Thứ Bảy, 9 tháng 10, 2021

KẾT LUẬN SỐ 14-KL/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ: HIỂU THẬT ĐÚNG!

             Nội hàm và nội dung Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII khá rộng, bao quát, toàn diện, nhưng tựu trung có mấy vấn đề cốt lõi mà cán bộ, đảng viên cần quán sâu, hiểu kỹ.

Vấn đề thứ nhất là câu chuyện “khuyến khích” cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Kết luận này chỉ rõ việc toàn Đảng-từ Trung ương về đến cấp nhỏ nhất là chi bộ cơ sở-đều có trách nhiệm tập trung sức lãnh đạo, chỉ đạo để động viên, kích hoạt, kích thích, dìu dắt, đồng hành với sự năng động, sáng tạo của cán bộ các cấp. Ở đâu có cán bộ dám nghĩ, dám làm thì ở đó có tổ chức đảng khuyến khích, đồng hành, nhằm hiện thực hóa những ý nghĩ, cách làm mới, khác biệt, khác lạ, vượt tầm... vì lợi ích chung của Tổ quốc, nhân dân và từng cơ quan, đơn vị. Hay nói cách khác, Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị sẽ tạo mọi điều kiện cả về mặt tư duy, cơ chế, tổ chức, môi trường, phương tiện bảo đảm... giúp cán bộ dám nghĩ về sự sáng tạo, dám khởi tạo sáng tạo và hiện thực hóa sự sáng tạo đó.

Ở đây, xét về mặt tư duy, Kết luận số 14-KL/TW với những luận điểm mới đã tự nó mặc nhiên phủ định, xóa bỏ cách nghĩ cổ hủ và lối tư duy cũ. Từ lúc này, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên có một cách nhìn sâu hơn, rộng hơn, mang hàm ý của sự cởi mở trước câu chuyện "xé rào" hay những ý tưởng, phát kiến mà trước đây có thể bị cho là "cổ quái", "khác người". Có nghĩa là, sẽ không còn chuyện cán bộ bị quy trách nhiệm một cách xơ cứng, phiến diện, bị gièm pha, đánh giá không đúng bản chất khi dám nói, dám làm những chuyện, những việc mới mẻ, nhưng có thể chứa đựng cả những yếu tố rủi ro...

Thế nhưng, Kết luận số 14-KL/TW cũng chỉ rõ những nguyên tắc bất biến trong vận hành, hiện thực hóa ý tưởng, đột phá mới, táo bạo của cán bộ. Nghĩa là mọi sự đổi mới, sáng tạo phải trên cơ sở nền tảng khoa học, nằm trong khuôn khổ pháp lý, đạo lý và có tính khả thi. Dám nghĩ, dám làm, dám đột phá không có nghĩa là làm liều, không có tính toán. Do đó, Bộ Chính trị chỉ rõ yêu cầu: Các ý tưởng, giải pháp, đề xuất đổi mới, sáng tạo của cán bộ phải được báo cáo với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị nơi công tác; được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thực hiện hoặc thực hiện thí điểm. Ý tưởng, sự đột phá ấy phải bảo đảm không trái với Hiến pháp và Điều lệ Đảng. Trên cơ sở đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu tập thể, lãnh đạo cơ quan, đơn vị quan tâm hỗ trợ nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ triển khai thực hiện. Có nghĩa là, ý tưởng sáng tạo, đột phá ấy là của từng cá nhân hoặc nhóm cán bộ, nhưng phải được tổ chức cho phép, được tập thể hỗ trợ mọi mặt để hiện thực nó. Hay nói cách khác, sẽ không có bất kỳ ý tưởng mới nào được ghi nhận, nếu nó nằm ngoài tổ chức và sẽ không có bất kỳ cán bộ nào được tổ chức bảo vệ nếu ý tưởng phi thực tế, nằm ngoài khuôn khổ pháp luật, mang nặng chủ nghĩa cá nhân hoặc làm liều, làm ẩu.

Một điểm rất hay trong nội dung Kết luận số 14-KL/TW là Bộ Chính trị thể hiện rõ tinh thần không chỉ "cởi trói" cho cá nhân từng cán bộ, đảng viên mà còn trao cho tổ chức đảng, cơ quan chức năng một “chiếc chìa khóa” để mở toang cánh cửa cơ chế vận hành sự năng động, sáng tạo trong nội bộ. Bấy giờ, một tổ chức có thể sẽ không đủ năng lực thẩm định, đánh giá về tính khả thi, hiệu quả hiện thực của một vài ý tưởng, cách làm sáng tạo vượt tầm năng lực tập thể, nhưng vẫn có chức năng, quyền hạn kiểm tra, giám sát, theo dõi để đồng hành, hỗ trợ và uốn nắn, chấn chỉnh sai sót, vi phạm; kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng cán bộ làm liều, ảo tưởng về năng lực của mình...

Cùng với công tác “khuyến khích cán bộ”, Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị cũng chỉ rõ những quan điểm mới trong bảo vệ cán bộ có trí tuệ, gương mẫu, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách. Đây là vấn đề đặt ra rất cấp thiết và được giải quyết khá toàn diện, thỏa đáng. Tinh thần và thái độ “bảo vệ cán bộ” trong kết luận này được ví như câu chuyện giải phóng sức sáng tạo và giảm bớt gánh nặng trách nhiệm cho những “công bộc” thật sự tâm huyết, trách nhiệm, vì lợi ích chung. Theo đó, tổ chức đảng sẽ thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện thí điểm các đề xuất đổi mới, sáng tạo. Chủ động phát hiện những vấn đề nảy sinh, kịp thời động viên, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc xem xét, điều chỉnh, có quyết định phù hợp với tình hình thực tế. Đặc biệt, khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hay chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại, thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp; nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm. Đây là những quan điểm thể hiện tính nhân văn sâu sắc và chính sách khuyến khích tài năng, nhân tài; cũng đồng thời cho thấy sự thấu hiểu, cảm thông đối với đội ngũ cán bộ thông qua những quy định cụ thể trong việc chia sẻ rủi ro, xem xét trách nhiệm trên tinh thần bảo vệ các nhân tố mới, nhân tố tích cực.

Như vậy, tinh thần bảo vệ cán bộ là rất quyết liệt, mạnh mẽ, nhưng nó chỉ hiện thực “khi và chỉ khi” cán bộ thật sự đề xuất đổi mới, sáng tạo “vì lợi ích chung”, chứ không phải sự sáng tạo vì lợi ích nhóm hay quyền bính cá nhân. Có nghĩa là những cán bộ sáng tạo, đột phá, “xé rào” vì nước, vì dân, vì lợi ích của tập thể, cộng đồng thì mới được Đảng, Nhà nước và khuôn khổ pháp lý, pháp luật bảo vệ đến tận cùng. Còn ngược lại, Đảng sẽ nghiêm khắc xử lý mạnh mẽ, như Kết luận số 14-KL/TW đã chỉ rõ: “Xử lý nghiêm việc lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước”.

Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị được nhiều nhân sĩ, trí thức, các nhà khoa học đánh giá rất cao, xem đây là “liều thuốc” kịp thời và hữu hiệu giúp cán bộ cởi bỏ tâm lý sợ sai trong thực hiện các nhiệm vụ; đồng thời kỳ vọng cơ chế khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm phải là việc làm thường xuyên của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và cả hệ thống chính trị, để hoàn thiện những chính sách bảo vệ người dũng cảm trong đấu tranh với sự sai trái, dám đương đầu với thử thách, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; giúp một bộ phận cán bộ còn tâm lý e dè, ngại ngần, sợ sai... mạnh dạn hơn khi được sống, được cống hiến bằng tài năng thật, việc làm thật của mình./.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét