Thứ Tư, 19 tháng 1, 2022

Phải chăng “Đa nguyên chính trị là điều kiện tiên quyết, khai mở cho một nền dân chủ!!!”

 

Trên trang Vietnamthoibao, Lynn Huỳnh có bài viết với tựa đề: “Tự do chính trị và quyền yêu cầu chính trị đa nguyên”. Theo đó, y cho rằng coi đa nguyên chính trị, là điều kiện tiên quyết, khai mở cho một nền dân chủ, đây là quan điểm cá nhân của Lynn Huỳnh hoàn toàn phiến diện, lập luận vô căn cứ. Bởi vì:

Thứ nhất, đa nguyên chính trị và mở rộng dân chủ là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. 

Nói đến đa nguyên chính trị là nói đến hệ thống chính trị có nhiều cực, có nhiều đảng phái đại biểu cho những lợi ích đối lập nhau được tự do hoạt động, đó là một chế độ đa đảng. Chế độ đa đảng không phải là dấu hiệu của dân chủ, chế độ một đảng không phải là nguyên nhân của mất dân chủ. Cái gốc rễ để bảo đảm dân chủ hay không dân chủ là tư liệu sản xuất chủ yếu nằm trong tay ai. Dưới chủ nghĩa xã hội tư liệu sản xuất chủ yếu nằm trong tay Nhân dân lao động và họ là người làm chủ xã hội. Dưới chủ nghĩa tư bản tư liệu sản xuất chủ yếu của xã hội nằm trong tay thiểu số nhà tư bản, nền dân chủ đó là quyền làm chủ của một nhóm tư bản độc quyền. Còn quần chúng Nhân dân chỉ là những người bị thống trị. Chính V.I.Lênin đã từng khẳng định: “Trong chế độ dân chủ tư sản, bọn tư bản dùng trăm phương nghìn kế, chế độ dân chủ “thuần túy” càng phát triển, thì những mưu kế đó càng tinh xảo và có hiệu quả, để gạt quần chúng ra, không cho họ tham gia quản lý nhà nước”

Nói đến dân chủ là quyền lực thuộc về nhân dân. Vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân chủ là thế nào? Là dân làm chủ”; “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ. Trong bộ máy cách mạng, từ người quét nhà, nấu ăn cho đến Chủ tịch một nước đều là phân công làm đày tớ của dân”. Như vậy, theo Hồ Chí Minh chế độ dân chủ thực chất là chế độ ủy quyền của Nhân dân vào Nhà nước và Nhà nước là cơ quan quyền lực của dân, thực thi sự ủy quyền của dân. Muốn thực hiện được nó thì trước tiên người lao động phải xây dựng nên một chính đảng cùng một chính phủ duy nhất đại diện cho quyền lực của mình. Như vậy, vấn đề có dân chủ hay có mở rộng dân chủ, thì đa nguyên chính trị, không phải là nguyên nhân căn cốt, gốc rễ quyết định dân chủ hay mở rộng dân chủ.

Thứ hai, đa nguyên chính trị không phải một giá trị tổng quát.

Nói đến đa nguyên chính trị và thậm chí trong đó có cả đa đảng (đối lập), không phải là một giá trị phổ quát của nhân loại, đồng thời càng không phải là thực tế hiện hữu trong tất cả các thời kỳ của một quốc gia, dân tộc. Nói như thế để thấy rằng, đa nguyên chính trị có thể đúng và phù hợp với quốc gia, dân tộc này nhưng cũng có thể không đúng và không phù hợp với quốc gia, dân tộc khác. Hiện thực quá trình vận động phát triển của thế giới đã cho thấy sự phong phú, đa dạng. Mỗi một quốc gia, dân tộc đều có hoàn cảnh, đặc điểm và điều kiện phát triển riêng, cho nên, đều có quyền lựa chọn mục tiêu và con đường phát triển cho quốc gia, dân tộc mình. Mặt khác, trong một quốc gia, dân tộc có đa nguyên chính trị trong quá khứ, nhưng hiện tại và trong tương lai sẽ không cần đến đa nguyên chính trị, điều quan trọng là dân chủ có thuộc về đại đa số nhân dân hay không, Việt Nam là một minh chứng rất sinh động. Do đó, đa nguyên chính trị có thể tồn tại trong một thời gian nhất định, nhưng không thể là điều kiện tiên quyết, khai mở cho một nền dân chủ, bởi nó không phải là một giá trị vĩnh cửu mà nhân loại hướng đến.

Thứ ba, thực tiễn cách mạng ở Việt Nam – một chính đảng duy nhất lãnh đạo cách mạng đã và đang không ngừng xây dựng, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của Nhân dân trên thực tế trong nền chính trị nhất nguyên.

 Nền chính trị nhất nguyên ở nước ta là do Nhân dân ta lựa chọn từ chính thực tiễn đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp cách mạng ở nước ta đã đem lại những quyền cơ bản nhất cho quốc gia, dân tộc và toàn thể Nhân dân lao động. Đó là, độc lập, tự do cho dân tộc; là quyền tự quyết dân tộc, quyền bình đẳng với mọi quốc gia khác trong việc lựa chọn con đường phát triển đi lên của mình; là quyền tự do lập hiến và lập pháp, lựa chọn và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân; là quyền bình đẳng giữa các dân tộc, giữa các thành phần kinh tế; quyền tự do làm giàu theo pháp luật, phát huy dân chủ gắn liền với giữ vững kỷ cương xã hội; là sự phát triển trong đa dạng các sắc màu văn hóa dân tộc; là sự tiến bộ trong giáo dục, văn hóa, xã hội, khoa học và công nghệ nhằm mục tiêu vì sự tiến bộ và phát triển toàn diện con người… Những thành tựu không thể phủ nhận của nền chính trị nhất nguyên đó đã khẳng định và ngày càng củng cố vững chắc hơn vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc; thông qua việc phòng, chống đại dịch COVID -19, được cả thế giới và Nhân dân ta nghi nhận, một lần nữa khẳng định sự lựa chọn nền nhất nguyên chính trị ở nước ta là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với quy luật phát triển của xã hội.

Từ những vấn đề trên cho thấy, toàn bộ nội dung trong bài viết của Lynn Huynh nhằm lấp liếm mâu thuẩn nội tại không bao giờ giải quyết được của thể chế đa nguyên chính trị tư bản chủ nghĩa làm cho quần chúng nhân dân hoài nghi, dao động, suy giảm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét