Sau khi Báo Quân đội nhân dân đăng vệt bài
“Bảo vệ độc lập dân tộc-Gốc rễ là bảo vệ bản sắc văn hóa” từ ngày 16 đến
18-4-2018, tòa soạn nhận được nhiều hồi âm của các nhà văn hóa, chuyên gia, nhà
khoa học và bạn đọc. Ngoài việc đánh giá cao những vấn đề mà vệt bài đã nêu,
các ý kiến còn bổ sung, làm sáng tỏ thêm nhiều khía cạnh nhằm thực hiện tốt hơn
nhiệm vụ giữ gìn, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong tình hình mới.
GS, TSKH Vũ Minh Giang, Phó chủ tịch Hội Khoa
học lịch sử Việt Nam:
Bảo vệ di sản văn hóa dân tộc là bảo vệ tài
nguyên quý giá của quốc gia
Tôi rất thích hình ảnh
ví von dân tộc ta trường tồn nhờ “dây neo” văn hóa. Chữ “dây neo” mang hàm ý là
giữ được sự vững vàng, giữ được cái gốc của văn hóa mà không bị lung lay, chao
đảo trước “sóng to gió cả” của thời cuộc, nhất là trong những thời kỳ lịch sử
Việt Nam phải chống chọi với hiểm họa xâm lăng, nô dịch lâu năm của kẻ thù. Văn
hóa Việt trường tồn đến nay là nhờ tổ tiên, ông cha ta đã biết giữ lại những gì
thuộc về tinh hoa, tinh túy của dân tộc, đồng thời biết tiếp thu có chọn lọc
những giá trị văn hóa tiến bộ của nhân loại.
Tư duy, năng lực ứng
xử linh hoạt, tổng hợp là nét đặc trưng nổi bật của con người Việt Nam qua các
thời đại. Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, chúng ta cần tiếp tục kế thừa
và phát huy tính cách đó để bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp
của dân tộc. Nhưng bảo vệ không có nghĩa là “khư khư giữ bằng được” những cái
đã có, mà phải biến những giá trị đó thành một trong những tài nguyên, một
trong những lợi thế cạnh tranh của nước ta trong hội nhập quốc tế. Vì tài
nguyên thiên nhiên chỉ là hữu hạn, khai thác mãi sẽ đến lúc cạn kiệt. Nhưng di
sản văn hóa dân tộc càng khai thác thì càng phát triển, vì đó là một thứ tài
nguyên tái tạo vô tận. Vấn đề là ở chỗ phải có tri thức hiểu biết, có sự linh
hoạt sáng tạo phù hợp với thực tiễn mới có thể biến di sản văn hóa thành tài
nguyên, thành sức mạnh nội sinh và động lực phát triển cho đất nước. Do đó, có
thể nói rằng, bảo vệ di sản văn hóa dân tộc cũng là một cách hữu hiệu để bảo vệ
tài nguyên quý giá của quốc gia.
Trung tướng, PGS, TS Phạm Quốc Trung, Hiệu
trưởng Trường Sĩ quan Chính trị:
Giữ gìn “chủ quyền văn hóa” bằng những việc
làm thiết thực
Có nhiều cách để bảo
vệ bản sắc văn hóa dân tộc. Một trong những cách đó là thường xuyên đổi mới nội
dung, chương trình, phương pháp giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Nhất là
trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, chúng ta phải tận dụng tối đa những
ưu thế của công nghệ thông tin để tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá những nét
đẹp văn hóa của cha ông cho thanh thiếu niên thông qua những hình thức sinh
động, phong phú, hấp dẫn, phù hợp với tâm lý, thị hiếu của giới trẻ. Cùng với
đó là mở rộng giao lưu văn hóa, nói chuyện lịch sử truyền thống, tăng cường
tính tương tác, tính trực quan sinh động khi giáo dục truyền thống văn hóa cho
tuổi trẻ.
Trong đợt đi thăm quần
đảo Trường Sa mới đây, một trong những món quà mà đoàn công tác của Trường Sĩ
quan Chính trị tặng quân và dân Trường Sa là hộp đất mang từ Thành cổ Bắc
Ninh-vùng đất nằm trong phòng tuyến sông Như Nguyệt (sông Cầu), nơi từng vang
lên bài thơ thần “Nam quốc sơn hà”-lời Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc
cách đây nghìn năm. Khi tặng “hộp đất thiêng” này cho bộ đội đang ngày đêm canh
giữ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc, chúng tôi muốn gửi một thông điệp tới các
chiến sĩ trẻ: Trường Sa là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, từ nay,
quần đảo này có thêm khí phách hào hùng “sông núi nước Nam” ngàn đời của tiền
nhân truyền lại. Vậy nên, bảo vệ vững chắc quần đảo Trường Sa cũng là bảo vệ
“chủ quyền văn hóa” dân tộc Việt Nam trên Biển Đông.
TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy
ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu thiếu và Nhi đồng của Quốc hội:
Đề cao trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị
di sản văn hóa dân tộc
UNESCO đã cảnh báo cho
cả thế giới, hễ ở đâu phát triển kinh tế mà không quan tâm tới yếu tố văn hóa
thì ở đó phát triển không bền vững và những hệ lụy đặt ra cho xã hội lớn hơn
nhiều so với kinh tế. Điều này được cảnh báo từ lâu nhưng hình như để vượt qua
điều này không dễ dàng, nhất là những nước đang phát triển, bản sắc văn hóa dân
tộc rất dễ bị tổn thương.
Nếu trước đây dân tộc
ta từng có cả nghìn năm bị cưỡng bức văn hóa thì ngày nay chuyện đó sẽ khó có
thể xảy ra. Nhưng trong quá trình giao lưu văn hóa hiện nay, sự xâm nhập, thẩm
thấu các giá trị văn hóa ngoại lai vào nước ta diễn ra thông qua nhiều hình
thức, con đường rất tinh vi, nên chúng ta rất cần có những giải pháp phù hợp để
phòng ngừa những tác hại, hệ lụy của những luồng văn hóa lai căng, xấu độc.
Muốn giữ được gốc gác cội nguồn dân tộc và bản sắc văn hóa Việt Nam, ngoài
trách nhiệm của ngành văn hóa và những người làm công tác văn hóa, đòi hỏi phải
có sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành và cả cộng đồng, xã hội. Vì văn
hóa gắn liền với mỗi con người, mỗi cộng đồng dân tộc, mỗi địa phương và gắn
liền với các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội, do đó, cả hệ thống chính trị
phải cùng nêu cao trách nhiệm trong việc tham gia giữ gìn, bảo tồn và phát huy
các di sản văn hóa của dân tộc.
GS, TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó chủ tịch Hội
đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương:
Muốn đối thoại với các nền văn hóa khác, Việt
Nam phải giữ được bản sắc
Hiện nay, hội nhập
quốc tế là quy luật khách quan nhưng trong tương quan lại nghiêng về các nước
phát triển, các nước lớn. Cho nên Việt Nam cần tỉnh táo, thông minh trong quá
trình hội nhập để không bị hòa tan. Hội nhập văn hóa trải qua các chặng: Giao lưu,
hợp tác và đối thoại. Đối thoại là bình đẳng, không có cao thấp, nhưng muốn đối
thoại được phải có bản sắc riêng. Hội nhập văn hóa có những đặc thù riêng,
không giống hội nhập trong các lĩnh vực khác. Hội nhập văn hóa thống nhất giữa
“nhận” và “cho”. “Nhận” cái mới của nước ngoài nhưng chúng ta cũng phải “cho”
thế giới, đóng góp cho thế giới những điều đặc sắc trong văn hóa Việt Nam. Thực
tiễn hội nhập văn hóa thời gian qua, chúng ta đang “nhận” nhiều mà “cho” ít. Ví
như lĩnh vực sân khấu, ca nhạc, điện ảnh, nhiều nghệ sĩ bắt chước các yếu tố
ngoại lai, ít có sáng tạo mang dấu ấn bản sắc văn hóa Việt.
Lịch sử cho thấy, sức
mạnh nội sinh là văn hóa yêu nước, đó là sức mạnh trực tiếp, góp phần giữ nước,
giải phóng và thống nhất đất nước. Điều quan tâm hiện nay là phải chú trọng xây
dựng nhân cách con người Việt Nam, trong đó, nội hàm quan trọng nhất là ý thức
bảo vệ Tổ quốc, tình yêu Tổ quốc, năng lực bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta phải giữ
cho được bản sắc truyền thống, căn cước văn hóa Việt Nam để tự tin hội nhập
quốc tế.
PGS, TS Từ Thị Loan, nguyên Viện trưởng Viện
Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam:
Phát triển công nghiệp văn hóa nội địa để làm
giàu văn hóa Việt
Sức mạnh nội sinh của
một nền văn hóa phụ thuộc nhiều vào thành quả của nền văn hóa dân tộc. Nhưng
sức mạnh nội sinh của dân tộc không tự nhiên mà có, mà cần quan tâm đầu tư xây
dựng, phát triển nền công nghiệp văn hóa nội địa có đủ khả năng phục vụ nhu cầu
của người dân trong nước, tạo điều kiện cho việc tiếp cận, sử dụng, thưởng thức
văn hóa của người dân được tăng lên. Mặt khác, chúng ta phải tạo ra nhiều sản
phẩm văn hóa Việt để giới thiệu, quảng bá, xuất khẩu ra nước ngoài.
Như Báo Quân đội nhân
dân đã đề cập, vì thiếu sản phẩm văn hóa chất lượng cao nên chúng ta mới phải
“nhập siêu” nhiều sản phẩm văn hóa nước ngoài như thế. Vì vậy, để góp phần bảo
vệ sức sống của nền văn hóa Việt, chúng ta cần sớm triển khai và hiện thực hóa
Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
“Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm
nhìn đến năm 2030”. Thực tế cho thấy, việc chú trọng xây dựng, phát triển các
ngành công nghiệp văn hóa không chỉ góp phần làm gia tăng giá trị cho nền kinh
tế quốc dân, mà còn là giải pháp hữu hiệu để không ngừng làm giàu bản sắc văn
hóa Việt. Chỉ khi nào đa số người Việt đều yêu thích nhạc Việt, phim Việt, ham
mê tiêu dùng sản phẩm văn hóa Việt thì lúc đó chúng ta mới có “sức đề kháng”
tốt để phòng ngừa nguy cơ “xâm lăng văn hóa” ngoại lai xâm nhập, thẩm thấu vào
nước ta.
Nghệ nhân Ama Loan, dân tộc Ê Đê, buôn Ako
Dhông, phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc:
Cần có chính sách đồng bộ để bảo tồn văn hóa
các dân tộc thiểu số
Hiện nay, trước tác
động của quá trình giao lưu, hội nhập văn hóa với thế giới, nhiều dân tộc thiểu
số đang đứng trước nguy cơ mai một về bản sắc dân tộc. Điều quan ngại nhất là
những nghệ nhân, những người cao tuổi am hiểu sâu sắc về giá trị văn hóa, phong
tục tập quán, nghi lễ, truyền thống văn hóa của các dân tộc thiểu số sẽ ngày
càng giảm dần. Vậy làm sao để những “báu vật nhân văn sống” đó có thể trao
truyền những tinh hoa văn hóa của tổ tiên, ông cha mình cho thế hệ kế tiếp?
Theo tôi, ngoài thực
hiện chế độ hỗ trợ về vật chất cho các nghệ nhân văn hóa dân gian của các dân
tộc thiểu số, cấp ủy, chính quyền và ngành văn hóa các cấp cần có chính sách
tổng thể, giải pháp căn cơ, đồng bộ để bảo tồn và phát huy những nét văn hóa
đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Các địa phương cần tập hợp các già
làng ở các buôn, làng, xã để tái hiện, tổ chức thành những điểm trình diễn văn
hóa truyền thống nhằm giới thiệu, quảng bá sâu rộng đến thế hệ trẻ; đồng thời
tăng cường mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao nhận thức, ý thức cho các
em học sinh, sinh viên về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng và cách thức giữ
gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong hội nhập quốc tế.
Nguyễn Thị Thảo, sinh viên Trường Đại học Luật
TP Hồ Chí Minh:
Huy động sức mạnh của thế hệ trẻ tham gia bảo
vệ nền văn hóa dân tộc
Lịch sử dựng nước và
giữ nước của nhân dân ta đã trải qua những bước thăng trầm, nhưng chúng ta đã
vượt qua và tiếp tục phát triển nhờ dân tộc ta giữ được bản sắc văn hóa. Chúng
ta không bị đồng hóa trong suốt chặng đường lịch sử bị ngoại bang nô dịch, để
rồi chính những nét đặc trưng văn hóa dân tộc đã khẳng định khí chất, bản lĩnh con
người Việt Nam. Trong thời kỳ hội nhập, nhiệm vụ bảo vệ nền văn hóa dân tộc
càng khó khăn hơn.
Theo tôi, thế hệ trẻ
Việt Nam hiện nay, trước hết là đội ngũ sinh viên cần tích cực tham gia các
hoạt động bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; chú trọng giữ gìn những
nét văn hóa độc đáo mà cha ông ta đã chắt chiu, vun đắp; khơi dậy niềm tự hào,
ý thức kế thừa văn hóa trên tinh thần sáng tạo… Từ câu nói của Bác Hồ: “Nước
nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”, có thể nói
rằng, bản sắc văn hóa Việt thời nay tồn tại hay không tồn tại cũng một phần
trông mong, cậy nhờ vào thế hệ trẻ.
Nguồn: www.qdnd.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét