Thứ Tư, 19 tháng 12, 2018

“Bộ đội Cụ Hồ” - giá trị văn hóa quân sự Việt Nam không thế lực nào có thể xuyên tạc, phủ nhận

Danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ” gắn liền với quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, được lưu giữ trong lòng nhân dân, trở thành giá trị văn hóa quân sự tiêu biểu của thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh. Nhằm thực hiện mục tiêu “phi chính trị hóa” Quân đội ta, các thế lực thù địch mưu toan xuyên tạc, phủ nhận giá trị văn hóa quân sự độc đáo này, nhưng mọi cố gắng của chúng đều trở nên vô ích.

“Bộ đội Cụ Hồ” là danh hiệu cao quý, rất đỗi thân thương mà nhân dân ta dành tặng cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhân dân gọi Quân đội ta là “Bộ đội Cụ Hồ” vì cảm nhận thấy mối quan hệ đặc biệt giữa lãnh tụ Hồ Chí Minh với Quân đội; đồng thời, cũng thể hiện tình cảm yêu mến, niềm tin sắt son đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, một Quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Nhân dân lấy tên vị lãnh tụ kính yêu để đặt cho Quân đội của mình là hiện tượng chưa từng có trên thế giới, nhưng lại là một hiện thực rất độc đáo ở Việt Nam, không thế lực nào có thể xuyên tạc, phủ nhận.
Trải qua hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ” đã trở thành giá trị độc đáo của văn hóa giữ nước Việt Nam, thể hiện sâu sắc bản chất cách mạng của Quân đội ta. Nét đặc trưng, nổi trội của giá trị văn hóa quân sự “Bộ đội Cụ Hồ” được thể hiện tập trung ở: sự tận trung với Đảng, với nước; tận hiếu với dân; sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội; nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua; kẻ thù nào cũng đánh thắng. Giá trị văn hóa quân sự đó không chỉ tỏa sáng trong những năm tháng chiến tranh giải phóng dân tộc, mà còn được cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta tiếp tục gìn giữ, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Những năm gần đây, với âm mưu thúc đẩy “phi chính trị hóa” Quân đội ta, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách hòng làm lu mờ, phai nhạt, đi đến phủ nhận giá trị văn hóa quân sự độc đáo này. Chúng dùng mọi thủ đoạn để xuyên tạc bản chất cách mạng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Để thực hiện mục tiêu đó, chúng ra sức phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội; kêu gọi Quân đội đứng ngoài chính trị, v.v. Lợi dụng những khuyết điểm của một vài quân nhân, cơ quan, đơn vị đơn lẻ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; nhất là những khuyết điểm trong quá trình tham gia phát triển kinh tế, quản lý đất quốc phòng, vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội,… chúng xuyên tạc rằng: “Bộ đội thời nay, trong bối cảnh kinh tế thị trường không còn là “Bộ đội Cụ Hồ” nữa; không còn tập trung cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền, biển, đảo của Tổ quốc; không còn là bộ đội của dân, chiến đấu, hy sinh vì nhân dân”(!), v.v. Bên cạnh đó, chúng còn âm mưu thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, chiến sĩ Quân đội; qua đó, hòng làm phai nhạt mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Quân đội ta; làm phai nhạt phẩm chất, đạo đức người quân nhân cách mạng. Các thủ đoạn đó thật nham hiểm và đều nhằm mục tiêu làm biến chất Quân đội nhân dân Việt Nam, hạ thấp uy tín của Quân đội ta trong xã hội, xóa bỏ biểu tượng “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân; chia rẽ Quân đội với Đảng, với nhân dân; trên cơ sở đó, vô hiệu hóa vai trò của Quân đội là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.
Thực tiễn hoạt động xây dựng, thực hiện các chức năng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong những năm qua đã bác bỏ những luận điệu xuyên tạc nói trên và chứng minh một sự thật hiển nhiên là: Quân đội ta luôn là lực lượng chính trị trung thành, tin cậy, lực lượng chiến đấu sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” tiếp tục được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ giữ gìn, phát huy và tỏa sáng trên mọi hoạt động. Thực hiện chức năng đội quân chiến đấu, Quân đội đã chủ động phối hợp cùng các lực lượng khác, tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối, chiến lược bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự trong tình hình mới; đề ra đối sách phù hợp, xử lý thắng lợi các tình huống phức tạp, các vấn đề nhạy cảm về quốc phòng - an ninh. Các đơn vị trong toàn quân luôn ra sức huấn luyện, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, làm chủ các loại vũ khí, trang bị mới, hiện đại; thường xuyên rèn luyện, chấp hành kỷ luật, nêu cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, làm tốt nhiệm vụ là lực lượng nòng cốt cùng nhân dân bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo của Tổ quốc. Hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa và lực lượng Cảnh sát biển ngày đêm chắc tay súng, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc; bảo vệ ngư trường truyền thống cho ngư dân và kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi ngư dân gặp hiểm nguy là sự tiếp nối truyền thống “vì nhân dân quên mình” của Quân đội ta; tô thắm thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thực hiện nhiệm vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu ở thời kỳ mới. Mặt khác, Quân đội đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, đoàn thể và cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng tiềm lực và thế trận của nền quốc phòng toàn dân, gắn với xây dựng tiềm lực và thế trận của nền an ninh nhân dân ngày càng vững chắc, nhất là trên các hướng, địa bàn chiến lược, trọng điểm, biên giới, hải đảo. Các đơn vị Quân đội đứng chân trên các địa bàn cũng chủ động, tích cực làm nòng cốt cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X), Nghị định 152/2007/NĐ-CP và Nghị định 02/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xây dựng khu vực phòng thủ. Bên cạnh đó, Quân đội luôn là lực lượng đi đầu trong đấu tranh làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ đường lối đổi mới vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, bảo vệ vững chắc Tổ quốc về phương diện chế độ chính trị.
Thực hiện chức năng đội quân công tác, toàn quân thường xuyên đẩy mạnh công tác dân vận với nhiều nội dung, hình thức đa dạng và phong phú; chủ động, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia giúp dân xóa đói, giảm nghèo, phát triển sản xuất, củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Chỉ trong 5 năm (2013 - 2018), Quân đội đã tham gia củng cố hơn 4.000 chi bộ Đảng, 5.300 tổ chức chính quyền, 23.000 tổ chức chính trị - xã hội, xóa tình trạng “trắng” đảng viên ở 107 thôn, bản; phối hợp tổ chức giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho hơn 20 triệu lượt người; đào tạo nghề cho 525 y tá, y sĩ thôn, bản. Các đơn vị đã giúp đỡ nhân dân hơn 2 triệu ngày công lao động xây dựng nông thôn mới, tặng Nhà Tình nghĩa; tổ chức hơn 2.000 đợt khám, chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho hơn 2,5 triệu lượt người với tổng trị giá hơn 300 tỷ đồng1. Ngoài ra, Quân đội còn tích cực, chủ động tham gia duy trì, bảo tồn và phát triển bền vững các tộc người, dân tộc rất ít người, như: tộc người thiểu số Đan Lai ở Nghệ An; dân tộc La Hủ ở Lai Châu; dân tộc Chứt ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, v.v. Cùng với đó, các đơn vị còn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số xóa bỏ hủ tục; tham mưu xây dựng nhiều mô hình phát triển văn hóa, điểm sinh hoạt tín ngưỡng phù hợp với điều kiện địa lý, tình hình kinh tế - xã hội của mỗi dân tộc. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã cử 332 cán bộ tham gia chính quyền cấp xã; trong đó, 260 người giữ chức vụ trong cấp ủy.
Với quan điểm tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, những năm qua, Quân đội thực sự là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ này. Trong 5 năm (2013 - 2018), Quân đội đã huy động hơn 1,3 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ và gần 30.000 lượt phương tiện giúp dân phòng, tránh, khắc phục hậu quả thiên tai; cứu hộ, cứu nạn được hơn 10.000 phương tiện và gần 18.000 người dân2. Qua đó, thiết thực tăng cường quan hệ máu thịt giữa Quân đội với nhân dân, góp phần xây dựng, củng cố “thế trận lòng dân” vững chắc. Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Quân đội lăn lộn trong gian khó, sáng tạo trong tổ chức giải cứu 12 công nhân bị sập hầm ở thủy điện Đạ Dâng (Lâm Đồng); dầm mình trong bão, lũ để di chuyển, cứu tính mạng và tài sản của nhân dân trong những năm qua, có khi còn hy sinh cả tính mạng của mình, đã để lại trong lòng nhân dân nhiều tình cảm tốt đẹp.
Thực hiện chức năng đội quân lao động sản xuất trong thời kỳ đổi mới, ngoài các hoạt động tăng gia, sản xuất tại doanh trại ở các đơn vị thường trực để cải thiện đời sống bộ đội, các doanh nghiệp Quân đội (ngoài nhiệm vụ duy trì sản xuất sản phẩm quốc phòng đáp ứng nhu cầu thường xuyên, được phép sản xuất thêm mặt hàng kinh tế) đã góp phần vào xây dựng tiềm lực kinh tế của nền quốc phòng toàn dân. Nhiều doanh nghiệp Quân đội đã trở thành trụ cột của nền kinh tế, có đóng góp lớn vào sự tăng trưởng kinh tế chung của đất nước, như: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Tổng Công ty 36, v.v. Các đoàn kinh tế - quốc phòng đứng chân ở những vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, ngoài nhiệm vụ giúp nhân dân địa phương phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, còn trực tiếp làm nhiệm vụ xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên những địa bàn chiến lược, trọng điểm. Những hoạt động đó đã tô thắm thêm và tỏa sáng hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân trước điều kiện mới.
Danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ” là tài sản văn hóa tinh thần vô giá mà nhân dân yêu mến, trao tặng, gửi gắm niềm tin yêu, sự ngưỡng mộ dành riêng cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta. Để làm thất bại âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, phủ nhận của các thế lực thù địch đối với giá trị văn hóa quân sự độc đáo này, cần có sự chung tay, góp sức của toàn Đảng, toàn dân, mà trước hết là vinh dự, trách nhiệm của mỗi quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Vấn đề then chốt để giữ vững và làm tỏa sáng giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới là không ngừng tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội; bởi đó là nhân tố quyết định bản chất cách mạng của Quân đội. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” bằng những nội dung, hình thức, biện pháp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình. Đó là hành động thiết thực để Quân đội ta mãi mãi xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”.
___________
1, 2 - Tạp chí Quốc phòng toàn dân, số 10-2018, tr. 38.
Nguồn: www.tapchiqptd.vn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét