Thứ Hai, 21 tháng 6, 2021

Phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc, phủ nhận thân thế, tư tưởng và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh

 

1.Khi một tư tưởng xuất hiện, tồn tại và phát triển, tự thân nó là một cuộc đấu tranh để tự khẳng định nó; và tranh đấu với các tư tưởng khác, dù muốn hay không, dưới muôn ngàn hình thức, quy mô, tính chất và mức độ, là quy luật sinh tồn của tư tưởng, đó là lẽ tự nhiên của sự phát triển. Tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng vững chắc để Đảng ta vạch ra đường lối cách mạng đúng đắn; sợi chỉ đỏ dẫn đường cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ đối với mỗi thời kỳ cách mạng; tài sản tinh thần vô giá của dân tộc Việt Nam. Tư tưởng đó mãi sống với chúng ta vì nó đã thấm sâu vào quần chúng nhân dân, được kiểm nghiệm qua thực tiễn cách mạng, ngày càng tỏa sáng, chiếm lĩnh trái tim, khối óc chẳng những của hàng triệu, hàng triệu con người Việt Nam, mà còn là của cả bạn bè quốc tế, Những giá trị tư tưởng của Người mãi mãi là chân lý sáng ngời, góp phần vào sự kiến tạo và phát triển của nhân loại. Do vậy, cả hiện tại và tương lai, các thế lực thù địch vẫn sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, xuyên tạc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thân thế, sự nghiệp của Người; hòng phủ nhận hệ tư tưởng lý luận của Đảng ta và toàn xã hội, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta.

2.Tiếp tục thực hiện những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận thân thế, tư tưởng và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lê Quang Ngọ và Lê Quý Trọng đã đăng bài viết: “Đảng sẽ tiếp tục thu hoạch được gì từ cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Thông qua bài viết đó, chúng phủ nhận không có tư tưởng Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh chỉ là người có tài tập hợp lực lượng, là người hành động giỏi, xuất sắc. Hồ Chí Minh không phải là người sáng tạo lý luận, tư tưởng; tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác – Lênin; coi Hồ Chí Minh chỉ là người theo chủ nghĩa dân tộc chứ không phải là người cộng sản; chúng phủ nhận công lao của Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam: “…với ý chí và nghị lực, cùng với sự nhạy bén nắm bắt thời cơ, Hồ Chí Minh đã vượt qua muôn vàn hiểm nguy để đạt tới tột đỉnh vinh quang… là nô lệ của danh vọng ông đã tự gạt bỏ hạnh phúc cá nhân để nhập vai thành một đấng toàn tri, toàn giác của đảng…”. Với những nội dung nêu trên, chúng triệt để xuyên tạc, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh, bôi nhọ thân thế, sự nghiệp của Người, nhằm đưa tư tưởng Hồ Chí Minh ra khỏi nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam.

3.Những luận cứ đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái thù đich:

Một là, đấu tranh, phản bác luận điệu cho rằng không có tư tưởng Hồ Chí Minh. Trên cơ sở phương pháp luận nhận thức về tư tưởng, thì một tư tưởng, hay hệ tư tưởng được xác định là có hay không, và có được đánh giá là cách mạng, và khoa học hay không? khi và chỉ khi xuất phát và phản ánh đúng thực tiễn, soi đường cho hoạt động thực tiễn, thúc đẩy thực tiễn phát triển. Tư tưởng Hồ Chí Minh được hình thành, phát triển trên cơ sở kế thừa, chọn lọc những tư tưởng, giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam, phù hợp với thực tiễn hoàn cảnh lịch sử nước ta. Đồng thời, tiếp thu và vận dụng sáng tạo tinh hoa văn hóa nhân loại, cả phương Đông và phương Tây, mà đỉnh cao là chủ nghĩa Mác – Lênin; cơ sở thế giới quan và phương pháp luận của tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa Mác – Lênin, mà hạt nhân lý luận là chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. Với thế giới quan, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lênin và một trí tuệ sắc sảo, khả năng tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, Hồ Chí Minh đã tiếp thu, chuyển hóa được những nhân tố tích cực, tiến bộ của truyền thống dân tộc và của nhân loại để hình thành nên hệ thống tư tưởng của mình. Đó là hệ thống những quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, tiêu biểu là tư tưởng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, v.v… Tư tưởng ấy không chỉ giải quyết vấn đề về tư duy lý luận mà cao hơn là tư duy hành động, giải quyết những vấn đề thực tiễn của cách mạng Việt Nam. Thực tiễn cho thấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam – một Đảng mácxít chân chính, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, đã đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam đến thắng lợi; giành độc lập dân tộc, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội và thành tựu của hơn 35 năm đổi mới là minh chứng hùng hồn khẳng định sự ra đời, tồn tại và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh.

Hai là, đấu tranh, phản bác luận điệu khi tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác – Lênin. Có thể xem xét trên nhiều phương diện thì việc tách rời chủ nghĩa Mác – Lênin với tư tưởng Hồ Chí Minh là sự nhận thức phiến diện, siêu hình, phi lôgic và lịch sử, không khoa học. Dưới góc độ khoa học về lịch sử, tư tưởng Hồ Chí Minh có nguồn gốc từ văn hóa dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại mà đỉnh cao là chủ nghĩa Mác – Lênin. Chủ nghĩa Mác – Lê-nin là nguồn gốc lý luận của tư tưởng Hồ Chí Minh. Về lôgic, tư tưởng Hồ Chí Minh kế thừa, phát triển, làm phong phú, sâu sắc; vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể Việt Nam. Với Hồ Chí Minh, chủ nghĩa Mác – Lênin là “cái cẩm nang thần kỳ”, “cái la bàn”, “trí khôn” của Đảng ta. Nó là “vũ khí tinh thần” của giai cấp công nhân, là kim chỉ nam cho hành động cách mạng. Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác – Lênin “làm cốt” là sự khái quát cô đọng, súc tích và đặc sắc của Hồ Chí Minh về giá trị, sức sống của chủ nghĩa Mác – Lênin với vai trò là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng.

Như vậy, về bản chất, lịch sử và lôgic, tư tưởng Hồ Chí Minh thống nhất với chủ nghĩa Mác – Lênin, chứ không hề có sự “khác biệt”, “đối trọng” nhau như các thế lực thù địch vẫn rêu rao. Cần khẳng định rõ, luận điệu đòi tách rời chủ nghĩa Mác – Lênin với tư tưởng Hồ Chí Minh của các thế lực thù địch thể hiện rõ quan điểm thù địch, đi ngược lại lập trường, quan điểm, lợi ích của giai cấp công nhân và của cách mạng, của dân tộc Việt Nam.

Ba là, đấu tranh, phản bác luận điệu phủ nhận công lao và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đánh giá công lao, sự nghiệp, những đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam cũng như cách mạng thế giới ngay các chính khách, các nhà nghiên cứu, thậm chí cả “những đối thủ một thời” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, họ đều có những nhận định thừa nhận vai trò, giá trị lý luận và cống hiến xuất sắc của Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc: học giả David Halberstam cho rằng: Lúc sinh thời, ông Hồ Chí Minh không những đã giải phóng đất nước của Ông, mà thay đổi chiều hướng của chế độ thuộc địa ở cả châu Phi lẫn châu Á; học giả Wiliam J. Duiker người đã dành 20 năm để nghiên cứu về Hồ Chí Minh đưa ra ý kiến:… người ta cũng không phủ nhận được rằng, sự nghiệp mà Ông thúc đẩy và chỉ đạo tạo ra những thời khắc có một không hai trong thế kỷ XX, là đỉnh cao của kỷ nguyên giải phóng dân tộc ở thế giới thứ ba. Năm 1969, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, trong tùy bút “Nói chuyện với Người đã khuất” của Linh mục Lý Chánh Trung có đoạn: Cụ là một vĩ nhân: hầu hết mọi người đều nhìn nhận như vậy, dẫu là bạn hay thù, dẫu là khen hay chê cái sự nghiệp mà Cụ đã dựng lên với hai bàn tay trắng… Khi tên Cụ được công bố và hình Cụ được phát hành, người ta đã nói với nhau, như có một bản năng nào đó: Đó là một vị anh hùng, đó là người của chúng ta… Khái quát giá trị tư tưởng, và những cống hiến của Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập của Việt Nam và phong trào cách mạng giải phóng dân tộc trên thế giới, Tổ chức UNESCO đã khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Các thế lực thù địch không từ bất cứ âm mưu, thủ đoạn nào nhằm xuyên tạc, phủ nhận thân thế, tư tưởng và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước tình hình đó, toàn Đảng, hệ thống chính trị, mỗi cán bộ, đảng viên và mọi công dân phải luôn xác định đấu tranh, phản bác có hiệu quả với luận điệu xuyên tạc, các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch về thân thế, tư tưởng và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên. Bởi cuộc đấu tranh này ngày càng phức tạp, khó khăn, lâu dài và nhiều cam go./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét