Sau 37 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực thúc đẩy, bảo vệ quyền con người. Xã hội ngày càng văn minh thì ngày càng đề cao quyền con người, bao gồm cả quyền chính trị, quyền dân sự, quyền xã hội như là trung tâm, động lực và mục tiêu của phát triển. Vì vậy, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân là vấn đề quan trọng, là nội dung cơ bản của bất kỳ một bản hiến pháp nào trên thế giới. Tuy nhiên, cùng với việc cố tình phủ nhận thành tựu, kết quả mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đạt được, các thế lực thù địch, tổ chức phản động, đối tượng cơ hội chính trị ở trong nước và ở nước ngoài không ngừng thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” với tính chất ngày càng gay gắt, quyết liệt, trong đó “dân chủ, nhân quyền” là chiêu bài mà các đối tượng vẫn thường dùng để lợi dụng kích động, gây rối, phá hoại, gây mất ổn định chính trị – xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trên trang “thongluan-rdp” có đăng tải bài phỏng vấn giữa RFA và Cao Quang Ánh với những lời lẽ kêu gọi “tự do nhân quyền”, “hệ thống nhiều đảng” ở Việt Nam.
Dân biểu Cao Quang Ánh, là con của một một sĩ quan phục vụ chế độ ngụy quyền, sang định cư tại Mỹ từ năm 8 tuổi, từng là cựu dân biểu thuộc Đảng Cộng hòa đại diện cho khu bầu cử quốc hội số 2 của tiểu bang Louisiana trong Hạ viện Hoa Kỳ từ năm 2009 đến 2011. Là người Mỹ gốc Việt đầu tiên phục vụ trong Quốc hội Hoa Kỳ. Trước khi trở thành dân biểu, Quang Ánh là một luật sư tại vùng New Orleans. Ấy vậy mà một người đã chấp nhận từ bỏ quê hương để phục vụ cho một đất nước khác lại luôn có những lý lẽ đấu tranh đòi “tự do dân chủ” cho người Việt Nam? Đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi Hiến pháp, luận lệ; Dân biểu này cho rằng “nếu những người không thuộc về Đảng tham gia tranh cử thì quyền lợi của Đảng yếu đi; Đảng sợ dân có quyền lên tiếng”… Thực chất, đây chỉ là chiêu bài để kích động, gây rối, phá hoại nền độc lập, tự do, dân chủ ở Việt Nam mà thôi.
Đảng và Nhà nước ta luôn xác định việc thực thi quyền con người là một trong những mục tiêu quan trọng đã được thể hiện rất rõ trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cụ thể tại Điều 3, Hiến pháp 2013 quy định “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”. Trên cơ sở Hiến pháp, các quy định về quyền con người tiếp tục được quy định cụ thể trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành như Luật Tín ngưỡng Tôn giáo năm 2016, Luật An ninh mạng năm 2018, Luật Báo chí năm 2016…
Trên trường quốc tế, Việt Nam đã tham gia hầu hết các Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người như: Công ước về các Quyền Dân sự và Chính trị 1966 (ICCPR), gia nhập ngày 24/9/1982; Công ước về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa 1966, gia nhập ngày 24/9/1982; Công ước về Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ 1979… và những đóng góp lớn được cộng đồng quốc tế công nhận. Đặc biệt, ngày 11/10/2022, Việt Nam đã trúng cử trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 tại phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp quốc khóa 77. Kết quả này không chỉ là minh chứng rõ ràng nhất về thành tựu nhân quyền ở Việt Nam mà còn là lời khẳng định sự tín nhiệm của quốc tế đối với Việt Nam trong lĩnh vực này. Theo đánh giá của Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) về Phát triển con người toàn cầu 2021-2022, ngay cả trong giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn thực hiện tốt việc đảm bảo quyền con người. Chỉ số phát triển con người tăng 2 bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu, lên thứ 115 năm 2021. Về chỉ số phát triển giới, Việt Nam đứng thứ 65 trong số 162 quốc gia, nằm trong nhóm cao nhất trong 5 nhóm trên thế giới.
Thực tế khách quan đã chứng minh không có việc Việt Nam vi phạm nhân quyền thông qua các hoạt động tố tụng. Ở Việt Nam không có khái niệm, danh xưng nào gọi những đối tượng vi phạm pháp luật là những nhà “hoạt động nhân quyền”,“bất đồng chính kiến” hay “tù nhân lương tâm”, “tù nhân chính trị” như những luận điệu mà các tổ chức chống phá đưa ra. “Báo cáo nhân quyền” mà các tổ chức lấy danh về nhân quyền đưa ra hằng năm nhằm cáo buộc tình hình vi phạm nhân quyền ở Việt Nam là dựa trên những thông tin thu thập theo kiểu cóp nhặt, phiến diện, xuyên tạc có chủ đích theo một chiều, không phản ánh đúng hiện thực khách quan. Do đó, những luận điệu của các cá nhân, tổ chức thù địch, thiếu thiện chí lấy cớ nhân quyền để quy chụp, chống phá Việt Nam chỉ là những luận điệu lạc lõng.
Vì vậy, những luận điệu mà Cao Quang Ánh đưa ra đã thể hiện sự phản động, xuyên tạc về vấn đề “tự do nhân quyền” ở Việt Nam cũng như đòi hỏi phi lý “đa đảng đa chính quyền”, nhằm hướng tới mục tiêu xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Do đó, chúng ta cần luôn đề cao cảnh giác, tỉnh táo nhận diện rõ bản chất xấu xa và mục đích đen tối của Cao Quang Ánh và các thế lực thù địch. Kiên quyết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong tình hình mới./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét