quốc gia khởi nghiệp mạnh mẽ; có trên 50% dân số (50 triệu người) dùng in-tơ-nét, luôn bắt kịp với sự phát triển của công nghệ thông tin thế giới. Cùng với kinh tế - xã hội, lĩnh vực quốc phòng - an ninh và đối ngoại cũng đạt được nhiều thành tựu. Sức mạnh quốc phòng được tăng cường đáng kể, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và không ngừng nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
Trong quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới, Đảng ý thức rõ vai trò của một đảng cầm quyền và trọng trách trước dân tộc, nhân dân, nên luôn coi trọng “tự chỉnh đốn”, “tự soi, tự sửa”. Trước tình hình một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện thoái hóa, biến chất, tham nhũng, hối lộ, vi phạm Điều lệ, quy định của Đảng trong công tác cán bộ và quản lý kinh tế,... Đảng ta đã nhấn mạnh: bất cứ ai, ở cương vị nào mà vi phạm kỷ luật đều phải xử lý nghiêm, giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Quán triệt quyết tâm của Đảng, thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả cụ thể, tích cực. Các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được xử lý rất kiên quyết, nghiêm minh, theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, kể cả đối với cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, cán bộ đương chức và cán bộ đã nghỉ hưu. Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Thanh tra Chính phủ tập trung kiểm tra, thanh tra, kết luận các sai phạm và quyết định kỷ luật hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét kỷ luật nghiêm đối với nhiều tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm. Riêng ngành Thanh tra đã triển khai hơn 6.800 cuộc thanh tra hành chính, gần 260.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 219 vụ, 481 bị can; Tòa án Nhân dân các cấp đã xét xử sơ thẩm 205 vụ, 433 bị cáo về các tội tham nhũng, v.v. Kết quả nêu trên đã thể hiện quyết tâm của Đảng trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm”, làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với niềm tin của nhân dân.
Gần chín thập kỷ đồng hành cùng dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn phấn đấu vì độc lập dân tộc và hạnh phúc của nhân dân, đưa đất nước không ngừng phát triển. Thực tiễn đó là minh chứng thuyết phục nhất phản bác luận điệu “Đảng đặt lợi ích giai cấp lên trên lợi ích dân tộc”. Luận điệu đó của những kẻ “gắp lửa bỏ tay người” là sự xuyên tạc trắng trợn, trơ trẽn và lố bịch.
_______________
1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 1, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 9.
2 - Sđd, tr. 513.
3 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 2, Nxb CTQG, H. 2002, tr. 2.
4 - Võ Nguyên Giáp - Những chặng đường lịch sử, Nxb CTQG, H. 1994, tr. 196.
5 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 15, Nxb. CTQG, H. 2011, tr. 131.
          Nguồn: http://tapchiqptd.vn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét