Thứ Ba, 15 tháng 9, 2020

Không thể xuyên tạc mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân ở Việt Nam

Trong thời gian qua, công cuộc phòng, chống dịch Covid của Việt Nam đạt được những kết quả nổi bật. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thành công đó là có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và mọi người dân, thể hiện sự đoàn kết, gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân trước vận mệnh của dân tộc. Điều này không phải bây giờ mới thể hiện mà là bài học xuyên suốt trong các thời kỳ cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, cội nguồn của những thành công.

Vậy mà, có những kẻ lại rêu rao, vu khống, xuyên tạc mối quan hệ gắn bó giữa chính quyền và nhân dân. Điển hình là Thái Hạo (Boxit VN) trong bài “Những đứt gãy trong xã hội Việt Nam” ngày 15 tháng 8 năm 2020 đã cho rằng “Những đứt gãy trong mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân: Dường như mối bất đồng, bất hòa giữa nhân dân và nhà cầm quyền càng ngày càng lớn; niềm tin giảm sút, bất mãn gia tăng; chống đối ngày càng nhiều”. Biểu hiện của nó là: “Chính quyền xa dân, bắt nạt dân, thậm chí xung đột khi xâm phạm nặng nề quyền lợi của nhân dân (những ví dụ như Thủ Thiêm). Một bộ phận không nhỏ dân chúng mang nỗi bất bình và thậm chí quay lưng lại với nhà cầm quyền. Trong khi, chính quyền ở nhiều nơi đã không những không bảo vệ được lợi ích cho dân mà còn trực tiếp xâm phạm, gây ra sự phẫn nộ trong dân”. Đây là sự bịa đặt, quy chụp, chỉ thấy “con sâu” đã vội làm rầu cả “nồi canh”, phủ nhận mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân trong tình hình hiện nay, bởi lẽ:

Thứ nhất, mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân là vấn đề có tính quy luật trong sự hình thành, tồn tại và phát triển của Đảng ta

Chủ nghĩa Mác – Lênin khẳng định: Nhân dân là người sáng tạo ra mọi của cải vật chất và những giá trị tinh thần, là người làm nên lịch sử, là nhân tố quyết định sự tồn tại và phát triển của xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của nhân dân: “Dân là gốc của nước”, “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân”. Dân là chủ: “quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Đảng Cộng sản Việt Nam là một bộ phận ưu tú nhất của giai cấp công nhân, của dân tộc và nhân dân Việt Nam. Sự ra đời, tồn tại và phát triển của Đảng cũng chính là vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Gắn bó “máu thịt” với nhân dân là vấn đề thuộc bản chất cách mạng của Đảng ta vì sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, vì nhân dân và nhân dân cần Đảng dẫn đường, lãnh đạo. Trong trái tim của người Việt Nam chỉ thừa nhận một Đảng cầm quyền lãnh đạo đó là Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng của Bác Hồ. Thật hiếm có một đảng nào trên thế giới được nhân dân tin yêu, mến mộ và gọi là “Đảng ta”. Do gắn bó với dân, Đảng đã đi sâu tổng kết hoạt động thực tiễn sáng tạo của nhân dân, bổ sung, phát triển đường lối lãnh đạo của mình. Mối quan hệ giữa Đảng và dân là mối quan hệ hai chiều. Nhân dân cần có Đảng lãnh đạo để làm cách mạng giải phóng cho mình thoát khỏi mọi áp bức, bóc lột, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc. Đảng cần có dân để có sức mạnh vững chắc về tinh thần, trí tuệ. Có dân là có tất cả. Mất dân cũng có nghĩa là mất tất cả.

Thứ hai, mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân thể hiện ở mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân

Trước đây, khi chưa có chính quyền, Đảng phải thông qua cán bộ, đảng viên, thông qua Mặt trận và các đoàn thể để thiết lập mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân. Cán bộ, đảng viên sống trong lòng dân, được dân nuôi, đùm bọc, che chở, bảo vệ, lãnh đạo nhân dân làm cách mạng giành chính quyền. Mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân trở thành mối quan hệ tự nhiên, hết sức gần gũi. Ngày nay, Đảng ta đã trở thành Đảng cầm quyền, giữ vai trò lãnh đạo chính quyền Nhà nước quản lý đất nước và toàn bộ xã hội. Phần đông cán bộ, công chức Nhà nước là đảng viên. Do đó, mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân chủ yếu thể hiện ở mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân thông qua pháp luật, chính sách, thông qua hoạt động thực thi công vụ của cán bộ, công chức Nhà nước. Đảng luôn luôn chăm lo xây dựng và củng cố chính quyền, đề phòng xu hướng lạm dụng quyền lực của bộ máy Nhà nước. Thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Từ năm 2000 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Chỉ thị, kết luận về Tăng cường công tác dân vận, nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền và cán bộ công chức đối với công tác dân vận, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, nâng cao đời sống nhân dân, làm cho đất nước phát triển nhanh, bền vững. Thực hiện các nghị quyết của Đảng, các cấp chính quyền đã cụ thể hóa thành những chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội, xoá đói giảm nghèo và triển khai thực hiện có hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở, nhằm phát huy tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân, phối hợp ngày càng chặt chẽ hơn với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên để cùng làm tốt công tác dân vận.

Thứ ba, thực tiễn giải quyết mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân trong thời qian qua

 Đảng giữ vững vai trò lãnh đạo đối với Nhà nước; thông qua Nhà nước, nhân dân thực hiện và phát huy quyền làm chủ của mình tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đã phát huy tốt vai trò quản lý, có chính sách đúng, động viên và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong sự nghiệp đổi mới. Trong lãnh đạo xây dựng Nhà nước, Đảng luôn quán triệt nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, thực hành dân chủ, phát huy tính sáng tạo của nhân dân, tham khảo và vận dụng có chọn lọc lý luận xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân loại vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, phù hợp với dân tộc, thời đại và hoàn cảnh thực tiễn đất nước. Cụ thể: Đã từng bước phát triển hệ thống quan điểm, nguyên tắc cơ bản xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Quyền làm chủ của nhân dân tiếp tục được phát huy trên các lĩnh vực, nhân dân thực sự là người làm chủ. Tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước, trước hết là của cơ quan hành chính nhà nước, đã có bước điều chỉnh theo yêu cầu của quá trình chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp sang quản lý nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước được đổi mới theo hướng vừa bảo đảm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, vừa phát huy trách nhiệm, tính chủ động của các cơ quan nhà nước.

Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập trong công tác quản lý, nhất là sự thoái hoá, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ của một số cán bộ, đảng viên, công chức, đang ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, làm xói mòn đến mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, là một nguy cơ lớn đối với sự sống còn của Đảng, của chế độ. Dù vậy, đó không phải là bản chất của mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân nên không thể quy chụp, cho rằng mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân ở Việt Nam bị “đứt gãy”, đáng báo động cần phải “nhận thức một cách sâu sắc; và phải có hành động chấn hưng” như giọng điệu đơm đặt của Thái Hạo đưa ra nhằm gây tâm lý hoang mang, thiếu niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước để phục vụ cho mưu đồ chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghãi ở Việt Nam. Vì vậy, mỗi chúng ta phải hết sức cảnh giác để không mắc mưu của Thái Hạo và đồng bọn của y./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét