Muốn xây dựng một xã hội mới và tốt đẹp, thì cần phải tiêu diệt
những thói hư, tật xấu của xã hội cũ còn sót lại. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã
hội thì phải bồi dưỡng con người xã hội chủ nghĩa. Con người xã hội chủ nghĩa
là con người có đạo đức cần kiệm liêm chính , chí công vô tư, một lòng một dạ
phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Số đông cán bộ, đảng viên, đoàn viên, công
nhân, viên chức ta đều tận tụy và trong sạch. Cho nên chúng ta đã thu được
những thành tích trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Nhưng trong hàng ngũ ta vẫn còn một số người không tốt. Họ tham
ô và lãng phí của Nhà nước và của nhân dân.
Vì vậy, cuộc vận động này gồm có "ba xây", là xây
những cái tốt nói trên và "ba chống” là chống tham ô, lãng phí, quan liêu.
- Tham ô là hành động xấu xa nhất, tội lỗi, đê tiện nhất trong
xã hội. Tham ô là trộm cắp của công, chiếm của công làm của tư. Nó làm hại đến
sự nghiệp xây dựng nước nhà; hại đến công việc cải thiện đời sống của nhân dân;
hại đến đạo đức cách mạng của người cán bộ và công nhân.
- Lãng phí tuy khác với tham ô ở chỗ người gây ra lãng phí không
trực tiếp trộm cắp của công làm của riêng. Nhưng kết quả thì làm tổn hại rất
nghiêm trọng cho Nhà nước, cho nhân dân. Lãng phí có nhiều nguyên nhân. Hoặc vì
lập kế hoạch không chu đáo. Hoặc vì trong khi thực hiện kế hoạch tính toán
không cẩn thận. Hoặc vì bệnh hình thức, xa xỉ, phô trương. Hoặc vì thiếu tinh
thần bảo vệ của công. Nói tóm lại là vì thiếu ý thức trách nhiệm, thiếu ý thức
quý trọng sức của, sức người của Nhà nước và của nhân dân.
- Quan liêu là người cán bộ phụ trách nhưng xa rời thực tế, xa
rời quần chúng. Đối với công việc thì không điều tra nghiên cứu kỹ lưỡng. Chỉ
đạo thì đại khái, chung chung. Không lắng nghe ý kiến của quần chúng, tác phong
không dân chủ. Sợ phê bình và tự phê bình. Không giữ đúng nguyên tắc lãnh đạo
tập thể, phân công phụ trách. .. Vì vậy, ở đâu có bệnh quan liêu thì ở đó có
nạn tham ô, lãng phí.
"Ba xây" và “ba chống” quan hệ chặt chẽ với nhau. Làm
“ba chống” triệt để nhằm bảo đảm cho công việc “ba xây” thành công. "Ba
xây” phát triển mạnh mẽ thì đối tượng “ba chống” sẽ được xóa bỏ tận gốc.
Cuộc vận động này lấy giáo dục làm chính: khen ngợi những người
tốt, việc tốt; khuyến khích những người có khuyết điểm tự giác tự động cố gắng
sửa chữa để trở nên người tốt. Phải tiến hành khẩn trương, nhưng không nóng
vội. Làm nơi nào phải thật tốt nơi ấy, để rút kinh nghiệm phổ biến cho nơi
khác.
Để thực hiện tất cuộc vận động, cần chú ý mấy điểm sau đây:
- Phải kết hợp chặt chẽ cuộc vận động với phong trào thi đua yêu
nước.
- Phải liên hệ chặt chẽ giữa cấp trên với cấp dưới, giữa cán bộ,
đảng viên và quần chúng.
- Cán bộ (trước hết là cán bộ phụ trách), đảng viên, đoàn viên
phải gương mẫu, xung phong, thật thà tự phê bình và thành khẩn phê bình, có
khuyết điểm thì quyết tâm sửa chữa.
- Phải mạnh dạn phát động quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần
chúng.
- Đảng ủy các cấp phải lãnh đạo chặt chẽ cuộc vận động. Thủ
trưởng các ngành phải thật sự phụ trách cuộc vận động.
- Toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, công nhân, viên chức
phải hăng hái tham gia cuộc vận động với tinh thần phấn khởi và chí khí quyết
thắng.
Đây là một cuộc vận động to lớn, một cuộc vận động cách mạng. Nó
sẽ đưa lại một sự chuyển biến mạnh mẽ và sâu sắc về tư tưởng và tổ chức, về
chính trị và kinh tế. Cuộc vận động này kết quả tốt sẽ góp phần rất to lớn vào
sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc thành công và đấu tranh thực
hiện hòa bình thống nhất nước nhà thắng lợi. Vì vậy, Đảng đòi hỏi đảng ủy các
cấp, thủ trưởng các ngành và toàn thể anh chị em lao động chân tay cùng lao
động trí óc phải có quyết tâm và nghị lực thực hiện cuộc vận động này thắng lợi
hoàn toàn.
Nói ngày 27-7-1963.
Báo Nhân dân, số 3416, ngày 4-8-1963.
(Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.140-142).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét