Thứ Sáu, 4 tháng 6, 2021

VACCINE PHÂN CHIA THẾ GIỚI LÀM HAI MẢNG SÁNG TỐI

Trong khi Mỹ và Anh tràn đầy hy vọng về tương lai hậu Covid-19, những nơi khác trên thế giới vẫn quay cuồng vì đại dịch và cơn khát vaccine.
Nhịp sống đông đúc trở lại
Cuộc sống đang dần trở lại bình thường ở nhiều nơi trên nước Mỹ. Nhà hàng và hộp đêm bắt đầu đông đúc, khách sạn kín phòng trong khi các chuyến bay hết vé. Thậm chí, người ta còn khoác vai nhau hò hét tại các sự kiện thể thao.
Niềm hân hoan của người Mỹ hoàn toàn có cơ sở. Phần lớn người dân đã được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19, trong khi số ca nhiễm mỗi ngày đang duy trì ở mức thấp nhất sau 12 tháng, theo Washington Post.
Anh, một trong những nước thực hiện chiến dịch tiêm chủng Covid-19 nhanh nhất châu Âu, cũng đang dần mở cửa lại nền kinh tế theo kế hoạch. Gần 39,5 triệu trong tổng số hơn 66,8 triệu dân Anh đã tiêm ít nhất một liều vaccine. Hôm 1-6, lần đầu tiên Anh không ghi nhận ca tử vong vì Covid-19 mới nào kể từ ngày 30-7-2020.
Hiện thực “tàn khốc” phía bên kia đại dương
Trên thực tế, bên ngoài Mỹ, Covid-19 vẫn đang hoành hành. Nhiều biến thể nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 xuất hiện, trong khi việc triển khai tiêm chủng ở nhiều nơi diễn ra chậm chạp, trì trệ.
Tại Đông Nam Á, khu vực từng là thành trì vững chắc trước làn sóng virus khi chúng tàn phá các quốc gia phương Tây, nay đang chìm trong đợt gia tăng số ca bệnh mới.
Trong tháng 5, Thái Lan ghi nhận các ca nhiễm tăng đáng kể. Tại Malaysia, số ca nhiễm trên một triệu dân thậm chí cao hơn cả Ấn Độ và vượt qua nhiều quốc gia châu Á. Chính phủ nước này đã phải áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài trong hai tuần, bắt đầu từ ngày 1-6.
Tại châu Phi, nỗi lo ngại cũng đang gia tăng về khả năng đổ bộ của làn sóng đại dịch mới. Hệ thống y tế của nhiều quốc gia có nguy cơ quá tải nếu số ca nhiễm tăng vọt. Nghiên cứu gần đây cho thấy châu Phi có tỷ lệ bệnh nhân tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới. Tình trạng trên xảy ra do châu Phi thiếu hụt trầm trọng nguồn dự trữ oxy tại các cơ sở chăm sóc y tế.
Ngay cả ở Đông Á, dù áp dụng biện pháp hạn chế, cách ly rất nghiêm ngặt, một số nơi vẫn chứng kiến tình trạng virus lan nhanh trong cộng đồng. Trong khi Đài Loan (Trung Quốc) ghi nhận sự bùng nổ số ca nhiễm mới, nhiều khu vực tại Nhật Bản, kể cả thủ đô Tokyo, vẫn đang áp dụng tình trạng khẩn cấp.
Một số chuyên gia y tế cộng đồng nhận định đây là dấu hiệu cho thấy những biện pháp nghiêm ngặt, từng giúp Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Singapore an toàn hơn phương Tây trong suốt năm ngoái, có thể không mang tính bền vững về lâu dài. Vì nhiều lý do, công tác triển khai vaccine Covid-19 tại những nơi này khá chậm chạp, một phần do thiếu nguồn cung.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu năm, đại sứ Nhật Bản tại Mỹ Koji Tomita cho biết đất nước của ông và những nơi khác ở Đông Á ban đầu nỗ lực ngăn virus lây lan, nhưng ít xây dựng khả năng miễn dịch cộng đồng, cuối cùng "bị giam cầm bởi thành công của chính mình".
Mất cân bằng trong khả năng tiếp cận vaccine
Mỹ đang thảo luận về các mũi tiêm nhắc lại cho người dân, trong khi đó, nhân viên y tế tuyến đầu tại một số quốc gia đang phát triển thậm chí vẫn chưa nhận được liều vaccine đầu tiên.
Các nhà lãnh đạo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đồng lòng thảo ra một kế hoạch trị giá 50 tỷ USD để đẩy nhanh việc phân phối vaccine cho các nước nghèo và có thu nhập trung bình. Số tiền này cũng được dùng để mở rộng và đa dạng hóa năng lực sản xuất vaccine trên toàn thế giới.
“Việc phân phối vaccine không hợp lý đang khiến hàng triệu người dễ dàng bị nhiễm virus, trong khi các biến thể nguy hiểm vẫn xuất hiện và phát tán trở lại”, đại diện các cơ quan này cho biết.
“Đại dịch diễn ra đang làm sâu sắc thêm sự phân hóa về phục hồi kinh tế (giữa các quốc gia), và hậu quả tiêu cực xảy đến với mọi người”, các tổ chức quốc tế khẳng định.
Giờ đây, tâm điểm chú ý của thế giới hướng vào cuộc họp trong tháng 6 của nhóm G7. Tại đây, các nhà lãnh đạo hàng đầu dự kiến thúc đẩy việc cung cấp vaccine Covid-19 cho các nước đang thiếu hụt khác.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng ủng hộ các cuộc đàm phán tại WTO về khả năng dỡ bỏ bảo hộ bằng sáng chế cho vaccine Covid-19, giúp nhiều nước có thể đẩy mạnh việc tự sản xuất vaccine. Tuy nhiên, ý tưởng này bị nhiều chính phủ châu Âu phản đối./. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét