Những ngày qua, trong khi cả nước ta tổ chức nhiều hoạt động nhằm tri ân thầy cô giáo nhân dịp kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thì vẫn còn những tiếng nói lạc điệu cố tình xuyên tạc, phủ nhận ý nghĩa của ngày lễ này. Trong bài viết “20/11 phải là ngày nhà giáo Việt Nam… đấu tranh”, với cái nhìn phiến diện, định kiến, Mạc Văn Trang chỉ chăm chú vào một số hạn chế của ngành giáo dục Việt Nam trong thời gian qua, rồi di đến phủ nhận những nỗ lực và thành tựu mà giáo dục nước ta đã đạt được, phủ nhận ý nghĩa của ngày 20/11, cho rằng, “VN lấy ngày 20/11 làm NGÀY NHÀ GIÁO VN, biến thành lễ lạt, quà cáp, liên hoan… hoàn toàn xóa đi bản chất của ngày này” và đòi xóa bỏ ngày này bằng cách tổ chức trưng cầu dân ý. Đây là những luận điệu sai trái, xuyên tạc, phủ nhận thành tựu của giáo dục Việt Nam và ý nghĩa của Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Thứ nhất, tổ chức ngày 20/11 là nhằm tri ân các thầy cô giáo.
Dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo; người thầy có vai trò đặc biệt quan trọng trong “dạy chữ, dạy người”, luôn được xã hội tôn vinh với sự kính trọng và tin tưởng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của các thầy giáo, cô giáo đối với xã hội. Người nhấn mạnh “nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế văn hóa”. Điều này, vừa khẳng định vị trí, vai trò quyết định của người thầy đối với chất lượng giáo dục, sự phát triển đất nước, vừa nói lên trọng trách mà xã hội đặt trọn lên vai nhà giáo. Vai trò của người thầy đã được xã hội thừa nhận từ thời xa xưa “trọng thầy mới được làm thầy”, “không thầy đố mày làm nên”. Người thầy ngoài việc truyền đạt kiến thức, còn định hướng đạo đức, lối sống cho người học. Người thầy cũng được ví như “mẹ hiền”, “người cha thứ hai”, gắn liền với hình ảnh người lái đò trên dòng sông tri thức; người thầy cũng được ví như người ươm những mầm xanh, gieo những hạt giống tốt cho đời.
Vì vậy, ngày 20/11 ra đời, nhằm duy trì truyền thống tôn sự trong đạo có từ bao đời nay của người dân Việt Nam. Đây là dịp để các thế hệ học trò và các bậc phụ huynh học sinh thể hiện tình cảm, lời cảm ơn sâu sắc và lòng biết ơn chân thành đến thầy cô giáo…. Đồng thời, ngày 20/11 diễn ra với ý nghĩa động viên, khích lệ tinh thần để các thầy cố giáo thêm tự hào về công việc mình đang làm, “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”, từ đó vượt qua mọi khó khăn, thử thách để chèo lái những chuyến đò cập bến tri thức tương lai. Thấm nhuần đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 trở thành ngày hội “tôn vinh người thầy” của toàn dân. Việc tổ chức các hoạt động chào mừng, kỷ niệm ngày lễ trọng đại này cũng là thể hiện sự coi trọng sự nghiệp giáo dục – quốc sách hàng đầu, chứ không phải “biến thành lễ lạt, quà cáp, liên hoan… hoàn toàn xóa đi bản chất của ngày này” như sự xuyên tạc của Mạc Văn Trang… và không thể xóa bỏ ngày Lễ này được.
Thứ hai, ngày 20/11 hằng năm cũng là dịp để nhìn nhận đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo và đề ra phương hướng nâng cao chất lượng giáo dục trong thời gian tới.
Ngay từ khi quyết định lấy ngày 20/11 hằng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam, Quyết định 167-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã xác định: hàng năm từ tháng 10 các cấp chính quyền và đoàn thể cần họp để xem xét tình hình công tác và hoạt động của đội ngũ giáo viên ở địa phương mình, kiểm điểm những việc đã làm và đề ra những việc cần tiếp tục làm, động viên đội ngũ phát huy truyền thống tốt đẹp của giáo giới Việt Nam, rèn luyện phẩm chất và năng lực, làm gương sáng cho học sinh noi theo. Vì vậy, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, bên cạnh là dịp để tri ân và tôn vinh những đóng góp to lớn của các thầy cô giáo đối với sự nghiệp trồng người, phát triển đất nước, thì đây cũng là dịp để các cấp, các ngành nhìn lại và đánh giá kết quả, chất lượng giáo dục trong năm qua và đề ra phương hướng, nội dung, biện pháp khắc phục những hạn chế bất cập và đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Với quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, cùng với việc khẳng định “giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ tiếp tục được đổi mới và có bước phát triển”, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập trong giáo dục và đào đạo “chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo chưa cao”. Từ đó, đề ra nhiệm vụ giải pháp đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Như vậy, ngày 20/11 hằng năm, bên cạnh có ý nghĩa là dịp để tôn vinh, tri ân các thầy giáo, cô giáo và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, thì còn là dịp để đánh giá kết quả giáo dục và dào tạo trong năm qua, trong đó có cả đánh giá về hạn chế, bất cập, chứ không phải chỉ là “ngày lễ hội, “báo cáo thành tích” và “tuyên dương” lễ lạt” như sự bịa đặt của Mạc Văn Trang.
Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, chúng ta gửi gắm niềm tin yêu và hy vọng vào đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp nói riêng và hệ thống giáo dục quốc gia nói chung, luôn nêu cao vai trò, nỗ lực phấn đấu cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân góp sức tích cực và có hiệu quả vào mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Bên cạnh đó, cần nêu cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh với những luận điệu sai trái, xuyên tạc về nền giáo dục nước ta và ý nghĩa của Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét