Thứ Năm, 18 tháng 11, 2021

Luận điệu phản động của Mai Hoa Kiếm

 

Mới đây, trên trang mạng xã hội Mai Hoa Kiếm có giật tít: “Chiếc áo cộng sản” bao giờ được cởi ra và vứt đi?”. Trong bài viết, y đưa ra nhiều thông tin sai sự thật, bóp méo tình hình đất nước, xuyên tạc, phủ nhận những giá trị tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam khi cho rằng: “con đường đi lên XHCN đã, đang và sẽ là nỗi kinh hoàng đối với dân tộc Việt Nam”. Đây là một luận điệu hết sức phản động, cho thấy dã tâm chống phá Đảng, Nhà nước ta, chống phá con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của Mai Hoa Kiếm. Song, luận điệu phản động của y bị lịch sử và thực tiễn sống động ở Việt Nam hiện nay bác bỏ. Bởi lẽ:

Thứ nhất, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội đã đưa nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người tự do của một đất nước độc lập.

Từ khi thực dân Pháp xâm lược, nhân dân Việt Nam đã trải qua biết bao khổ đau, cơ cực nên đã thấy rõ bản chất áp bức, bóc lột, bất công, tàn bạo của chủ nghĩa tư bản. Các phong trào yêu nước đã dấy lên hết sức mạnh mẽ nhưng đều bị thất bại, cho đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời với chủ trương: làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản. Từ đây, cách mạng Việt Nam được đặt trong quỹ đạo cách mạng vô sản; là một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Sự lựa chọn con đường cách mạng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội của Đảng phản ánh sự lựa chọn khách quan của chính thực tiễn – lịch sử, phù hợp với sự vận động của cách mạng Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại, đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu bức thiết của đại đa số các tầng lớp nhân dân Việt Nam. Với đường lối cách mạng đúng đắn thực hiện độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, Đảng đã lãnh đạo nhân dân đứng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc năm 1945, thống nhất đất nước năm 1975, đưa nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người tự do, làm chủ vận mệnh của đất nước và của chính bản thân mình.

Thứ hai, đi lên chủ nghĩa xã hội là nhu cầu, khát vọng của nhân dân Việt Nam hiện nay

 Nhân dân Việt Nam đã trải qua một quá trình đấu tranh cách mạng lâu dài, khó khăn, đầy gian khổ hy sinh để chống lại ách đô hộ và sự xâm lược của thực dân, đế quốc để bảo vệ nền độc lập dân tộc và chủ quyền thiêng liêng của đất nước, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Ước mơ, khát vọng ngàn đời của người dân Việt Nam là: Tổ quốc độc lập, hòa bình, thống nhất, phát triển, nhân dân có cuộc sống tự do, hạnh phúc. Trong giai đoạn hiện nay, ý chí, khát vọng của người dân Việt Nam vẫn là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; bảo vệ vững chắc nền độc lập, thống nhất của Tổ quốc, xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai với các nước trên thế giới, có vị thế xứng đáng trên bản đồ thế giới, có trách nhiệm cao trong giải quyết các vấn đề toàn cầu trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, hợp tác và phát triển.

Thứ ba, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa đã đem lại những chuyển biến tích cực, rõ rệt, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao ở Việt Nam.

Từ một đất nước nghèo nàn, lạc hậu, chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện và có ý nghĩa lịch sử, thay đổi đời sống mọi mặt của người dân: tăng trưởng kinh tế luôn đạt 6% đến 7%/năm (năm 2020, mặc dù kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao, đạt 2.91%); quy mô nền kinh tế đất nước năm 2020 đạt 341 tỉ đô la, vươn lên đứng thứ 4 ở khu vực Đông Nam Á và tốp 40 của thế giới; thu nhập bình quân đầu người đạt 2.779 đô la/người/năm; lạm phát ở mức thấp; đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện; tình hình chính trị và xã hội ổn định; quan hệ đối ngoại được mở rộng, vị thế, uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.

Tăng trưởng kinh tế luôn đi đôi với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển. Năm 2006, Việt Nam tuyên bố hoàn thành Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xóa bỏ tình trạng nghèo đói cùng cực và thiếu đói, về đích trước 10 năm. Tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước đã giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 2,75% năm 2020 (theo chuẩn nghèo đa chiều). Nhiều chỉ số về giáo dục phổ thông của Việt Nam được đánh giá cao trong khu vực, như: tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99% (đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN, sau Singapore); tỷ lệ học sinh đi học và hoàn thành chương trình tiểu học sau 5 năm đạt 92,08%, đứng ở tốp đầu của khối ASEAN. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam luôn ở nhóm các nước có chỉ số phát triển cao của thế giới, đứng thứ 117 trong số 189 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam cũng là nước nằm ở nhóm đầu về số năm không sống khỏe theo tỷ lệ phần trăm tuổi thọ (11,7%) và số giường bệnh (32 giường/100 nghìn dân). Trước sự bùng phát của đại dịch Covid-19 thời gian qua, với bao khó khăn, nhưng Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn giữ những nguyên tắc bất di, bất dịch, đó là ưu tiên sức khỏe và sự an toàn của người dân lên trên hết, trước hết. Mục tiêu ấy phù hợp lợi ích, nguyện vọng của nhân dân, được nhân dân đồng lòng, ủng hộ và được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Những thành tựu mà Việt Nam đạt được thời gian qua chứng minh rằng: phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa không những có hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết được các vấn đề xã hội tốt hơn nhiều so với các nước tư bản chủ nghĩa có cùng mức phát triển kinh tế. Nhân dân Việt Nam luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tin tưởng vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội – con đường mà Đảng, Bác Hồ, các thế hệ cha anh đã lựa chọn và đổ biết bao mồ hôi xương máu mới giành được.

Vì vậy, những luận điệu của Mai Hoa Kiếm đưa ra đã thể hiện rõ bộ mặt của kẻ phản động, chống phá cách mạng nước ta. Do đó, mọi người cần nâng cao cảnh giác và đấu tranh bác bỏ. Đồng thời, chúng ta luôn vững tin vào chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét