Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã và đang đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Những thành tựu thu được tiếp tục khẳng định ý chí quyết tâm và những giải pháp tích cực, hiệu quả của chúng ta trong lĩnh vực này. Trong khi đó, các thế lực thù địch, phản động, bất mãn, cơ hội chính trị lại cố tình dùng nhiều âm mưu, thủ đoạn chống phá cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí của Việt Nam. Họ cho rằng “Việt Nam khó có thể đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiệu quả”. Tuy nhiên, luận điểm này chỉ là đơn lẻ của một số người và chỉ dựa trên mấy luận chứng chủ quan, võ đoán hòng bịa đặt và phủ nhận trắng trợn thành quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong thời gian qua.
Trước hết, muốn đánh giá cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả hay không, phải dựa trên các luận chứng khoa học; phải có cách đánh giá khách quan, toàn diện, dự báo đúng chiều hướng phát triển của tình hình. Chúng ta thấy rằng, tham nhũng là hiện tượng kinh tế – xã hội gắn liền với sự hình thành giai cấp và sự ra đời, phát triển của bộ máy nhà nước. Tham nhũng xảy ra ở tất cả các nước trên thế giới, không phụ thuộc vào chế độ chính trị “đa đảng” hay “một đảng”, có mặt trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì vậy, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực là việc làm hết sức cần thiết của hầu hết các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Lịch sử nước ta, từ ngày thành lập Đảng đến nay, nhất là trong thời kỳ đổi mới cho thấy, đấu tranh chống tệ nạn tham nhũng luôn gắn liền với quá trình xây dựng Đảng và hoàn thiện Nhà nước Việt Nam. Chúng ta thẳng thắn nhìn nhận rằng, công tác phòng chống tham nhũng vẫn còn những hạn chế, khó khăn, vướng mắc; tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp; tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và của chế độ. Tuy nhiên, thời gian qua, với quan điểm “phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp đẩy mạnh cuộc đấu tranh này. Với tinh thần kiên quyết, kiên trì, công khai, minh bạch, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tiến hành một cách bài bản và đã đạt được những kết quả tích cực. Theo tổng kết của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, trong giai đoạn 2012 – 2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng; đã kỷ luật 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương; sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Hoạt động phòng, chống tham nhũng từng bước được mở rộng ra cả khu vực ngoài nhà nước và sang cả lĩnh vực chống tiêu cực. Nhờ đó, tình trạng tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta. Đặc biệt, với 93% người dân được hỏi trong cuộc điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành thời gian qua, bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã nói lên điều đó. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam còn nhận được sự ghi nhận, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế. Theo kết quả xếp hạng Chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2022 của Việt Nam do tổ chức Minh bạch quốc tế đã công bố, Việt Nam xếp hạng 77/180 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 3 điểm và 10 bậc so với năm 2021. Cơ quan đầu mối quốc gia của Tổ chức Minh bạch quốc tế tại Việt Nam cũng khẳng định: “Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng kể trong phòng, chống tham nhũng nhờ nỗ lực to lớn của Đảng và Nhà nước”. Kết quả này đã cho thấy bước tiến trong cải cách thể chế, hoàn thiện bộ máy chống tham nhũng, hiện thực hóa chiến lược chống tham nhũng qua kế hoạch hành động cụ thể và đặc biệt là sự quyết liệt trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam. Đây là luận cứ sinh động đập tan luận điệu xuyên tạc “Việt Nam khó có thể đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiệu quả”. Nó chỉ là luận điệu xấu, gieo rắc, lan truyền thông tin gây hoang mang, mất niềm tin vào cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng với những ai thiếu vững vàng, nhẹ dạ cả tin mà thôi.
Thời gian tới, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với ý chí, quyết tâm và trách nhiệm cao; với tinh thần đấu tranh không “ngừng”, không “nghỉ” với sự nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta chắc chắn sẽ đạt được kết quả cao hơn nữa. Tham nhũng, tiêu cực nhất định sẽ bị ngăn chặn, đẩy lùi. Những luận điệu sai trái cho rằng “Việt Nam khó có thể đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiệu quả” nhất định sẽ không còn chỗ đứng./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét