Thứ nhất, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội đã đưa nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người tự do của một đất nước độc lập.
Từ khi thực dân Pháp xâm lược, nhân dân Việt Nam đã trải qua biết bao khổ đau, cơ cực nên đã thấy rõ bản chất áp bức, bóc lột, bất công, tàn bạo của chủ nghĩa tư bản. Các phong trào yêu nước đã dấy lên hết sức mạnh mẽ nhưng đều bị thất bại, cho đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời với chủ trương: Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản. Từ đây, cách mạng Việt Nam được đặt trong quỹ đạo cách mạng vô sản; là một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Sự lựa chọn con đường cách mạng vô sản, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội của Đảng phản ánh sự lựa chọn khách quan của chính thực tiễn – lịch sử; phù hợp với sự vận động của cách mạng Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại, đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu bức thiết của đại đa số các tầng lớp nhân dân Việt Nam. Với đường lối cách mạng đúng đắn thực hiện độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, Đảng đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành độc lập dân tộc năm 1945, thống nhất đất nước năm 1975, đưa nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người tự do, làm chủ vận mệnh của đất nước và của chính bản thân mình.
Thứ hai, thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước là minh chứng sinh động về tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đang xây dựng.
Sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện và có ý nghĩa lịch sử, thay đổi đời sống mọi mặt của người dân: tăng trưởng kinh tế luôn đạt trung bình từ 6% đến 7%/năm; lạm phát ở mức thấp, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, tình hình chính trị và xã hội ổn định, quan hệ đối ngoại được mở rộng, vị thế, uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế, đó chính là cơ sở kinh tế – xã hội, tiền đề, nền tảng cho chủ nghĩa xã hội hiện thực.
Công tác giảm nghèo của Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng. Tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước đã giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 4,3% năm 2022 (theo chuẩn nghèo đa chiều). Nhiều chỉ số về giáo dục phổ thông của Việt Nam được đánh giá cao trong khu vực, như: tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99% (đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN, sau Singapore); tỷ lệ học sinh đi học và hoàn thành chương trình tiểu học sau 5 năm đạt 92,08%, đứng ở tốp đầu của khối ASEAN. Việt Nam là một trong số ít quốc gia có hệ thống y tế hoàn chỉnh, tổ chức rộng khắp tới tận thôn, bản; làm chủ được nhiều kỹ thuật công nghệ cao mang tầm thế giới như: ghép chi, tim, gan, thận. Theo khảo sát của Expat Insider (một trong những cuộc khảo sát thực hiện trên ngoại kiều lớn nhất toàn cầu) năm 2022, Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia và vùng lãnh thổ mà người nước ngoài cảm thấy hạnh phúc khi sống, làm việc. Theo khảo sát trên: 86% người nước ngoài sống ở Việt Nam tham gia khảo sát hài lòng với công việc của họ ở Việt Nam; 78% hài lòng với sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống; 85% hài lòng với chi phí sinh hoạt; 57% hài lòng với chất lượng chăm sóc y tế; 67% nói rằng kết bạn mới dễ dàng khi sống ở Việt Nam[1]…
Những thành tựu mà Việt Nam đạt được đã chứng minh rằng, phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa không những có hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết được các vấn đề xã hội tốt hơn nhiều so với các nước tư bản chủ nghĩa có cùng mức phát triển kinh tế. Vì vậy, những luận điệu của Nguyên Anh đưa ra đã thể hiện rõ bộ mặt của kẻ phản động, chống phá cách mạng nước ta. Do đó, mọi người cần nâng cao cảnh giác và đấu tranh kiên quyết với những luận điệu phản động của y. Chúng ta luôn vững tin dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp đổi mới ở nước ta sẽ ngày càng đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa, đưa Việt Nam vững bước trên con đường trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét