1. Chủ tịch Hồ Chí Minh – hiện thân của lý tưởng đạo đức cao đẹp
Trong cuộc hành trình 30 năm tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã giác ngộ chủ nghĩa Mác – Lênin, tìm thấy trong “Luận cương về quyền tự quyết của các dân tộc” do V.I.Lênin khởi thảo con đường giải phóng dân tộc mà bấy lâu nay Người vẫn hằng mong mỏi, tìm kiếm. Từ một người yêu nước, thương dân vô hạn, với tinh thần dân tộc sâu sắc, Nguyễn Ái Quốc trở thành một người cộng sản, thấm nhuần lý tưởng cộng sản và chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, suốt đời tranh đấu cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Sự nghiệp vĩ đại ấy thúc đẩy Người dấn thân và hy sinh, một lòng một dạ vì sự nghiệp cách mạng, mà sâu xa là vì Độc lập – Tự do – Hạnh phúc của nhân dân, từ dân tộc mà đến với nhân loại, từ yêu nước mà đến với chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.
Cả cuộc đời và sự nghiệp, Hồ Chí Minh đã làm tất cả vì dân, vì nước; trong gian lao khó nhọc, cả lúc hiểm nguy thử thách khi bị giam cầm, đọa đầy trong lao tù, mất liên lạc với Đảng, với dân, Người vẫn một lòng kiên trung với lý tưởng, giữ trọn niềm tin với nghị lực phi thường vượt lên hoàn cảnh. Cả cuộc đời Người chỉ có mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Đồng thời, Người không ngừng phấn đấu với một ham muốn tột bậc làm cho Tổ quốc được độc lập, dân tộc được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Đó chính là kết hợp một cách tài tình những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc với quan niệm đạo đức của chủ nghĩa Mác – Lênin, các giá trị được xuất phát từ cơ sở thế giới quan và phương pháp luận đúng đắn cho việc xây dựng một nền đạo đức mới – đạo đức cách mạng. Đây cũng chính là lý tưởng đạo đức cao đẹp của thời đại.
2. Chủ tịch Hồ Chí Minh – điển hình mẫu mực về thực hành đạo đức cách mạng
Sự nhất quán giữa nhận thức và hành động, giữa nói và làm, đã nói là làm và sống theo phương châm: nói ít làm nhiều, chủ yếu là hành động, Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng kiệt xuất về một lãnh tụ của dân, suốt đời vì dân, gắn bó máu thịt với dân, dấn thân và dâng hiến cả đời mình trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do và hạnh phúc của dân tộc và nhân dân. Tận trung với nước, tận hiếu với dân để tận hiến, dâng hiến cả cuộc đời và sự nghiệp cho dân tộc, cho nhân loại. Đó là sự cao thượng, vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Là Chủ tịch nước, ở cương vị nguyên thủ quốc gia, đồng thời là Chủ tịch Đảng, Người là tấm gương sáng ngời về cần, kiệm, liêm, chính, chí, công vô tư, tuyệt đối không màng danh lợi, đứng ngoài vòng danh lợi, chỉ luôn coi mình là một người lính vâng lệnh quốc dân đồng bào, làm tròn nhiệm vụ do dân ủy thác. Người lên án gay gắt và nghiêm trị theo luật pháp những hành vi tham ô, tham nhũng, coi đó là bất liêm, bất chính, bất nghĩa, phải trừng trị như trừng trị một tội ác. Người nói cho cán bộ, công chức rõ, đồng bào đem mồ hôi nước mắt để làm ra tiền của, để trả lương cho ta. Nếu lười biếng và vô trách nhiệm trong công việc hàng ngày là lừa gạt dân chúng. Người lấy mình làm gương, chú trọng giáo dục đạo đức cho cán bộ đảng viên, công chức và rèn luyện kỷ luật công vụ, xiết chặt kỷ cương, nền nếp hành chính, sớm thành lập thanh tra chính phủ để kiểm soát hoạt động của bộ máy và hành vi công chức. Những biện pháp ấy đều chỉ vì mục đích “phục vụ dân” và “bảo vệ dân”. Thực hành biền bỉ và nêu gương mẫu mực về đạo đức ở đời và làm người, đó là tư tưởng mà cũng là đạo đức, đó là phương pháp mà cũng là phong cách Hồ Chí Minh mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang đẩy mạnh học tập và làm theo.
Tấm gương đạo đức sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá của dân tộc, của Đảng ta, là niềm tự hào của mọi thế hệ người Việt Nam, là sức mạnh tinh thần, trở thành động lực thúc đẩy chúng ta trong đổi mới, sáng tạo, hội nhập để phát triển. Tấm gương đạo đức sáng ngời của Người trở thành giá trị chuẩn mực và định hướng giá trị trong giáo dục và thực hành đạo đức cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét