Ở các địa phương này, công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất là người ngoại tỉnh chiếm tỷ lệ khá cao, trung bình khoảng 50%, có nơi lên đến 70%. Cùng với đó là nhu cầu rất lớn về nhà ở, tuy nhiên, trên thực tế, số lượng nhà ở cho công nhân còn rất hạn chế. Ví dụ như ở khu vực phía Nam, theo thống kê, nhà ở cho công nhân mới chỉ đáp ứng khoảng 28% nhu cầu. Hơn 70% công nhân phải thuê trọ trong những căn phòng chật chội, điều kiện sinh hoạt vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Đó cũng là một trong những lý do khiến khi dịch Covid-19 bùng phát, hàng trăm nghìn công nhân đã không thể trụ lại thành phố, đành phải ồ ạt về quê, gây nên những hệ lụy tiêu cực.

Nhà ở cho công nhân
Khu nhà ở xã hội Becamex tại TP Thủ Dầu Một (Bình Dương). Ảnh: Báo Nhân dân


An cư thì mới lạc nghiệp. Có nhà ở ổn định, bảo đảm đầy đủ các điều kiện sinh hoạt thì người lao động mới có thể có được sức khỏe, tinh thần, tâm lý tốt nhất để tập trung lao động sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Như vậy, việc quan tâm chăm lo nhà ở cho công nhân không chỉ là một chính sách xã hội mà xét đến cùng cũng là đầu tư cho phát triển. Do đó, cần sự chung tay, vào cuộc tích cực của cả Nhà nước, cộng đồng và mỗi công ty, doanh nghiệp.

Thu nhập của phần lớn công nhân còn thấp, rất khó để mua nhà ở thương mại nên hướng giải quyết cơ bản là tập trung phát triển nhà ở xã hội. Những năm qua, Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội nhưng kết quả đạt được còn hạn chế. Để có thể giải quyết tốt bài toán này, cần có quyết tâm chính trị cao cùng những cơ chế, chính sách mang tính đột phá về quỹ đất, vốn, thuế và phải xóa bỏ những "nút thắt" về thủ tục hành chính để thu hút, tạo điều kiện cho các thành phần tham gia xây dựng, phát triển nhà ở xã hội. Riêng về quỹ đất, hiện nay đã có quy định các dự án nhà ở thương mại phải dành 20% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhưng thực tế nhiều dự án nhà ở thương mại vì lợi nhuận đã cố tình “quên” thực hiện điều này, khiến nhà ở xã hội luôn luôn thiếu, cần phải chấn chỉnh kịp thời. Mặt khác, cũng cần thêm những gói cho vay ưu đãi giúp công nhân có thể vay với lãi suất thấp để mua nhà ở xã hội theo hình thức trả góp, đồng thời phải quản lý chặt việc mua bán, bảo đảm nhà ở xã hội được bán cho đúng đối tượng, tránh nạn đầu cơ, tránh hiện tượng nhà ở xã hội nhưng giá lại... thương mại...

Sự phát triển của doanh nghiệp không thể tách rời đội ngũ công nhân lao động, vì vậy, đầu tư chăm lo cho người lao động, trong đó có nhà ở cần được mỗi công ty, doanh nghiệp coi là khoản đầu tư cho phát triển để triển khai thực chất, hiệu quả. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã triển khai mô hình xây ký túc xá cho công nhân thuê ổn định với giá rẻ, mô hình này rất cần được nhân rộng.

“Ly nông bất ly hương” là điều ai cũng mong muốn, nhưng trong điều kiện hiện nay, lao động từ quê lên thành phố làm việc vẫn là một xu hướng. Đón chờ họ là những khu ký túc xá, nhà ở xã hội hay chỉ là những phòng trọ chật hẹp? Tất cả phụ thuộc vào nỗ lực của cả hệ thống chính trị và trách nhiệm của mỗi công ty, doanh nghiệp ngay từ hôm nay.

PHƯƠNG HIỀN