Thứ Hai, 14 tháng 6, 2021

KHẲNG ĐỊNH VAI TRÒ KINH TẾ NHÀ NƯỚC QUA KẾT QUẢ THỰC HIỆN PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI GIAI ĐOẠN 2011 - 2020

 Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định rằng, kinh tế nhà nước có vai trò chủ đạo, kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Việc bảo đảm vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước là một trong những nội dung cơ bản để giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội Đảng XII tiếp tục khẳng định: “Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật”.

Như vậy, Vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trước hết phải được thể hiện ở trình độ công nghệ, trình độ quản lý, năng suất, hiệu quả kinh tế - xã hội và năng lực cạnh tranh cao; ở vai trò hàng đầu trong việc khắc phục, hạn chế những khuyết tật của cơ chế thị trường; ở tính độc quyền trong những lĩnh vực có quan hệ trực tiếp đến an ninh quốc gia (chứ không phải ở tính độc quyền của doanh nghiệp nhà nước) và hoạt động bên cạnh các thành phần kinh tế khác trong những ngành kinh tế quan trọng của nền kinh tế quốc dân; tính định hướng sự vận động của nền kinh tế theo mục tiêu kinh tế - xã hội nhất định và hướng dẫn hoạt động của các thành phần kinh tế khác theo mục tiêu định sẵn của Nhà nước.

Vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được thực hiện thông qua hệ thống cơ chế, chính sách vĩ mô như chính sách tài chính, tiền tệ, chính sách đất đai, chính sách thuế... và cả ở hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước để giải phóng mọi năng lực của nền kinh tế; thúc đẩy sự phát triển các thể chế thị trường và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Chiến lược Phát triển kinh tế xã hội 2011-2020 đã yêu cầu: “Phải tăng cường tiềm lực và nâng cao hiệu quả của kinh tế nhà nước. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô”. Qua 10 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế nhà nước đã đạt được một số kết quả nổi bật như sau:

Một là, kinh tế nhà nước có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội

Trong giai đoạn 2011 - 2020, kinh tế nhà nước đã đóng góp gần 30% tăng trưởng kinh tế, 1/3 đầu tư toàn xã hội; đã và đang trực tiếp nắm giữ tỷ trọng đa số hoặc có vị trí chi phối một số ngành, lĩnh vực nền tảng của nền kinh tế. Cụ thể: Tỷ trọng của kinh tế nhà nước trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có xu hướng giảm, nhưng vẫn duy trì đóng góp bình quân 28-29%. Trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, ước tính tỷ trọng bình quân của kinh tế nhà nước giai đoạn 2011-2020 là 35,5%. Xét riêng trong cơ cấu nguồn vốn đầu tư nhà nước, tỷ trọng nguồn vốn ngân sách nhà nước duy trì bình quân 47 - 48%, nguồn vốn từ doanh nghiệp nhà nước ngày càng có xu hướng giảm, từ 27% năm 2001, 19% năm 2010 và 16% năm 2017. Cùng với đó, Kinh tế nhà nước có vai trò lớn trong trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Theo số liệu của Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) về thị trường phát điện Việt nam các nhà máy điện thuộc các tập đoàn kinh tế nhà nước EVN, PVN, TKV chiếm khoảng 87% trong cơ cấu nguồn đặt. Đối với ngành xăng dầu, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam Petrolimex chiếm khoảng 50% thị phần bán lẻ trong nước.  Đối với ngành tài chính, ngân hàng, tỷ trọng của kinh tế nhà nước có xu hướng giảm, nhưng cơ bản vẫn duy trì vị trí thống lĩnh thị trường. Đến năm 2018, các ngân hàng thương mại nhà nước chiếm 44% tài sản, 25% vốn điều lệ, 48% thị phần huy động vốn, 50% thị phần cho vay của toàn bộ hệ thống tổ chức tín dụng. Đối với ngành viễn thông, thông tin, liên lạc, Kinh tế nhà nước cũng đang nắm giữ vai trò chi phối. Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông về thị trường băng rộng Việt Nam, Viettel đang là doanh nghiệp chiếm thị phần chính, với 51,5%; tiếp đó là VNPT với 28,4%; MobiFone chiếm 12,7%; FPT Telecom là 3,8% và 3,6% còn lại là các doanh nghiệp nhỏ khác. Viettel chiếm 60% doanh thu ngành Viễn thông năm 2017 (234.000 tỷ đồng). Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, kinh tế nhà nước sản xuất 97% lượng than sạch, trực tiếp khai thác hoặc là đối tác liên doanh sản xuất 100% dầu thô khai thác trên lãnh thổ, sản xuất trên 86% lượng điện phát vào mạng lưới, tuy vậy, tỷ trọng sản xuất một số các mặt hàng công nghiệp quan trọng khác đã giảm mạnh như xi măng chỉ còn nắm giữ 40% sản lượng, chưa đến 15% sản lượng thép, khoảng 50% sản lược phân NPK...

Hai là, kinh tế nhà nước có đóng góp quan trọng làm nền tảng cho hoạt động kinh doanh của các thành phần kinh tế khác

Điển hình trong việc xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở vật chất kết cấu hạ tầng cần thiết cho hoạt động kinh doanh của các thành phần kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội mà các thành phần kinh tế khác chưa làm được do đầu tư lớn, thu hồi vốn chậm, không có khả năng sinh lời trong ngắn hạn, cụ thể: Trong cơ cấu đầu tư nhà nước theo ngành, lĩnh vực, khoảng 70% đầu tư trực tiếp cho lĩnh vực kinh tế, trong đó tập trung vào các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm để tạo động lực cho phát triển và thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước. Các ngành kinh tế được đầu tư lớn là nông, lâm nghiệp (chiếm 7,4% vốn đầu tư nhà nước năm 2017), công nghiệp chế biến tạo (7,6%), điện, khí (15,1%), xây dựng (6%), vận tải, kho bãi (18,5%)...; khoảng 30% vốn đầu tư nhà nước hằng năm dành cho cho quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng, hoạt động của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đảm bảo xã hội bắt buộc, thông tin và truyền thông, cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải, giáo dục, đào tạo, y tế, hoạt động trợ giúp xã hội, nghệ thuật, vui chơi, giải trí, hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ, hoạt động hành chính, dịch vụ hỗ trợ khác.

Ba là, kinh tế nhà nước là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước kiến tạo, đảm bảo môi trường kinh doanh an toàn, cho các thành phần kinh tế khác phát triển                                                                                      

Kinh tế nhà nước đóng góp quyết định cho năng lực quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Vốn nhà nước là nguồn vốn quan trọng nhất và lớn nhất để đầu tư cho quốc phòng, an ninh,  và đối ngoại, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ lợi ích quốc gia- dân tộc; bảo vệ nền hòa bình bền vững của đất nước....Kinh tế nhà nước là nguồn lực trực tiếp phục vụ công tác quản lý, điều hành nền kinh tế của Nhà nước. Các doanh nghiệp nhà nước, tổ chức tín dụng nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, các cơ quan, tổ chức kinh tế nhà nước, hệ thống tài sản công và các nguồn vốn đầu tư nhà nước cùng với cơ chế chính sách là công cụ chủ yếu để Nhà nước thực hiện mục tiêu phân phối nguồn lực gắn với tiến bộ và công bằng xã hội; trực tiếp cung cấp phần lớn các sản phẩm, dịch vụ công ích cho xã hội. Kinh tế nhà nước có vai trò quyết định để thực hiện có hiệu quả chính sách định giá, điều tiết giá hoặc bình ổn giá của Nhà nước. Cụ thể là: Doanh nghiêpj nhà nước đang nắm giữ tỷ trọng đa số đối với việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước sản xuất kinh doanh, tài nguyên quan trọng, sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, xăng, dầu thành phẩm, điện; khí dầu mỏ hóa lỏng, phân đạm, phân NPK. Hệ thống các cơ sở y tế, giáo dục, đào tạo, đơn vị sự nghiệp công lập và cơ quan quản lý hành chính nhà nước là công cụ thực hiện có hiệu quả các chính sách điều tiết giá đối với các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật, vac-xin phòng bệnh, muối ăn, sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi, đường ăn, thóc, gạo, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh. Ngoài ra, hệ thống tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, nhất là đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản và nhiều loại tài sản hình thành từ vốn Nhà nước đầu tư đang được giao cho các thành phần kinh tế khai thác, sử dụng là nguồn lực đầu vào, là yếu tố sản xuất vô cùng quan trọng cho nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là các ngành kinh doanh gắn với đất đai, mặt bằng, tài nguyên...

Bốn là, kinh tế nhà nước góp phần nâng cao năng suất lao động của nền kinh tế

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, năng suất lao động theo giá hiện hành của kinh tế nhà nước đạt 399 triệu đồng/người, kinh tế ngoài nhà nước đạt gần 52 triệu đồng/người, kinh tế có vốn đầu tư ngoài là 247 triệu đồng/người

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét