Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng
mác-xít sáng tạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX. Tư
tưởng của Người không chỉ là sự vận dụng mà còn phát triển sáng
tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh lịch sử
của Việt Nam, phản ánh tinh thần thời đại, xu thế vận động và phát
triển của thế giới hiện đại và đương đại.
1. Tấm gương đạo đức trong chỉnh
thể tư tưởng - đạo đức và phong cách của Hồ Chí Minh. Tư tưởng của Người hợp thành một hệ thống các quan
điểm, nguyên tắc và phương pháp ở tầm chiến lược và sách lược về
cách mạng và con đường cách mạng Việt Nam. Đó là cách mạng giải
phóng dân tộc, chống đế quốc thực dân và phong kiến, xóa bỏ ách áp
bức, bóc lột và nô dịch của chúng, giành lại độc lập cho Tổ quốc,
tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho đồng bào mình và cho các dân tộc đang
bị đế quốc thực dân thống trị. Khát vọng tự do và quyền làm
chủ của nhân dân trong một xã hội công bằng, bình đẳng, dân chủ với
thể chế pháp quyền là một trong những điểm nổi bật, nhất
quán của tư tưởng Hồ Chí Minh. Động cơ thúc đẩy Người hành động
không mệt mỏi để thực hiện, là: lòng yêu nước, thương dân vô
hạn. Suốt đời, Người phấn đấu và theo đuổi hệ giá trị Độc lập -
Tự do - Hạnh phúc. Đó là những giá trị cốt yếu của phát triển.
Chủ nghĩa Mác – Lê-nin, Cách mạng Tháng Mười Nga và thời đại được Người
giác ngộ, đem lại cho Người niềm tin khoa học và lập trường cách
mạng kiên định, đó cũng là nguồn sáng chiếu rọi cuộc hành trình tư
tưởng - lý luận và tranh đấu trong thực tiễn của Người trên “Đường
cách mệnh”1. Bởi thế, với Hồ Chí Minh: giải phóng là điều
kiện, tiền đề của phát triển, giải phóng dân tộc để phát triển dân
tộc, độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đặt giải
phóng dân tộc lên hàng đầu, trên lập trường của giai cấp công nhân;
đặt cách mạng giải phóng dân tộc trong quỹ đạo của cách mạng
kiểu mới - cách mạng vô sản, do Đảng kiểu mới -
Đảng Cộng sản cách mạng chân chính lãnh đạo; xác định cách mạng
Việt Nam là một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới, bỏ qua
chế độ tư bản chủ nghĩa, từng bước quá độ tới chủ nghĩa xã hội,
đó là sự lựa chọn của Hồ Chí Minh và là chủ
kiến, chủ thuyết phát triển của Người2.
Với Hồ Chí Minh, cách mệnh là
phá cái cũ lỗi thời, lạc hậu đổi ra cái mới tiến bộ, phát triển.
Cách mệnh trước hết phải có Đảng. Đảng phải có chủ nghĩa làm cốt.
Đảng không có chủ nghĩa giống như người không có trí khôn. Chủ nghĩa
chân chính nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lê-nin (Mác – Lê-nin).
Người cách mệnh, Đảng cách mệnh phải giác ngộ, phải theo đuổi chủ
nghĩa đó đến cùng. Cách mệnh do Đảng lãnh đạo phải có lực lượng,
Công - Nông là gốc của cách mệnh, phải đoàn kết toàn dân thành
lực lượng to lớn thì cách mệnh mới thành công. Đoàn kết là một tư
tưởng chiến lược, nổi bật, xuyên suốt đường lối và phương pháp cách
mạng của Hồ Chí Minh. Theo Người, thắng lợi của cách mạng không chỉ
dựa vào thiên thời, địa lợi mà quan trọng, quyết định
nhất là nhân hòa, cho nên mọi quyết sách, việc làm và
hành động phải thuận lòng dân, hợp với ý nguyện của
dân, không làm điều gì trái ý dân. “Vì dân” là mục đích
của cách mạng, là lẽ sống của người cách mạng. Việc gì có lợi cho
dân thì quyết làm cho bằng được. Việc gì có hại tới dân phải quyết
tránh cho bằng được. Phục vụ nhân dân là phục tùng chân lý cao
nhất. Suốt đời làm công bộc tận tụy, làm đầy tớ trung thành của
nhân dân là lựa chọn lẽ sống cao thượng nhất.
Là một điển hình mẫu mực của
sự nhất quán giữa nhận thức và hành động, giữa nói và làm, đã
nói là làm và sống theo phương châm: nói ít làm nhiều, chủ
yếu là hành động, Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng kiệt xuất về
một lãnh tụ của dân, suốt đời vì dân, gắn bó máu thịt với
dân, dấn thân và dâng hiến cả đời mình
trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do và hạnh phúc của dân tộc và
nhân dân. Tận trung với Nước, tận hiếu với Dân để tận hiến, dâng hiến
cả cuộc đời và sự nghiệp cho dân tộc, cho cả nhân loại. Đó là sự
cao thượng, vĩ đại của Hồ Chí Minh. Bởi thế, Người sống mãi trong
lòng dân và trong trái tim nhân loại. Không một chút riêng tư, Người
suốt đời đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, kẻ thù nguy hiểm nhất; thứ
“giặc nội xâm”, “giặc ở trong lòng”, làm hư hỏng không ít người cách
mạng, làm suy yếu Đảng như thực tế đã xảy ra, làm cho dân mất niềm
tin, kết cục là thất bại và đổ vỡ. Bài học đau đớn, phải trả giá
đắt ở Liên Xô, Đông Âu cách đây 1/4 thế kỷ vẫn còn nguyên tính thời
sự và ý nghĩa cảnh báo. Điều đó cho thấy đạo đức cách mạng của
người cách mạng, của Đảng cách mạng, nhất là khi Đảng
đã cầm quyền quan trọng biết nhường nào. Qua đó, thấy được sự
mẫn cảm đặc biệt, tầm nhìn xa trông rộng của Hồ Chí Minh về vấn đề
hệ trọng này.
Năm 1927, khi viết tác phẩm
“Đường cách mệnh” - đặt nền móng tư tưởng lý luận, đồng thời chuẩn
bị về chính trị và tổ chức cho việc thành lập Đảng, Người đã đặt
lên hàng đầu vấn đề “Tư cách của người cách mệnh”, trong đó nổi bật
yêu cầu “phải giữ chủ nghĩa cho vững”, “phải ít lòng tham muốn về
vật chất”. Di chúc để lại cho đồng bào, đồng chí trước lúc đi xa,
Người căn dặn “Trước hết nói về Đảng”, phải: giữ gìn đoàn
kết thống nhất như giữ gìn con ngươi của mắt mình; ra sức thực hành
dân chủ rộng rãi trong Đảng; thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô
tư, thật sự xứng đáng là người lãnh đạo và người đầy tớ thật trung
thành của nhân dân. Người còn căn dặn “đầu tiên là công việc với
con người”, Đảng và Chính phủ phải có kế hoạch và chính sách
thật cụ thể, đúng đắn để chăm lo đời sống của dân, miễn thuế nông nghiệp
cho bà con nông dân, giáo dục truyền thống dân tộc và cách mạng, chăm
lo cuộc sống cho các gia đình chính sách, những người có công với
nước, quan tâm tới sự tiến bộ, trưởng thành của phụ nữ, thanh niên,
v.v. Tình thương yêu của Người dành cho tất cả mọi người, mọi cảnh
đời, mọi số phận, không sót một ai. Nhân ái - Vị tha - Bao dung là
những đặc trưng nổi bật của đạo đức, nhân cách Hồ Chí Minh, hiện
thân sinh động và cảm động nhất về một “Con Người lý tưởng”, hài
hòa Chân - Thiện - Mỹ, kết tinh và thăng hoa những phẩm chất tốt đẹp
nhất của dân tộc Việt Nam hòa quyện với tinh hoa văn hóa nhân loại và
tinh thần thời đại.
2. Tấm gương đạo đức sáng ngời
trong cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh. Trong cuộc hành trình 30 năm tìm đường, nhận
đường và chọn đường đi cho sự phát triển của
dân tộc Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã giác ngộ chủ nghĩa Mác, đã đến
với nguồn sáng Lê-nin, tìm thấy trong “Luận cương về quyền tự quyết
của các dân tộc” do V.I. Lê-nin khởi thảo con đường mà bấy lâu nay
Người vẫn hằng mong mỏi tìm kiếm. Người đã nhận thấy chân lý, nhận
ra “con đường giải phóng” - “con đường cứu sống chúng ta”, “cái cẩm
nang chỉ dẫn hành động”. Ánh sáng từ Mác – Lê-nin đến Cách mạng
Tháng Mười Nga và thời đại mới đã tạo nên bước ngoặt trong cuộc
hành trình lịch sử của Người. Từ một người yêu nước, thương dân vô
hạn, với tinh thần dân tộc sâu sắc, Nguyễn Ái Quốc trở thành một
người cộng sản, thấm nhuần lý tưởng cộng sản và chủ nghĩa quốc tế
của giai cấp công nhân, suốt đời tranh đấu cho độc lập dân tộc và chủ
nghĩa xã hội. Sự nghiệp vĩ đại ấy thúc đẩy Người dấn thân và hy
sinh, một lòng một dạ vì sự nghiệp cách mạng, mà sâu xa là vì Độc
lập - Tự do - Hạnh phúc của nhân dân, từ dân tộc mà đến với thế
giới nhân loại, từ yêu nước mà đến với chủ nghĩa xã hội và chủ
nghĩa cộng sản.
Đạo đức Hồ Chí Minh là đạo
đức cách mạng, tranh đấu quên mình, hy sinh cả cuộc sống riêng tư vì
sự nghiệp mà Người tự nhủ và căn dặn những người cách mạng - những
học trò xuất sắc của Người thuộc thế hệ đầu tiên lập Đảng. Cả cuộc
đời và sự nghiệp, Hồ Chí Minh đã làm tất cả vì Dân, vì Nước; trong
gian lao khó nhọc, cả lúc hiểm nguy thử thách khi bị giam cầm, đọa
đầy trong lao tù của chế độ Tưởng Giới Thạch, mất liên lạc với
Đảng, với dân, Người vẫn một lòng kiên trinh với lý tưởng, giữ trọn
niềm tin với nghị lực phi thường vượt lên hoàn cảnh. Trước sau như
một: “Cả đời tôi chỉ có mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi của
Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân”3. Đồng thời, Người không
ngừng phấn đấu với một ham muốn tột bậc làm cho Tổ quốc được độc lập,
dân tộc được tự do, đồng bào có hạnh phúc - hạnh phúc bình dị mà
vĩ đại: có cơm ăn, áo mặc, được học hành. Tấm gương đạo đức
ấy không gì có thể mờ phai.
Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh,
là đạo đức chiến đấu và hy sinh, từ dấn thân đến dâng hiến,
suốt một đời gần dân, vì dân, thấu hiểu cuộc sống của dân và thấu
cảm lòng dân. Trả lời nhà báo Cộng sản Cu Ba, Người nói: “Tôi tự
nguyện dâng hiến đời tôi cho dân tộc” và “Mỗi người có một nỗi đau
riêng, mỗi gia đình có một nỗi khổ riêng. Gộp tất cả nỗi đau khổ đó
lại thành ra nỗi đau khổ của bản thân tôi!”. Lời nói chân thành tự
trái tim Người có sức lay động muôn triệu trái tim.
Người luôn căn dặn cán bộ, đảng
viên và công chức “dân là chủ và dân làm chủ”. Phải dân chủ chứ không
được “quan” chủ, là đầy tớ công bộc của dân chứ không lên mặt “quan”
cách mạng. Theo Người, đối với nhân dân của mình, họ là
những người chủ đích thực chứ không phải thần dân, và Người “không
phải là vua”4 mà là đầy tớ, công bộc của dân, “kính
trọng lễ phép với dân”, “gần dân, học dân, hỏi dân, hiểu dân, tin dân
để thương dân và suốt đời chỉ vì dân mà sống mà tranh đấu”. Bày tỏ
lòng biết ơn, lời cảm ơn trước tình cảm thương mến của mọi tầng lớp
nhân dân dành cho mình, Người nói: “Từ trước đến giờ tôi đã là người
của đồng bào thì từ giờ về sau, tôi mãi mãi thuộc về đồng bào”.
Đó là điển hình cho tình yêu, sự thủy chung của lãnh tụ vì
dân.
Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
không chỉ ở chỗ Người nêu gương đạo đức trong tranh đấu, từ
chống giặc ngoại xâm đến chống “giặc nội xâm” mà Người còn
nêu gương suốt đời trong thực hành cần kiệm liêm chính, chí
công vô tư để toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ
quốc. Là Chủ tịch Nước, ở cương vị nguyên thủ quốc gia, đồng thời
là Chủ tịch Đảng5, Người là tấm gương sáng ngời về cần,
kiệm, liêm, chính, tuyệt đối không màng danh lợi, đứng ngoài vòng danh
lợi, chỉ luôn coi mình là một người lính vâng lệnh quốc dân đồng
bào, làm tròn nhiệm vụ do dân ủy thác. Khi chủ trì phiên họp đầu
tiên của Chính phủ (ngày 03-9-1945), Người đưa ra sáu vấn đề cấp bách
phải làm ngay để lo cuộc sống cho dân6. Đặc biệt, Người chủ
trương: “mở cuộc vận động kêu gọi các thành viên chính phủ” nhịn ăn
để lấy gạo nuôi dân, cứ 10 ngày nhịn một bữa không chết đâu nhưng dân
thì có bữa cơm bữa cháo, mỗi bữa là một bơ gạo, góp chung lại cứu dân
nghèo và tôi xin làm trước tiên”. Người còn cẩn thận đến mức nếu
đến ngày quy định nhịn ăn mà Người có việc phải tiếp khách thì
Người sẽ nhịn bù vào hôm sau. Đã nói là làm, từ việc nhỏ đến việc
lớn, lời nói đi đôi với việc làm, làm gương và nêu gương cho mọi
người. Tấm gương ấy của Người làm cảm động muôn người; là tấm gương
sống, quý hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền. Bởi thế, Chính phủ
do Người đứng đầu thực sự là Chính phủ, là Nhà nước của
dân, vì dân, hành động vì dân bởi rất mực thương dân.
Đạo đức Hồ Chí Minh có sức lay
động, cảm hóa muôn triệu đồng bào trong nước và thu hút sự ngưỡng
mộ, kính trọng của bạn bè quốc tế.
Ngày đầu tiên trong hoạt động của Nhà nước (03-9-1945), Người đã có
thư gửi quốc dân đồng bào, công bố lịch tiếp dân, tiếp đại
biểu các giới đồng bào và các đoàn thể, “từ văn hóa giới, công
giáo, công hội, thương giới, thanh niên, phụ nữ, công chức, Phật giáo,
cho đến nông hội, Hoa kiều và các cháu nhi đồng”7. Trong đó,
nêu rõ: “Xin gửi thư nói trước để tôi sắp xếp thời giờ rồi trả lời
bà con, khỏi mất thời giờ chờ đợi mất công”. Người nêu yêu cầu “mỗi
đoàn không quá mười vị, mỗi lần không quá một tiếng đồng hồ”8.
Tôn trọng dân chủ, thiết tha lắng nghe tiếng nói của người dân như
vậy, đó thực sự là đạo đức, là văn hóa đạo đức trong chính
trị của Hồ Chí Minh.
Hiếm có vị chủ tịch nước nào
như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sống đạm bạc, đến mức khắc khổ trong cái
ăn, cái mặc hằng ngày; bởi thương dân mà tiết kiệm, bởi lãng phí là
không thương dân, bởi mỗi đồng tiền bát gạo mà ta tiêu dùng đều do mồ
hôi, nước mắt của dân làm ra. Người lên án gay gắt và nghiêm trị theo
luật pháp những hành vi tham ô, tham nhũng, coi đó là bất liêm, bất
chính, bất nghĩa, phải trừng trị như trừng trị một tội ác. Người
nói cho cán bộ, công chức rõ, đồng bào đem mồ hôi nước mắt để làm
ra tiền của, để trả lương cho ta. Nếu lười biếng và vô trách nhiệm
trong công việc hàng ngày là lừa gạt dân chúng. Người lấy
mình làm gương, chú trọng giáo dục đạo đức cho cán bộ đảng
viên, công chức và rèn luyện kỷ luật công vụ, xiết
chặt kỷ cương, nề nếp hành chính, sớm thành lập thanh tra chính phủ
để kiểm soát hoạt động của bộ máy và hành vi công chức. Những biện
pháp ấy đều chỉ vì mục đích “phục vụ dân” và “bảo vệ dân”.
Tấm gương Hồ Chí Minh còn được
thể hiện ở đức trung thực, khiêm tốn, vị tha, nhân ái, khoan dung,
thấm nhuần chất nhân văn trong tham chính và cầm quyền,
trong ứng xử với người, với việc, mà cao hơn tất cả là tình thương
yêu dành cho dân chúng mãi không bao giờ thay đổi. Khi gửi thư chúc mừng
thượng thọ một cụ già 80 tuổi (lúc đó Người đã 60 tuổi) mà Người
xưng hô là cháu: “Cháu xin thay mặt Chính phủ chúc thọ Cụ. Chúc Cụ
sống lâu muôn tuổi để cùng con cháu kháng chiến kiến quốc tới ngày
thắng lợi”. Người lấy tiền tiết kiệm của mình để mua nước ngọt gửi
ra trận địa cho bộ đội đang trực chiến giữa những trưa hè nóng nực.
Người viết thư loan báo cho đồng bào rõ: để tỏ lòng biết ơn các
liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc và những gia đình có công với nước,
Người sẽ nhận tất cả con liệt sĩ là con mình, v.v. Mỗi một chiến sĩ
ngã xuống trên chiến trường, Người như đứt từng khúc ruột. Người
rộng lòng bao dung khoan thứ, kiềm chế ngay cả những lúc Người không
hài lòng trước những việc làm sai, những người làm hỏng. Người căn
dặn “phê bình việc chứ không phê bình (với ý xúc phạm) người”. Trong
Di chúc, Người căn dặn “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”,
phê bình có lý có tình, ứng xử có tình có nghĩa,... Người để lại
muôn vàn tình thương yêu cho đồng bào, đồng chí và không quên gửi lời
chào bạn bè quốc tế và nhân dân thế giới, v.v.
Một con người, một nhân cách,
với tấm gương đạo đức sáng ngời như thế mà lại tự thấy mình chưa
xứng đáng, từ chối nhận huân chương. Người đã trở về với thế giới
người Hiền gần nửa thế kỷ, nhưng không lúc nào ta cảm thấy Người đi
xa, Người vẫn ở bên ta như động viên, nhắn nhủ, thúc giục để ở
đời thì phải thân dân, làm người thì phải chính tâm, xứng đáng là
đầy tớ trung thành, công bộc tận tụy của dân. Tấm gương đạo đức
ngời sáng Hồ Chí Minh còn sáng mãi trong cuộc đời,
trong dân tộc và thế giới, còn sống mãi với thời
gian.
Như thế, nhà tư tưởng Hồ Chí
Minh còn đồng thời là nhà đạo đức học Hồ Chí Minh, Anh hùng giải
phóng dân tộc, người chiến sĩ kiên cường đấu tranh cho tự do, cho phẩm
giá con người, người bạn lớn của nhân dân các dân tộc trên thế giới,
nhà văn hóa kiệt xuất. Thực hành biền bỉ và nêu gương mẫu mực về
đạo đức ở đời và làm người, đó là tư
tưởng mà cũng là đạo đức, đó là phương pháp mà
cũng là phong cách Hồ Chí Minh mà toàn Đảng, toàn
dân, toàn quân ta đang ra sức học tập và làm theo.
Tấm gương đạo đức sáng ngời
của Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá của dân tộc, của Đảng
ta, là niềm tự hào của mọi thế hệ người Việt Nam, là sức mạnh tinh
thần, trở thành động lực thúc đẩy chúng ta trong đổi mới, hội nhập
để phát triển. Tấm gương đó tỏa sáng trong tư tưởng, đạo đức và phong
cách của Người, trở thành giá trị chuẩn mực và định hướng giá trị
trong giáo dục và thực hành đạo đức cho các thế hệ người Việt Nam
hôm nay và mai sau. Đạo đức và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh còn có
ảnh hưởng và hiệu ứng rộng rãi trong đời sống tinh thần của nhân dân
các dân tộc trên thế giới, bởi những người bạn bè, anh em của Việt
Nam với tất cả tấm lòng chân thành, tin cậy đều dành cho Người sự
khâm phục, ngưỡng mộ và kính trọng. “Việt Nam - Hồ Chí Minh”, “Việt
Nam - Bác Hồ”, từ lâu đã được các bạn bè quốc tế của chúng ta cất
lên tiếng nói, tiếng gọi trìu mến, thân thương khi đến Việt Nam - Tổ
quốc của Người, khi đến thăm nơi ở và làm việc của Người tại Thủ đô
Hà Nội, “ngôi nhà sàn đơn sơ giản dị, ngát hương thơm cây cỏ hoa vườn
nhưng tâm hồn lộng gió bốn phương thời đại” (Phạm Văn Đồng). “Hồ Chí
Minh” và “Bác Hồ” đã từ lâu trở thành từ vựng quen thuộc, không chỉ
là biểu tượng của nhà chính trị lỗi lạc mà sâu xa, rộng lớn hơn là
nhà văn hóa lớn, biểu trưng cho văn hóa đạo đức, cho văn hóa nhân cách
Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Sự thật ấy của lịch sử, tự
nó đã bác bỏ tất cả những gì mà những kẻ thù địch đang ra sức
xuyên tạc, chống phá cách mạng Việt Nam, mưu toan hạ thấp giá trị Hồ
Chí Minh, gieo rắc những giả tượng xuyên tạc bản chất, cố tình ngụy
tạo, với ác ý thâm độc gây ra những hoài nghi về đạo đức và tấm
gương đạo đức của Người, nhất là đối với những người trẻ tuổi sinh
ra và lớn lên trong thời hiện tại, không có những trải nghiệm thực
tiễn trong quá khứ như các lớp cha anh của họ. Cũng có những kẻ cơ
hội, xu thời, đã từng thụ hưởng những ân huệ đầy tình nghĩa của
chế độ dân chủ cộng hòa do Hồ Chí Minh sáng lập, chỉ vì lòng dạ
không còn trong sáng nữa, mang nặng những thiên kiến chủ quan, chủ nghĩa
cá nhân, hám danh, vụ lợi và vị kỷ mà cố tình xuyên tạc sự thật hoặc
đồng lõa với những kẻ xuyên tạc. Họ chẳng thể vấy bẩn được ai mà
tự vấy bẩn chính mình, tự hạ thấp mình mà thôi.
Lịch sử vốn công minh, khách
quan. Trí tuệ của nhân dân là sáng suốt. Dư luận thế giới là rộng
lớn. Những ai có lương tri và trọng phẩm giá con người đều nói tiếng
nói trung thực, có cốt cách của học thức và văn hóa trong cảm nhận,
đánh giá về Hồ Chí Minh. Và đây là dòng chủ đạo, tự nó
đã có sức mạnh phủ định và phê phán những giọng điệu lạc lõng
xuyên tạc về Việt Nam, về Đảng và Bác Hồ.
________________
1 - Đây là một trong năm tác phẩm
của Người được xếp hạng Bảo vật quốc gia.
2 - Tô Huy Rứa, Hoàng Chí Bảo (chủ
biên) - Chủ thuyết phát triển của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh,
Nxb CTQG, H. 2017.
3 - Hồ Chí Minh - Toàn
tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 272.
4 - Người nói với những người giúp
việc trong mỗi buổi sáng đi tập thể dục, khi nhìn thấy Người đều xuống xe đạp để
chào: “Bác có phải là vua đâu mà các cô các chú cứ “hạ mã” thế!”.
5 - Đại hội II (1951), Đại hội III
(1960) đều bầu Người là Chủ tịch Đảng.
6 - Chống giặc đói, giặc dốt,
như chống giặc ngoại xâm; ra sắc lệnh bãi bỏ tất cả các thứ thuế
phi lý và phi nhân là tàn tích của chế độ thực dân để lại; khẩn
trương soạn thảo Hiến pháp dân chủ để xác lập quyền làm chủ của
người dân; xây dựng nền văn hóa mới, tuyên bố tự do tín ngưỡng, cải
tạo phong tục tập quán lạc hậu là tàn tích của chế độ thực dân phong kiến
để lại và thực hành đại đoàn kết.
7 - Hồ Chí Minh - Toàn tập,
Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 9.
8 - Sđd, Tập 4, Nxb
CTQG. H. 2011, tr. 9.
Nguồn: http://tapchiqptd.vn
Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại muôn năm!
Trả lờiXóa