Thứ Tư, 17 tháng 11, 2021

LẠI THÊM LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VỀ INTERNET Ở VIỆT NAM

Gần đây trên mạng xã hội có bài viết: “Việt Nam vẫn không có tự do Internet” với những nhận định, đánh giá vô căn cứ, không có cơ sở, vu cáo “Tự do Internet ở Việt Nam tiếp tục ở trong tình trạng tồi tệ và gây thất vọng”. Sự thật không phải như vậy: Một là, Internet phát triển đã trở thành một phần cuộc sống của người dân Việt Nam. Ngày 19/11/1997 Internet chính thức được cung cấp cho người dân Việt Nam, kể từ đó độ bao phủ của Internet đã không ngừng mở rộng cả diện lẫn chất lượng, trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống của người dân Việt Nam. Theo báo cáo hiện nay, Việt Nam là 1 trong 20 nước có tỉ lệ sử dụng Internet nhiều nhất thế giới với 68,17 triệu người dùng (chiếm 70% dân số). Khoảng 94% người dùng Việt Nam sử dụng Internet thường xuyên với thời gian sử dụng trung bình lên tới 6 tiếng mỗi ngày. Theo báo cáo EGDI của Liên Hợp Quốc, về chỉ số phát triển chính phủ điện tử, Việt Nam có điểm số cao hơn mức trung bình của châu Á và thế giới; tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam hiện xếp thứ 6 về chỉ số phát triển chính phủ điện tử, sau Philippines, Brunei, Thái Lan, Malaysia và Singapore; về chỉ số hạ tầng viễn thông, trong năm qua, Việt Nam đã tăng 31 bậc, đứng thứ 69 thế giới. Nhờ có Internet mà người dân Việt Nam được tiếp cận các dịch vụ rất nhanh chóng và hữu ích; giúp cho việc tra cứu, tìm hiểu, học tập, truyền bá kiến thức, công nghệ thông tin được thuận tiện hơn. Internet phát triển còn góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh, thiên nhiên đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè thế giới, thu hút được nhiều du khách đến thăm quan, du lịch. Qua đó, giúp cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài hiểu sâu sắc về tình hình đất nước, góp phần xây dựng và phát triển đất nước bền vững; đồng thời đấu tranh, phản bác những thông tin sai sự thật, luận điệu xuyên tạc về Việt Nam. Hai là, Đảng, Nhà nước luôn tôn trọng, tạo điều kiện cho công dân được tiếp cận Internet theo quy định của pháp luật. Những năm qua Đảng, Nhà nước Việt Nam tạo mọi điều kiện để Internet phát triển, hướng tới phổ cập Internet toàn dân. Những chính sách hiện hành cũng như định hướng phát triển Internet của Việt Nam đều hướng đến tôn trọng mọi cá nhân được tiếp cận Internet, bày tỏ chính kiến trên không gian mạng, tự do ngôn luận hoàn toàn không bị hạn chế nếu chấp hành các quy định của pháp luật. Đảng, Nhà nước Việt Nam không cấm sự phát triển của mạng Internet, mà chỉ nghiêm cấm việc lợi dụng Internet để xâm phạm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước, trái với bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc, cản trở sự phát triển xã hội. Điều 25 Hiến pháp 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Khoản 3 Điều 4 Luật An ninh mạng 2018 xác định: “Kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ bảo vệ an ninh mạng, bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia với nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trên không gian mạng”. Những thông tin tốt, ý tưởng hay được chia sẻ trên Internet được Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam khuyến khích phát triển, biểu dương, khen thưởng và tôn vinh. Ngược lại, những hành vi lợi dụng Internet để chống phá cách mạng, gây hoang mang trong nhân dân sẽ bị nghiêm trị theo đúng quy định của pháp luật. Internet đã và đang giúp người dân Việt Nam đồng hành cùng với Đảng, Nhà nước trên con đường phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, trước sự phát triển ngày càng mạnh của Internet hiện nay, mỗi người cần nhận thức đầy đủ mặt tích cực và tiêu cực của Internet để góp phần làm trong sạch môi trường Internet, nhân dân càng thêm quý trọng, tin tưởng vào Đảng. Đó cũng là bằng chứng mạnh mẽ để bác bỏ luận điệu của các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc về Internet ở Việt Nam./. Nguồn: Nhanvanviet.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét