Thứ Hai, 21 tháng 6, 2021

Luận điệu xảo trá của Trần Dzạ Dzũng

 

Mới đây, trên mạng xã hội Trần Dzạ Dzũng có giật tít: “Báo chí ở Việt Nam đồng nghĩa với tuyên truyền?”. Nội dung bài viết là những luận điệu quy chụp, thiếu khách quan, ngụy biện, nhằm phủ nhận vai trò của báo chí cách mạng, vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với báo chí cũng như người làm báo ở nước ta hiện nay, cho rằng: “Sự nhập nhằng giữa báo chí và tuyên truyền đưa đến hệ lụy báo chí mất đi tính chính danh và uy tín của báo chí”. Đây là luận điệu hoàn toàn sai trái, phản động, thể hiện sự xảo trá của y, bởi vì:

Một là, báo chí cách mạng Việt Nam góp phần quan trọng vào phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Luật Báo chí của Việt Nam (2016) quy định: Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; có nhiệm vụ, quyền hạn: tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân. Luật báo chí cũng có những quy định cấm báo chí không được đăng, phát thông tin chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền nhân dân; bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với chính quyền, lực lượng vũ trang; đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Trong suốt quá trình ra đời, tồn tại và phát triển, báo chí cách mạng Việt Nam luôn đồng hành, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp cách mạng, đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của đất nước. Báo chí đã phản ánh kịp thời diễn biến mọi mặt của đời sống xã hội; tích cực tuyên truyền về Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước; phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân; phát hiện và cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến và những thành tựu của công cuộc đổi mới; phản ánh những ý kiến đóng góp tâm huyết của các nhà khoa học, các tầng lớp nhân dân; tham gia giám sát, phản biện xã hội, phát huy quyền làm chủ của người dân, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; kiên quyết đấu tranh với những hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, vi phạm pháp luật và các thói hư, tật xấu trong xã hội góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước cũng như đối với công cuộc đổi mới. Báo chí là cầu nối hữu hiệu giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân trong việc huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Hai là, đội ngũ những người làm báo tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, phản ánh trung thực, khách quan hiện thực đời sống xã hội.

Mỗi bài viết, bản tin, hình ảnh của đội ngũ những người làm báo đều có sức lan tỏa những giá trị tốt đẹp sâu rộng trong toàn xã hội, tạo niềm tin, sự đồng thuận trong xã hội, góp phần khơi dậy và nuôi dưỡng khát vọng về một đất nước Việt Nam hùng cường, giàu mạnh. Người làm báo đã tiên phong đi đầu trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, phản ánh được những cung bậc, cảm xúc khác nhau của cuộc sống con người, lột tả được bức tranh chân thật, sống động những khía cạnh khác nhau hiện thực xã hội đã, đang và sẽ diễn ra. Trong quá trình tác nghiệp đội ngũ nhà báo, nhất là nhà báo trẻ luôn đứng vững trên lập trường, quan điểm của Đảng, Nhà nước, không bi quan, dao động, lùi bước trước khó khăn, thử thách; nói đúng sự thật, không tô hồng, bôi đen các sự vật hiện tượng theo kiểu “giật tít” hoặc “câu like” để thu hút người đọc.

Nhiều nhà báo bằng tài năng sắc sảo, nhãn quan tinh tường, dấn thân, lăn lộn trong thực tiễn, nhạy bén với thời cuộc đã có nhiều tác phẩm có tính “khai phá, mở đường”, đấu tranh mạnh mẽ với sự trì trệ, bảo thủ; bảo vệ và cổ vũ cho những cách làm hay, mô hình sáng tạo, những đột phá trong tư duy; tuyên truyền, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vượt qua khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Đội ngũ những người làm báo đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, góp phần thúc đẩy tiến trình phát triển của quốc gia – dân tộc dưới sự điều hành, quản lý của Nhà nước.

Luận điệu mà Trần Dzạ Dzũng đưa ra là hết sức xảo trá, thể hiện rõ mưu đồ hòng phủ nhận vai trò của báo chí cách mạng, vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối báo chí cũng như người làm báo, sâu xa hơn nhằm kích động các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị mượn danh nghĩa tự do báo chí để chống phá Đảng, Nhà nước, đi ngược lại xu thế đổi mới, phát triển toàn diện của đất nước. Chúng ta cần cảnh giác và đấu tranh kiên quyết với luận điệu này./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét