Thứ Tư, 13 tháng 12, 2023

Hãy cảnh giác với nhận định “Ngớ ngẩn” của Thùy My

 

Thời gian qua, một số phần tử cơ hội, phản động lợi dụng việc xử lý các vụ án tham nhũng để tung lên mạng xã hội những bài viết xuyên tạc bản chất của sự việc. Mới đây, trên trang “Rfi”, lợi dụng vụ án Vạn Thịnh Phát, Thùy My đã đăng tải bài “Chống tham nhũng kiểu phong kiến”. Mục đích bài viết hòng gây nhiễu loạn thông tin, hạ thấp uy tín của các cơ quan chức năng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay.

Trong bài viết của mình, Thùy My đã đưa ra những nhận định và so sánh một cách “ngớ ngẩn” về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay với các triều đại phong kiến trước đây.

Tham nhũng là một “căn bệnh của quyền lực” xuất hiện từ khá sớm trong xã hội loài người, từ khi xã hội phân chia quyền lực, hình thành giai cấp và nhà nước. Là “hành vi lệch chuẩn của nhân viên công quyền để mưu cầu tư lợi”,  một “căn bệnh” mà lực lượng cầm quyền thường mắc phải nên tham nhũng luôn là vấn nạn gắn với thiết chế nhà nước trong các thời đại lịch sử. Ở Việt Nam, từ thời phong kiến, cha ông ta đã sớm nhận diện được tác hại của tham nhũng và kiên quyết phòng chống tệ nạn này bằng nhiều biện pháp tích cực, lấy pháp luật làm công cụ chủ yếu.

Nhìn lại lịch sử chúng ta thấy, các triều đại phong kiến Việt Nam, mặc dù còn bị hạn chế bởi tư tưởng phong kiến trong quản lý và điều hành xã hội, song đều đã chủ động phòng, chống tệ nạn tham nhũng, luôn chú trọng cải cách bộ máy hành chính, coi đây là một biện pháp quan trọng trong phòng ngừa tham nhũng. Bên cạnh đó thường xuyên quan tâm xây dựng một chế độ lương bổng công bằng, hợp lý cho đội ngũ quan lại; thành lập và duy trì có hiệu quả hoạt động của các cơ quan giám sát thực quyền; đặc biệt coi trọng việc phát huy tinh thần của nhân dân trong tố cáo những hành vi tham nhũng. Không chỉ chủ động phòng ngừa tham nhũng, mà các triều đại phong kiến Việt Nam còn có những biện pháp xử lý kiên quyết, nghiêm minh, kịp thời các quan lại có hành vi tham nhũng để giữ nghiêm kỷ cương, phép nước.

Ngày nay, trong điều kiện của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tham nhũng sẽ diễn biến phức tạp, tinh vi. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục khẳng định tham nhũng là “quốc nạn”, là “giặc nội xâm” và tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt vấn đề này. Quan điểm, chủ trương và quyết tâm chính trị của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng đã được thể hiện rõ trong văn kiện các kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, các hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đặc biệt quan điểm, chủ trương của Đảng về phòng, chống tham nhũng đã được thể chế hoá bằng pháp luật, phù hợp với từng thời kỳ trong lịch sử cách mạng của đất nước.

Pháp luật về phòng, chống tham nhũng ở nước ta được hình thành từ rất sớm trong lịch sử, phát triển theo hướng ngày càng hoàn thiện, tiến bộ hơn, thể hiện tư tưởng xuyên suốt, nhận thức nhất quán, sâu sắc của Đảng Nhà nước ta về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Chính vì vậy, sự ra đời của Luật Phòng, chống tham nhũng là rất cần thiết, đã góp phần ngăn chặn, đẩy lùi nhiều vụ án tham nhũng có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội và đưa đất nước phát triển vững chắc theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng đang được triển khai quyết liệt, mạnh mẽ và đem lại kết quả thực tế với việc xử lý nghiêm những vụ việc bức xúc trong dư luận, những vụ án gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, đã chỉ đạo xử lý hàng loạt vụ án kinh tế, tham nhũng, buộc nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những sai phạm như: Vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao); các vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Công ty AIC; vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát…; xử lý nhiều bị can là cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Vào mỗi một giai đoạn lịch sử đấu tranh phòng, chống tham nhũng sẽ có những khác biệt không như sự so sánh “ngớ ngẩn” của Thùy My. Nhất là, hiện nay cuộc đấu tranh chống lại các hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp và mang tính quốc tế, càng đòi hỏi xử lý các vụ án tham nhũng phải bảo đảm đúng luật pháp, công khai, minh bạch, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, phù hợp với hợp tác quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét