Thứ Tư, 5 tháng 7, 2023

Cái nhìn sai lệch về nhân quyền ở Việt Nam

 

Chính sách nhất quán của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người

Thực tế trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn nỗ lực đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng đường lối, chính sách, pháp luật, kết hợp với bổ sung, luật hoá các quy định tại những điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên để hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc thực thi, bảo đảm quyền con người. Việt Nam là một quốc gia luôn xác định bảo đảm an ninh con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người là một trong những nhiệm vụ, mục tiêu, phương tiện quan trọng  trong quá trình phát triển mọi mặt kinh tế – xã hội của đất nước.

Trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”. Theo đó, các quy định về quyền con người tiếp tục được cụ thể hóa trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Vấn đề bảo đảm quyền con người vừa là căn cứ vừa là mục tiêu quan trọng trong quá tình xây dựng, hoàn thiện pháp luật ở Việt Nam.

Vấn đề bảo đảm quyền con người còn được thể hiện rõ trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được xây dựng hằng năm trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh và yêu cầu quản lý nhà nước trong từng thời kỳ, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Những năm gần đây, Việt Nam đã đưa ra nhiều đạo luật mới nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền con người như Luật Tín ngưỡng Tôn giáo năm 2016, Luật An ninh mạng năm 2018, Luật Báo chí năm 2016…

Việc ban hành và thực thi nghiêm túc các luật ở trên thể hiện rõ cam kết và quyết tâm của Việt Nam trong thúc đẩy, đảm bảo các quyền cơ bản của công dân, bảo vệ tự do ngôn luận, tín ngưỡng, tôn giáo và quyền riêng tư. Việt Nam cũng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong vấn đề bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em. Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách để giảm bớt tình trạng bạo lực gia đình, khuyến khích tình nguyện giúp đỡ và bảo vệ trẻ em khỏi bị bạo hành và lạm dụng…

Sự đánh giá khách quan của các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm, uy tín trên thế giới về việc thực thi quyền con người ở Việt Nam. 

Thực tiễn quá trình thực thi quyền con người ở Việt Nam những năm qua đã và đang được cộng đồng quốc tế nhìn nhận, đánh gia ngày một đầy đủ, khách quan hơn, không bị ảnh hưởng bới những luận điệu tuyên truyền bịa đặt, vu khống của các tổ chức, cá nhân thiếu thiện cảm, thù địch, chống phá. Có thể nêu lên ở đây những đánh giá khách quan, có trách nhiệm, uy tín quốc tế sau:

Đại diện của một tổ chức quốc tế lớn, có trách nhiệm là Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đánh giá những đóng góp của Việt Nam về thực thi, bảo đảm quyền con người trong phát biểu mới đây là: “Việt Nam là một đối tác quan trọng của Liên Hợp Quốc, đã có nhiều đóng góp thực chất và hiệu quả vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Mối quan hệ tốt đẹp này cần được tăng cường hơn nữa trong thời gian tới để thúc đẩy hòa bình, sự phát triển bền vững và quyền con người trên thế giới”.

Nguyên Tổng thư ký Hội Hữu nghị Pháp-Việt, ông Jean-Pierre Archambault khẳng định: “Bảo đảm tốt quyền con người là một trong những thành tựu của công cuộc Đổi mới ở Việt Nam, những kết quả đạt được trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người của Việt Nam là không thể phủ nhận”.

Những thành tựu trong thúc đẩy, bảm đảm quyền con người ở Việt Nam gần đây đã được tổ chức quốc tế có trách nhiệm là Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của Liên hợp quốc công bố trong Báo cáo hạnh phúc thế giới năm 2023, với thông tin chỉ số hạnh phúc của Việt Nam đã tăng 12 bậc, từ vị trí 77 vào năm 2022 lên vị trí 65. Đây là một báo cáo uy tín, được xây dựng dựa trên số liệu được thu thập từ người dân tại hơn 150 quốc gia về các tiêu chí: GDP bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội, tuổi thọ trung bình, quyền tự do lựa chọn cuộc sống, sự rộng lượng và nhận thức về tham nhũng.

Thông qua sự nhất quán trong chính sách bảo đảm quyền con người ở Việt Nam cùng với những nhận định đánh giá khách quan, uy tín từ các tổ chức quốc tế có trách nhiệm, chúng ta càng thấy rõ hơn sự sai trái, bịa đặt trong những luận điệu xuyên tạc, thù địch về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét