Thứ Ba, 15 tháng 9, 2020

Không thể ngộ nhận về tầm nhìn của Đảng với mục tiêu phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa

Đặt mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025 và 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là một điểm mới trong chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng, nhằm vạch một mốc quan trọng, phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, cùng với những ý kiến tham gia đóng góp đầy trách nhiệm vào việc hoàn thiện mục tiêu đó, không ít kẻ lại cố tình xuyên tạc, bóp méo, hòng gây hoang mang, ngộ nhận trong quần chúng nhân dân.

Bổn cũ soạn lại, các thế lực thù địch, phản động cùng các phần tử cơ hội chính trị, “lá mặt, lá trái” tiếp tục cho rằng tầm nhìn của Đảng với mục tiêu đưa nước ta đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại như dự thảo văn kiện Đại hội XIII xác định là “viển vông”. Bằng mọi cách, chúng cố chứng minh “định hướng XHCN” là thừa, là “vô nghĩa”. Lập luận của chúng là: “Việt Nam tiến lên CNXH bỏ qua CNTB là trái quy luật, vì thế hãy tạm gác lại mục tiêu CNXH và lùi về với cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân là đúng đắn”. Một số kẻ lại lớn tiếng: chỉ cần đặt vấn đề xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh là đủ và ở chừng mực nào đó, chưa cần đề cập tới “định hướng XHCN”, nên dừng lại và xây dựng theo mô hình CNXH dân chủ là tốt nhất. Bởi theo chúng, kinh tế thị trường và định hướng XHCN không có mẫu số chung và nằm ngoài mọi lý thuyết kinh tế thế giới. Trong lập luận của chúng thì CNXH chính là bước quá độ từ CNXH nghèo đói tiến tới CNTB, những mục tiêu của CNXH thì chính CNTB đã thực hiện rồi, rằng người ta có thể dễ dàng tìm thấy ở CNTB những lời giải đáp đầy đủ cho mọi vấn đề được đặt ra trong đời sống loài người… Chung quy, các ý kiến, lập luận trên, dù ở góc độ nào, thì mục tiêu của nó vẫn không gì khác là nhằm phủ định đường lối, chính sách đổi mới của Đảng, Nhà nước ta, đặc biệt là định hướng XHCN trong phát triển đất nước để hướng lái nước ta theo quy định của CNTB

Hơn 90 năm qua, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã luôn thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH nhưng hết sức linh hoạt trong từng bối cảnh cụ thể. Tầm nhìn đúng đắn, nhìn xa, trông rộng của Đảng là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định, đưa đến những thành tựu vĩ đại trong đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong xây dựng đất nước hiện nay. Và như vậy, tầm nhìn – năng lực dự báo của Đảng có ý nghĩa quyết định đến việc thực hiện mục tiêu Việt Nam trở thành nước phát triển vào giữa thế kỷ XXI. Việc dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng không chỉ xác định mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong 5 năm (2021 – 2025), mà còn xác định mục tiêu phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là sự chỉ đạo có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện rõ sự kế thừa và phát huy những bài học kinh nghiệm quý báu của Đảng, kể từ khi ra đời cho đến nay.

Sai lầm của những kẻ cho rằng phải từ bỏ “định hướng XHCN” trong phát triển đất nước là sự ấu trĩ trong nhận thức về thời kỳ quá độ, hoặc không hiểu hết, không hiểu đúng về các quy luật vận động của lịch sử xã hội loài người. Từ bỏ “định hướng XHCN” chính là từ bỏ mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam phát triển, từ bỏ khát vọng vươn lên thực hiện mục tiêu: dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh của dân tộc Việt Nam, điều mà cả lý luận và thực tiễn đều chỉ ra: không thể có nếu đi theo con đường TBCN. Những lý giải của họ về “CNTB tự điều chỉnh” hay đồng nhất kinh tế thị trường với kinh tế thị trường TBCN hòng phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của ta hiện nay, thể hiện rõ sự hạn hẹp trong cách nhìn nhận của họ về lịch sử phát triển của kinh tế thị trường cũng như các mô hình kinh tế thị trường hiện nay. Họ không thấy hoặc cố tình không thấy một sự thật hiển nhiên là mọi nền kinh tế thị trường hiện đại, kể cả của các nước tư bản phát triển trên thế giới đều là nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước, vừa có điều tiết bởi “bàn tay vô hình” của thị trường, vừa có điều tiết bằng “bàn tay hữu hình” của nhà nước.

Như vậy, những luận điệu hết sức nguy hiểm của các thế lực thù địch xuyên tạc về tầm nhìn của Đảng ta trong định hướng phát triển đất nước những năm tới, không chỉ gây ra sự ngộ nhận của một bộ phận quần chúng nhân dân mà trên hết, nó trực tiếp cản trở quá trình xây dựng, phát triển một Việt Nam ngày càng hùng cường, giàu mạnh. Cần cảnh giác nhận diện, kịp thời đấu tranh, phản bác, loại bỏ những lập luận suy diễn của chúng ra khỏi đời sống tinh thần của xã hội./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét