Quyền được thông tin và tự do tiếp cận thông tin luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam chú trọng, bởi đây là một trong những quyền cơ bản của con người. Thế nhưng với bản chất của kẻ phản động, Nguyên Anh đã hồ đồ phán xét rằng, Đảng ta đã “ngăn chặn người dân tiếp cận được luồng thông tin chính thống từ nước ngoài, nếu có đưa tin về những sự kiện thế giới cũng đều được kiểm duyệt và phát ra thông tin một chiều nhằm có lợi cho Đảng”. Luận điệu trên của Nguyên Anh hoàn toàn là bịa đặt vô căn cứ, trắng trợn xuyên tạc việc bảo đảm quyền được thông tin và tự do tiếp cận thông tin của người dân ở Việt Nam. Hành động ấy đã lộ rõ ý đồ, bản chất phản động của Nguyên Anh đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Sự thật bảo đảm quyền được thông tin và tự do tiếp cận thông tin của người dân ở Việt Nam đã bác bỏ hoàn toàn luận điệu sai trái này.
Chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước Việt Nam là khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân được thông tin; khai thác, sử dụng internet để tiếp cận thông tin nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, hỗ trợ cải cách hành chính, nâng cao chất lượng cuộc sống và thực hiện các quyền tự do cơ bản của nhân dân. Với chủ trương đúng đắn ấy, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về bảo đảm quyền được thông tin và tự do tiếp cận thông tin của người dân. Những thành tựu ấy trước hết được thể hiện ở việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm tốt hơn quyền được thông tin và tự do tiếp cận thông tin của người dân, trong đó có những luật, nghị định như: Luật Báo chí 2016; Luật Tiếp cận thông tin 2016; Luật An ninh mạng 2018; Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về “Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng”… Tất cả những văn bản luật ấy đều tuân thủ nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa, theo đúng Hiến pháp năm 2013, vừa bảo đảm quyền được thông tin và tự do tiếp cận thông tin của người dân, vừa bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong bảo vệ bí mật Nhà nước, chống việc lộ, lọt bí mật thông tin.
Bên cạnh đó, Nghị định 13/2018/NĐ-CP ngày 23/1/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Tiếp cận thông tin đã chỉ rõ: “Các cơ quan chức năng phải có các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi để người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin”. Đối với thông tin liên quan trực tiếp tới đời sống, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người khuyết tật phải được kịp thời công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng dưới các hình thức cung cấp thông tin thuận lợi cho người khuyết tật; tạo điều kiện cho người yêu cầu cung cấp thông tin sử dụng các thiết bị nghe, nhìn, các thiết bị phụ trợ và các phương tiện kỹ thuật khác của cá nhân để tiếp cận thông tin theo yêu cầu…
Nhằm bảo đảm quyền được tiếp nhận thông tin của người dân, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, trong đó có việc phát triển báo chí, truyền thông. Để tăng cường tính công khai, minh bạch thông tin, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế về cơ chế phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo các quy định của pháp luật và hoạt động báo chí hiện hành… Đặc biệt, định hướng phát triển báo chí theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện đã tạo ra khả năng to lớn cho việc truyền tải thông tin của các cơ quan báo chí, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền được thông tin và tiếp nhận thông tin của nhân dân. Những thông tin được các cơ quan báo chí, truyền thông truyền tải đa chiều đã mang lại lợi ích cho mọi người dân, chứ không phải chỉ mang lại “lợi ích cho Đảng” như lời Nguyên Anh đã bịa đặt, rêu rao.
Thiết nghĩ, với những người có lương tri luôn nhận thấy, quyền được thông tin và tự do tiếp cận thông tin của người dân ở Việt Nam luôn được bảo đảm đầy đủ. Chỉ có những kẻ phản động như Nguyên Anh mới tung hỏa mù, bịa đặt vô căn cứ về quyền được thông tin và tự do tiếp cận thông tin của người dân ở Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét