Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2021

NHÀ NƯỚC LUÔN QUAN TÂM ĐẾN TÍN NGƯỠNG TÔN GIÁO CỦA NGƯỜI DÂN

          Thời gian qua, một số tổ chức và cá nhân luôn tìm cách sử dụng vấn đề tôn giáo để chống phá Việt Nam về dân chủ, nhân quyền. Luận điệu mà họ đưa ra là vu cáo Việt Nam đàn áp tôn giáo, vi phạm quyền “tự do tôn giáo” của người dân; đòi tách tôn giáo khỏi sự quản lý của Nhà nước, yêu cầu chính quyền không kiểm soát, kiểm duyệt các tôn giáo, cho phép tôn giáo được tự do hoạt động.

Họ nêu ra các vấn đề rằng, “nhiều văn bản pháp luật Việt Nam về tôn giáo, dân tộc không tương đồng với Công ước quốc tế về quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”. Thậm chí, họ còn trắng trợn phê phán, xuyên tạc “Luật tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam là tạo ra cơ sở pháp lý để đàn áp, bóp nghẹt tôn giáo”; “là bước thụt lùi về tự do tôn giáo”.

Thực tế cho thấy, không thể có quyền tự do tôn giáo tuyệt đối. Xét về bản chất, tôn giáo là một tổ chức tập hợp những người tin theo một đối tượng tôn thờ, được sắp xếp theo cơ cấu nhất định. Mọi tổ chức tồn tại, hoạt động trong xã hội đều phải chịu sự quản lý, giám sát của Nhà nước, tuân thủ quy định của pháp luật. Do vậy, các tôn giáo phải chịu sự quản lý của Nhà nước, phải chấp hành quy định của pháp luật. Việc ban hành các văn bản pháp luật để tiến hành quản lý nhà nước đối với các tôn giáo là nhu cầu tất yếu, khách quan của mọi quốc gia trên thế giới.

Điều 18 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị quy định: “Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật và khi sự giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội hoặc để bảo vệ quyền và tự do cơ bản của người khác”.

Ở nhiều nước trên thế giới, hoạt động tôn giáo cũng phải tuân thủ luật pháp như: Điều 26, Luật của Cộng hòa Pháp về tách Giáo hội khỏi Nhà nước quy định: “Việc tụ tập để thực hiện các nghi lễ tôn giáo phải báo cáo và chịu sự kiểm soát của các cơ quan chính quyền có chức năng gìn giữ trật tự công cộng. Ở những nơi chuyên vào việc thờ tự và thực hành nghi lễ tôn giáo cấm việc hội họp có tính chất chính trị”. Điều 27 quy định: “Các nghi lễ, các cuộc rước tôn giáo tiến hành bên ngoài khu vực nhà thờ và việc kéo chuông phải tuân theo những quy định của chính quyền tỉnh, thành phố”.

Ở Mỹ, hoạt động của các tổ chức tôn giáo được quản lý theo luật pháp của các bang. Luật của các bang quy định về hoạt động tôn giáo có những điểm khác nhau về chi tiết, song nhìn chung đều dựa trên yêu cầu thống nhất trong toàn liên bang như: Việc đăng ký thủ tục bắt buộc đối với các tổ chức tôn giáo trong toàn liên bang, lệ phí phải nộp cho chính quyền về việc đăng ký là 15 đô la; các cơ quan chính quyền của bang trực tiếp thi hành việc giám sát các hoạt động của các tổ chức tôn giáo trên địa bàn hành chính của bang. Chỉ sau khi được chính quyền xem xét, đồng ý cho phép thành lập thì các tổ chức tôn giáo mới được phép hoạt động và có tư cách pháp nhân.

Tại Việt Nam, quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của người dân được đảm bảo. Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về tôn giáo, trong đó đều khẳng định “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân”; “Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”; “Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật. Các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, bình đẳng trước pháp luật”.

Thể chế hóa các quan điểm của Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo như Hiến pháp năm 2013, Luật Tín ngưỡng tôn giáo năm 2016, Nghị định số 162/NĐ-CP ngày 31/12/2017 về biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng tôn giáo... Trong các văn bản pháp luật này đều khẳng định Nhà nước tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Điều 24, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật”. Điều 3, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định: “Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật”.

Lợi dụng tôn giáo để chống phá Việt Nam về dân chủ, nhân quyền là hoạt động xuyên suốt của những tổ chức, cá nhân và quốc gia thiếu thiện chí với Việt Nam. Trong khi thực tiễn là Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của người dân; nỗ lực bảo đảm cho các tôn giáo được hoạt động bình thường trong khuôn khổ pháp luật.

HVT

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét