Thứ Bảy, 9 tháng 10, 2021

Bác bỏ luận điệu xuyên tạc, bịa đặt của Đỗ Ngà

 

Trong bài: “Tư duy phân biệt “quý tộc” và “thứ dân” đã đưa đến những cái sai trong chính sách” đăng trên trang mạng Bureau CTM Media – Âu Châu gần đây, Đỗ Ngà đã tỏ rõ bản chất phản động, chống phá bằng những luận điệu bịa đặt, xuyên tạc về sự phát triển của giáo dục và y tế ở nước ta, hòng gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm suy giảm niểm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Y cho rằng: “môi trường giáo dục tồi tàn với nền tảng tri thức nghèo nàn thì đảng mới dễ cai trị” và “không có chuyện đảng lo cho y tế đại chúng tốt như các nước dân chủ được”. Song, thực tiễn ở Việt Nam đã bác bỏ hoàn toàn sự bịa đặt, xuyên tạc lố bịch của Đỗ Ngà, bởi lẽ:

Một là, ở Việt Nam, phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư cho phát triển.

Thực tế cho thấy, Việt Nam là quốc gia luôn ưu tiên đầu tư cho giáo dục, 5 năm 2016-2021, ngân sách nhà nước chi cho lĩnh vực này đạt khoảng 20% tổng chi ngân sách. Đến nay, tỷ lệ trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non đạt 99,9%. Về cấp tiểu học, 63/63 tỉnh thành đều đạt chất lượng phổ cập mức độ 2, trong đó 4 địa phương đạt mức độ 3. Cả 63/63 tỉnh thành đều đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở cấp độ 1, một số địa phương đạt mức độ 2 và 3. Năm học 2020 – 2021, cả nước có hơn 5 triệu trẻ mầm non, hơn 8,8 triệu học sinh tiểu học, hơn 5,9 triệu học sinh trung học cơ sở, hơn 2,7 triệu học sinh trung học phổ thông; tổng số phòng học là 593.808 phòng (tăng 3.504 phòng so với năm học trước), trong đó phòng học kiên cố chiếm 70,5%. Riêng bậc trung học phổ thông, cả nước có có 2.543 trường (tăng 144 trường), 59.686 lớp; trong số này có 45,33% số trường đạt chuẩn quốc gia và 40,22% số trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục; có 135.875 giáo viên, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn là 99,78% (tăng 2,8% so với năm học trước).

Chất lượng giáo dục ở Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Việt Nam hiện được xếp vào tốp 10 hệ thống giáo dục đổi mới hàng đầu của thế giới, theo báo cáo “Tăng trưởng thông minh hơn: Học tập và Phát triển công bằng ở Đông Á – Thái Bình Dương” năm 2019 của Ngân hàng Thế giới. Hay trong các Chương trình đánh giá học sinh quốc tế, lứa tuổi 15 (PISA), học sinh nước ta đều đạt kết quả ấn tượng, vượt qua mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Các đội tuyển học sinh thi Olympic quốc tế đều đạt thứ hạng cao. Mới đây nhất, năm 2020, tất cả các học sinh dự thi Olympic khu vực và quốc tế  đều đoạt giải, với 9 Huy chương vàng, 8 Huy chương bạc, 5 Huy chương đồng và tất cả các đoàn dự thi đều có thí sinh đoạt Huy chương vàng.

Hai là, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân ở Việt Nam ngày càng được tăng cường.

Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là yếu tố hàng đầu của công tác an sinh xã hội, trực tiếp bảo vệ giống nòi, bảo đảm nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chất lượng dân số từng bước được cải thiện, tuổi thọ trung bình đến năm 2020 ước đạt khoảng 73,7 tuổi, tăng so với năm 2015 (73,3 tuổi). Tỉ lệ bác sĩ trên 1 vạn dân tăng từ 8,2 bác sĩ năm 2016 lên 9 bác sĩ năm 2020. Số giường bệnh trên 1 vạn dân đạt 28 giường vào năm 2020. Nhiều dịch vụ y tế kỹ thuật cao, tiên tiến được áp dụng. Tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em và tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm gần 3 lần. Người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và người cao tuổi được cấp bảo hiểm y tế miễn phí. Đến năm 2020, tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 97,7%. Thuốc sản xuất trong nước chiếm 74%  mặt hàng, đáp ứng 50% về số lượng và 40% về giá trị.

Hệ thống y tế dự phòng từ Trung ương đến địa phương và mạng lưới y tế cơ sở được tiếp tục củng cố và phát triển. Mạng lưới y tế cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân có độ bao phủ rất cao, đảm bảo bao phủ tất cả các địa bàn dân cư, kể cả những khu vực rất khó tiếp cận về mặt địa lý; có sự gắn kết chặt chẽ, mật thiết với cộng đồng dân cư thông qua vai trò của các trạm y tế xã và đội ngũ nhân y tế thôn bản; tích hợp nhiều chức năng như khám chữa bệnh, dự phòng kế hoạch hóa gia đình, phục hồi chức năng nâng cao sức khỏe. Tổng kết 15 năm thực hiện các mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, Việt Nam đã cơ bản đạt được các mục tiêu về y tế, được Liên hiệp quốc và các tổ chức quốc tế đánh giá là điểm sáng, là mẫu hình thành công trong việc thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ trong lĩnh vực y tế với những thành tựu đặc biệt ấn tượng.

Những thành tựu về giáo dục, y tế cùng nhiểu lĩnh vực khác của Việt Nam đã chứng minh rằng, phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa không những có hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết được các vấn đề xã hội tốt hơn nhiều so với các nước tư bản chủ nghĩa có cùng mức phát triển kinh tế.

Khẳng định rằng, sự xuyên tạc, bịa đặt đến mức lố bịch của Đỗ Ngà không bắt nguồn từ kiến thức hiểu biết thấp, mà bắt nguồn từ mưu đồ chính trị thấp hèn, muốn gây mất ổn định đất nước, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng, để tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng. Vì vậy, mỗi chúng ta cần nêu cao cảnh giác, vạch trần và đấu tranh bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc, bịa đặt nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét