Cần kiên trì vạch trần, phản bác và bác bỏ các luận điệu sai trái biên giới, lãnh thổ.
Phóng viên (PV): Từng nhiều năm làm việc liên quan đến vấn đề biên giới, lãnh thổ và đã tham gia các cuộc đàm phán hoạch định biên giới trên đất liền, đề nghị ông cho biết những thành quả mà Việt Nam đã đạt được trên lĩnh vực này?
TS Trần Công Trục: Đến nay, việc giải quyết vấn đề biên giới đất liền giữa Việt Nam với 3 nước láng giềng có chung đường biên giới là Lào, Trung Quốc và Campuchia thu được những thành quả rất quan trọng, không chỉ có ý nghĩa về chính trị trong quan hệ quốc tế hiện nay mà còn có giá trị pháp lý, kinh tế, quốc phòng, an ninh của quốc gia.
Quá trình này được triển khai theo nguyên tắc pháp lý mà các bên đã thỏa thuận dùng làm căn cứ duy nhất để xử lý tất cả nội dung cần thực hiện trong các giai đoạn: Hoạch định biên giới, phân giới cắm mốc và quản lý biên giới, mốc quốc giới mới.
Về giải quyết vấn đề biên giới đất liền với Trung Quốc: Tháng 12-1999, Việt Nam và Trung Quốc chính thức ký Hiệp ước hoạch định biên giới, được Quốc hội hai nước phê chuẩn trong năm 2000.
Dựa vào hiệp ước này, từ tháng 12-2001, hai bên tiến hành phân giới, cắm mốc và đến cuối năm 2008, công tác phân giới, cắm mốc cơ bản hoàn thành.
Kết quả, chiều dài biên giới chính xác là 1.449,566km, trong đó có 383,914km đường biên giới đi theo sông, suối, cắm được 1.970 cột mốc, trong đó có 1.548 cột mốc chính, 422 cột mốc phụ.
Sau khi hoàn thành việc phân giới, cắm mốc biên giới đất liền, để hợp tác bảo vệ, quản lý biên giới và mốc quốc giới, năm 2009, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Hiệp định quản lý biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc và Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc; năm 2015, hai bên chính thức ký kết Hiệp định tàu thuyền đi lại tự do ở cửa sông Bắc Luân và Hiệp định hợp tác, khai thác và bảo vệ tài nguyên du lịch thác Bản Giốc.
Về giải quyết vấn đề biên giới đất liền với Campuchia: Ngày 27-12-1985, hai bên ký chính thức Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa Việt Nam và Campuchia. Ngày 10-10-2005, hai bên ký chính thức Hiệp ước giữa Việt Nam và Campuchia bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985.
Ngày 5-10-2019, tại Hà Nội, hai bên ký chính thức hai văn kiện nhằm ghi nhận khoảng 84% thành quả phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền.
Như vậy, sau hơn 36 năm đàm phán, hai nước đã có khoảng 84% chiều dài đường biên giới được phân giới, cắm mốc và được ghi nhận rõ ràng trên hồ sơ pháp lý cũng như trên thực địa với một hệ thống mốc biên giới khang trang, chính quy, hiện đại và bền vững.
Lãnh thổ, biên giới quốc gia đã trở thành vấn đề thiêng liêng, rất nhạy cảm và luôn được quan tâm đặc biệt bởi mọi tầng lớp nhân dân. Ảnh minh họa:Tạp chí Cộng sản |
Về giải quyết vấn đề biên giới đất liền Việt Nam-Lào: Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Việt Nam và Lào đã được ký kết ngày 18-7-1977.
Đến tháng 6-1981, hai bên đã phân giới trên thực địa và cắm mốc xong 95% đường biên giới Việt Nam-Lào. Ngày 16-10-1987, hai bên đã ký Nghị định thư bổ sung ghi nhận toàn bộ kết quả công tác phân giới, cắm mốc theo Hiệp ước bổ sung, kèm theo toàn bộ các văn bản pháp lý của quá trình này, kết thúc quá trình phân giới, cắm mốc toàn bộ đường biên giới Việt Nam-Lào.
Từ tháng 5-2008, hai nước chính thức triển khai Kế hoạch tổng thể thực hiện công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào nhằm mục đích hoàn thiện hệ thống mốc quốc giới giữa hai nước theo hướng chính xác, hiện đại, bền vững và thống nhất trên toàn tuyến biên giới, trong đó ưu tiên cắm mốc ở khu vực có cửa khẩu và khu vực có đường giao thông thuận lợi đi qua nhằm tăng cường hợp tác, giao lưu phát triển kinh tế và ổn định trật tự an toàn xã hội vùng biên giới....
Có được thành quả nói trên, yếu tố tiên quyết là Việt Nam đã cùng với các quốc gia láng giềng giải quyết vấn đề biên giới, lãnh thổ hoàn toàn dựa theo các nguyên tắc hiện hành và phổ biến của luật pháp và thực tiễn quốc tế, theo phương thức đàm phán hòa bình đã được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc.
PV: Vậy tại sao vẫn có những người thường xuyên đưa ra những “phán xét” nhằm phủ nhận hoặc cố tình làm sai lệch những thành quả ấy?
TS Trần Công Trục: Giải quyết tranh chấp biên giới, lãnh thổ giữa các quốc gia là vấn đề cực kỳ phức tạp, phụ thuộc vào quá trình hình thành các quốc gia theo sự biến động không ngừng của luật pháp và tập quán quốc tế, qua các giai đoạn phát triển của lịch sử nhân loại.
Lãnh thổ, biên giới quốc gia đã trở thành vấn đề thiêng liêng, rất nhạy cảm và luôn được quan tâm đặc biệt bởi mọi tầng lớp nhân dân. Vì vậy, đây là một trong những nội dung thường được các thế lực thù địch khai thác, lợi dụng nhằm rắp tâm phá hoại sự ổn định về chính trị-xã hội ở Việt Nam.
Các đối tượng này đã và đang sử dụng nhiều hình thức và thủ thuật rất tinh vi, xảo hoạt, cố tình tung ra những thông tin và những tư liệu lịch sử, kỹ thuật không có tính pháp lý để "mê hoặc" và đánh lừa dư luận.
Cũng cần nói thêm rằng, muốn giải quyết được vấn đề biên giới, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ và dựa trên tinh thần hết sức cầu thị, cái gì đúng thì chúng ta kiên quyết bảo vệ; cái gì sai chúng ta phải điều chỉnh.
Có như vậy đàm phán mới có kết quả, nguyên tắc pháp lý mới được tôn trọng. Thực tế cho thấy, đại đa số người dân cũng như công luận quốc tế, khu vực và ngay cả các quốc gia láng giềng tham gia đàm phán với chúng ta đều hoan nghênh thái độ cầu thị này.
Cá nhân tôi mong muốn thông qua quá trình trao đổi, đối thoại để thu hẹp khoảng cách trong nhận thức xã hội về vấn đề biên giới, lãnh thổ quốc gia, tạo nên sự đồng thuận, củng cố sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và sự đồng lòng, giúp sức của người dân, bạn bè quốc tế trong công cuộc bảo vệ chủ quyền và các quyền hợp pháp của quốc gia, dân tộc.
PV: Nhắc đến bảo vệ chủ quyền, biên giới quốc gia không thể không nhắc tới vai trò của người dân, đặc biệt là người dân ở khu vực giáp biên. Theo ông, vai trò đó cần được phát huy bằng cách nào?
TS Trần Công Trục: Muốn bảo vệ, quản lý biên giới hiệu quả và vững bền thì phải dựa vào dân, lấy nhân dân làm trung tâm trong phát triển kinh tế, ổn định chính trị-xã hội ở biên cương. Vì vậy, phải ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, văn hóa, xã hội nơi vùng cao, biên giới. Đó cũng là một trong những chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Bên cạnh đó, để phát huy vai trò của người dân trong bảo vệ, quản lý biên giới không thể chỉ dừng lại ở những chỉ thị, nghị quyết mà điều cốt lõi là phải bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, thông qua các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội thực tế và khả thi. Trước hết, cần phải đổi mới nhận thức và thay đổi tư duy về công tác quản lý biên giới sao cho phù hợp với những biến đổi về kinh tế-xã hội và quan hệ chính trị quốc tế hiện nay.
Cùng với sự phát triển của quan hệ quốc tế trong kỷ nguyên hội nhập, hợp tác, phát triển vì lợi ích chung của nhân loại, việc bảo vệ, quản lý biên giới cũng đã có chuyển biến mới về tư duy và phương thức hành xử trên thực tế.
Một mặt phải có chính sách khuyến khích người dân ra sinh sống, phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, an ninh, củng cố chính hệ thống chính trị ở khu vực biên giới một cách ổn định, bền vững, lâu dài; mặt khác cũng cần tỉnh táo, cảnh giác với chiến lược “sức mạnh mềm”, “biên giới mềm” đã và đang triển khai dưới nhiều hình thức khác nhau.
PV: Hiện nay, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin, ý kiến mang tính quy chụp, sai lệch và đi ngược với quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
TS Trần Công Trục: Đúng là hiện nay, trên mạng xã hội vẫn còn những ý kiến băn khoăn, thậm chí phủ nhận hoặc cố tình xuyên tạc những thành quả của quá trình giải quyết vấn đề biên giới, lãnh thổ giữa Việt Nam với các nước láng giềng.
Đối tượng đưa ra những ý kiến kiểu này có thể được chia thành 3 nhóm: Các thế lực phản động, chống phá, âm mưu lật đổ Đảng và Nhà nước Việt Nam; các phần tử cơ hội chính trị thường dùng thủ đoạn bôi nhọ hòng hạ thấp vai trò, uy tín của một số lãnh đạo Đảng và Nhà nước; cán bộ, nhân dân xuất phát từ động cơ luôn quan tâm và đau đáu với vấn đề lãnh thổ, biên giới quốc gia, song lại thiếu thông tin và bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các thông tin sai lệch đang lan tràn trên các trang mạng xã hội.
Đáng chú ý, nhóm đối tượng thứ nhất và thứ hai đang lợi dụng tính phức tạp, nhạy cảm của vấn đề biên giới, lãnh thổ quốc gia để phục vụ cho mục đích chính trị đen tối.
Thường thì các đối tượng này sử dụng vấn đề biên giới, lãnh thổ, cùng với vấn đề tôn giáo, sắc tộc, nhân quyền để kích động, lôi kéo công chúng nhằm mục đích chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, chia rẽ lãnh đạo Đảng, Nhà nước với nhân dân, chia rẽ mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước láng giềng, từ đó tạo nên môi trường xã hội, chính trị bất ổn để dễ bề thực hiện mưu đồ chính trị của mình.
Với nhóm đối tượng này, chúng ta phải luôn luôn đề cao cảnh giác, có biện pháp ngăn chặn và vạch trần những sai trái trong các luận điệu của họ, nhất là những luận điệu núp dưới hình thức là những thông tin, công trình nghiên cứu khoa học, kỹ thuật...
Các cơ quan truyền thông và các cơ quan chức năng cũng cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, cung cấp một cách công khai, minh bạch những thông tin có liên quan đến quá trình giải quyết vấn đề biên giới, lãnh thổ quốc gia; kịp thời phản biện, ngăn chặn những thông tin giả...
Đồng thời, mỗi người dân phải luôn tỉnh táo, không để dễ dàng bị "mê hoặc" bởi những luận điệu xuyên tạc như đã nói ở trên.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
VŨ HÙNG (thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét