Xuất bản, tán phát các ấn phẩm, tài liệu có nội dung xuyên tạc, bóp méo sự thật để hạ thấp uy tín Việt Nam trên trường quốc tế là một trong những phương thức hoạt động chủ yếu của các thế lực thù địch; trong đó, chúng tập trung phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì vậy, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động thâm độc, nguy hiểm này là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay.
Nhằm xóa bỏ chủ nghĩa Mác - Lê-nin,
tư tưởng Hồ Chí Minh, tiến tới thủ tiêu sự lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội
chủ nghĩa ở nước ta, các thế lực thù địch đã và đang tăng cường chống phá bằng
nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, thâm độc. Trong đó, chúng đặc biệt coi
trọng việc xuất bản, tán phát các ấn phẩm, tài liệu để tuyên truyền, xuyên tạc
tình hình thực tế của đất nước, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền,
đàn áp dân tộc, tôn giáo,... gây mâu thuẫn, chia rẽ nhân dân với Đảng, chính
quyền, phá vỡ sự đồng thuận xã hội. Đồng thời, làm suy giảm lòng tin của quần
chúng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và tính ưu việt của chế
độ xã hội chủ nghĩa; kích động các đối tượng cơ hội, bất mãn trong nước hoạt
động chống đối và khi có thời cơ lôi kéo quần chúng vào các cuộc bạo loạn chính
trị. Qua nghiên cứu, có thể phân loại các ấn phẩm, tài liệu chính như sau:
Các văn bản
pháp lý của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ (NGO) gửi Hội đồng Nhân
quyền Liên hợp quốc, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng của Việt
Nam với nội dung phản ánh sai lệch tình hình trong nước, như: Thông cáo báo chí
của tổ chức Ân xá Quốc tế (AI), Kháng thư của Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW).
Các chương
trình phát thanh, phát hình bằng tiếng Việt định kỳ của các hãng VOA, RFA,
RFI,… có nội dung cập nhật mặt trái của tình hình dân chủ, nhân quyền trong
nước, nhưng được xuyên tạc, thổi phồng hoặc tô đậm những yếu kém, vi phạm của
chính quyền các cấp trong giải quyết các vụ việc phức tạp liên quan đến tôn
giáo, dân tộc; xử lý các đối tượng lợi dụng tự do báo chí, tự do ngôn luận để
vu cáo, rêu rao Việt Nam vi phạm nhân quyền, đàn áp tôn giáo,…
Tuy nhiên, công tác phòng ngừa, đấu
tranh, ngăn chặn hoạt động tán phát ấn phẩm, tài liệu xuyên tạc tình hình ở
Việt Nam còn nhiều hạn chế. Công tác nắm tình hình có lúc, có nơi còn thụ động;
công tác quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản, in-tơ-nét còn nhiều bất cập. Hệ
thống pháp luật trên lĩnh vực này chưa được hoàn thiện, bộc lộ nhiều sơ hở để kẻ
địch lợi dụng. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phòng ngừa, đấu
tranh chưa thường xuyên, nặng hình thức. Tình trạng vi phạm định hướng tuyên
truyền và các quy định trong việc đăng thông tin, bài viết nhạy cảm, tán phát
trên phương tiện thông tin đại chúng có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức
tạp. Tổ chức bộ máy làm công tác bảo vệ, đấu tranh trên lĩnh vực này còn thiếu,
trình độ kỹ thuật chuyên môn, nghiệp vụ chưa chuyên sâu; việc xử lý vi phạm
chưa đủ sức răn đe.
Để nâng cao hiệu quả đấu tranh, ngăn
chặn hoạt động tán phát ấn phẩm, tài liệu chống phá Việt Nam của các thế lực
thù địch, cần tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:
Một là, các cơ quan chức năng cần
tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong nắm tình hình, phát hiện kịp thời, chủ động
đấu tranh. Cần phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho
cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực
thù địch, nhất là việc xuất bản, tán phát các tài liệu xấu độc chống phá cách
mạng Việt Nam. Sự phối hợp cần được thực hiện thường xuyên, nhưng tập trung vào
thời điểm các thế lực bên ngoài chuẩn bị ra các loại văn bản, tài liệu, xuất
bản các ấn phẩm, mở các chiến dịch tán phát tài liệu phản động vào nước ta để
chủ động đấu tranh, ngăn chặn. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, tác động trực
tiếp đến hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động này. Do vậy,
chúng ta cần chủ động nắm tình hình ngay từ bên ngoài, đi sâu vào trung tâm phá
hoại tư tưởng của các thế lực thù địch để có các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn
kịp thời ngay khi mưu đồ của chúng mới manh nha.
Hai là, tiếp tục xây dựng, hoàn
thiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực thông tin - truyền thông, xuất
bản, báo chí, quản lý in-tơ-nét. Đây là yêu cầu khách quan của quá trình xây
dựng, phát triển và hội nhập quốc tế. Do vậy, cần chủ động rà soát lại hệ thống
pháp luật hiện hành, xác định những quan hệ xã hội nảy sinh trên lĩnh vực này
chưa được pháp luật điều chỉnh để kiến nghị Nhà nước xây dựng, ban hành mới văn
bản pháp luật, góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị
trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động xuất bản, tán phát tài liệu,
ấn phẩm của các thế lực thù địch mang nội dung xấu độc. Việc xây dựng và hoàn
thiện hệ thống pháp luật cần phải được tiến hành khẩn trương, thể chế hóa kịp
thời, đầy đủ, đúng đường lối của Đảng; đồng thời, phải quán triệt đầy đủ tinh
thần của các nguyên tắc cơ bản của pháp luật xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường
pháp lý thuận lợi cho việc đấu tranh, ngăn ngừa với những hoạt động chống phá
Việt Nam.
Ba là, nâng cao hiệu quả công tác
quản lý nhà nước trong lĩnh vực thông tin - truyền thông, xuất bản, báo chí,
quản lý in-tơ-nét. Tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành các chỉ thị, nghị quyết
về tiếp tục đẩy mạnh phối kết hợp giữa các ban, bộ, ngành chức năng trong công
tác phòng ngừa, đấu tranh; có cơ chế kiểm tra, giám sát đối với nhiệm vụ này.
Tăng cường quản lý các dự án hợp tác trên lĩnh vực bưu chính, viễn thông, hoạt
động xuất, nhập khẩu văn hóa phẩm; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh sai phạm
trong hoạt động kinh doanh, kiểm tra, phát hiện các trang web, blog có nội dung
xấu, độc hại để xử lý, ngăn chặn kịp thời. Thông qua hợp tác quốc tế, cần tranh
thủ sự ủng hộ của các chính khách, các tổ chức quốc tế nhằm tác động chuyển hóa
thái độ số đối tượng chống đối theo hướng tích cực, góp phần hạn chế việc ủng
hộ ra các nghị quyết, dự luật xuyên tạc dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Định kỳ
tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả để có biện pháp nâng cao hiệu quả
đấu tranh đối với thủ đoạn này.
Bốn là, thường xuyên ứng dụng các
thành tựu khoa học - công nghệ mới, trang bị các phương tiện thiết bị hiện đại,
nhằm phục vụ hiệu quả công tác quản lý, kiểm duyệt, kiểm tra trong lĩnh vực
quản lý báo chí, thông tin - truyền thông, xuất bản, in-tơ-nét, đáp ứng kịp
thời yêu cầu công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động lợi dụng khoa học
- công nghệ để xuất bản, tán phát các tài liệu, ấn phẩm chống phá Việt Nam. Các
cơ quan chủ quản trong lĩnh vực báo chí, thông tin - truyền thông, xuất bản cần
thường xuyên bổ sung, củng cố tổ chức nhân sự, nâng cao kiến thức, trình độ
chuyên môn, giỏi về nghiệp vụ, đáp ứng kịp thời yêu cầu do tình hình công tác
đặt ra.
Năm là, phải tạo ra các điều kiện
thuận lợi, những mặt tích cực và hạn chế những mặt tiêu cực ở trong nước, nhằm
không để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá. Trước hết, phải xây dựng Đảng
vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; xây dựng Nhà nước pháp
quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; đề cao vai trò
của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc quản lý và xây dựng đất nước.
Cùng với đó, cần tăng cường phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã
hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Chủ động nắm tình hình,
giải quyết kịp thời và dứt điểm các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện đất đai, các
vụ đình công, lãn công, đòi cơ sở thờ tự tôn giáo, không để hình thành “điểm
nóng” để các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lợi dụng thổi phồng, xuyên tạc
tình hình, can thiệp, đưa yêu sách, làm phức tạp tình hình an ninh chính trị,
trật tự, an toàn xã hội trên các địa bàn.
Thực hiện
đồng bộ các giải pháp trên sẽ thiết thực ngăn chặn, đầy lùi sự tán phát ấn
phẩm, tài liệu xấu độc vào nước ta, góp phần làm thất bại mưu đồ chống phá của
các thế lực thù địch, giữ vững sự ổn định chính trị, bảo vệ Đảng, chế độ và Tổ
quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét