Đố kỵ, ác cảm, vội vàng, thiếu thông tin là những nguyên nhân phổ biến dẫn tới những nhận định sai lầm, chính vì điều này mà mới đây luật sư Đặng Đình Mạnh đã có quan điểm hết sức phiến diện, sai lầm về tình hình tự do ngôn luận ở Việt Nam. Trong bài viết “khác với thế giới, xúc phạm lãnh đạo luôn là tội ‘hình sự’ ở Việt Nam” trên trang mạng Doithoaionline, Đặng Đình Mạnh cho rằng “Xứ ta (chỉ Việt Nam), lúc này nói lời nghịch nhĩ vì lòng ái quốc thật là khó quá” vì “khác với thế giới, xúc phạm lãnh đạo luôn là tội ‘hình sự’ ở Việt Nam”. Đưa ra quan điểm này, ông Đặng Đình Mạnh đã quá vội vàng, không tìm hiểu, suy nghĩ thấu đáo, đánh giá sai bản chất tình hình tự do ngôn luận ở Việt Nam vì:
Thứ nhất, thực tế nhà nước Việt Nam luôn quan tâm bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin. Việc đảm bảo mọi công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí trong khuôn khổ quy định của Hiến pháp và các quy định pháp luật là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam, được triển khai thực hiện trong thực tế trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tại Việt Nam, không ai bị bắt giữ và xét xử chỉ vì bày tỏ chính kiến hay bảo vệ nhân quyền. Chỉ có những đối tượng vi phạm pháp luật khi lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; tung tin giả, tin xấu, độc hòng gây bất ổn tình hình đất nước, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, gây hoang mang dư luận, phá hoại cuộc sống bình yên của Nhân dân… mới bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, việc Việt Nam quy định các chế tài xử phạt đối với các tội xúc phạm người khác là hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế và văn hóa truyền thống dân tộc cũng như ý chí, nguyện vọng của người dân Việt Nam. Tại Điều 19 của Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị đã quy định về tự do ngôn luận đồng thời cũng quy định việc tự do ngôn luận phải chịu một số hạn chế nhất định, được quy định trong pháp luật để: Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của xã hội. Như vậy, mặc dù quyền tự do ngôn luận được thế giới thừa nhận nhưng các quốc gia có quyền đưa ra các quy định cụ thể trong luật pháp của mình về quyền này để bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của xã hội, quyền lợi và uy tín của công dân ở mỗi nước. Như vậy, sự khác nhau về chế tài xử phạt của các nước về tội xúc phạm người khác là điều hiển nhiên, không thể lấy chế tài nước này làm chuẩn để đánh giá nước khác. Đối với Việt Nam, độc lập tự do là khát vọng ngàn đời của dân tộc; Đất nước được độc lập, nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc như ngày nay đã có biết bao hy sinh xương máu của các thế hệ đi trước. Do vậy, pháp luật Việt Nam đại diện cho ý chí của toàn dân tộc Việt Nam đưa ra những quy định trừng trị nghiêm khắc những kẻ lợi dụng tự do ngôn luận để phá hoại an ninh quốc gia, trận tự an toàn xã hội và cuộc sống yên bình của người dân. Ở Việt Nam không chỉ xúc phạm cán bộ mới bị xử lý hình sự mà bất cứ ai xúc phạm tới người khác cũng đều có thể bị xử lý hình sự.
Thứ ba, những cá nhân được Đặng Đình Mạnh nhắc đến trong bài viết như là những người dám “nói lời nghịch nhĩ vì lòng ái quốc” như: Phạm Thị Đoan Trang, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm, Đỗ Nam Trung, Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư, thực chất là những kẻ phá hoại đất nước. Các đối tượng này đã lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để viết, đăng bài, trả lời phỏng vấn, sử dụng thông tin, không đúng sự thật, tiêu cực, một chiều để đăng tải, phát tán công khai trên các trang mạng có nội dung xuyên tạc, bịa đặt, vu khống xúc phạm danh dự uy tín người khác… Hành vi của các đối tượng nhằm hướng dư luận theo ý chủ quan, làm cho người đọc hiểu nhầm, hiểu sai sự thật, kích động, lôi kéo một bộ phận người dân có nhận thức lệch lạc tham gia chống phá Đảng, Nhà nước. Hành vi nói trên đã xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, tạo ra sự bất ổn trong xã hội… Với tính chất mức độ phạm tội của mình các đối tượng này xứng đáng phải bị xét xử hình sự với những hình phạt thích đáng.
Từ những lý do trên, chứng tỏ Đặng Đình Mạnh đã quá vội vàng, thiếu suy nghĩ thấu đáo đánh giá sai bản chất tình hình tự do ngôn luận ở Việt Nam. Là một luật sư được học hành tử tế có sự hiểu biết nhưng ông Đặng Đình Mạnh đưa ra quan điểm hết sức sai lầm như vậy phải chăng đằng sau sự vội vàng không suy xét trước sau, trong bản thân Ông còn trắc ẩn lòng đố kỵ, hậm hực cá nhân của một con người bất đắc chí? Nếu bản thân ông Đặng Đình Mạnh không buông bỏ điều này, thay đổi lối tư duy của bản thân, nhìn nhận xã hội Việt Nam tích cực đúng như những gì vốn có của nó thì càng ngày ông sẽ càng lún sâu vào những sai lầm cho đến ngày ông trở thành tội nhân của dân tộc Việt Nam./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét