Thứ Tư, 19 tháng 1, 2022

PHÁT HUY PHẨM CHẤT "BỘ ĐỘI CỤ HỒ", KIÊN QUYẾT CHỐNG CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN TRONG TÌNH HÌNH MỚI

 Ngày 28-12-2021, Quân ủy Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 847-NQ/QUTW về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới.

Việc toàn quân tổ chức nghiên cứu, quán triệt và triển khai nghị quyết; mở đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn thể cán bộ, đảng viên và quần chúng có ý nghĩa quan trọng, biến nhận thức thành hành động cách mạng trong tình hình mới.

Bài 1: Một nghị quyết quan trọng, gắn với những yêu cầu cao

Những phẩm chất tốt đẹp của "Bộ đội Cụ Hồ" làm nên giá trị nhân văn cao quý của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, trở thành một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Trong tình hình mới, nhiệm vụ xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc đặt ra những yêu cầu ngày càng cao, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng không chỉ ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện, làm tỏa sáng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, mà còn phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

Phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” là máu xương

Hiếm có một quân đội nào có danh xưng gần gũi và cao quý như QĐND Việt Nam-danh xưng “Bộ đội Cụ Hồ”. Danh xưng-danh hiệu cao quý này là sự tin tưởng, yêu mến của nhân dân dành tặng Quân đội ta, một đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu.

“Bộ đội Cụ Hồ” là sự kết tinh những giá trị văn hóa-chính trị-đạo đức của thời đại, do các thế hệ cán bộ, chiến sĩ dày công vun đắp, xây dựng nên, xứng đáng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh khen tặng: "Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng". Trong bất luận hoàn cảnh nào, việc gìn giữ và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” là đặc biệt cần thiết.

Ở chiều ngược lại, chủ nghĩa cá nhân là sự đối lập, là kẻ thù của những phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở, căn dặn: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(1). Chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới chính là “giặc nội xâm”, nó có thể phá sập mọi thành quả cách mạng.

Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Trung ương khẳng định, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân”. Hệ lụy của chủ nghĩa cá nhân là vô cùng nguy hại, bởi đó là nguồn gốc sâu xa dẫn tới sự suy thoái, biến chất, làm giảm năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu trong Đảng. Đó là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, của quân đội.

Những phẩm chất cao đẹp nhất của “Bộ đội Cụ Hồ” đã được các thế hệ cha anh phát huy trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nên những giá trị nhân văn cao quý, vĩ đại của Quân đội ta. Ngày nay, trước những diễn biến nhanh chóng và phức tạp của tình hình thế giới, sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đòi hỏi phải phát huy hơn nữa những phẩm chất cao quý ấy.

Cùng với đó, sự tác động nhiều mặt của đời sống xã hội, nhất là mặt trái cơ chế thị trường; sự suy thoái về đạo đức lối sống, phân hóa giàu nghèo, những vấn đề bức xúc nảy sinh trong xã hội đã tác động đến nhận thức, tư tưởng cán bộ, chiến sĩ.

Đặc biệt, trên mặt trận tư tưởng, sự tấn công, chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, nhất là âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” với mục tiêu phi chính trị hóa quân đội, xuyên tạc hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ... đã đặt ra yêu cầu ngày càng cao hơn, toàn diện hơn, sâu sắc hơn về giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Đây cũng là yêu cầu rất cao được Quân ủy Trung ương đặt ra trong Nghị quyết 847 mới được ban hành.

Yêu cầu ngày càng cao trong tình hình mới

Một trong những điểm nhấn tại Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ Quân đội nhiệm kỳ 2020-2025 đó là nội dung xây dựng “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới đã được đưa vào văn kiện đại hội. Nghị quyết đại hội đã xác định rõ các chuẩn mực “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới và coi đây là giải pháp nền tảng để xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Mới đây, trao đổi với phóng viên Báo QĐND, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam nhấn mạnh: "Tôi luôn tâm đắc, suy nghĩ về việc phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Tại kỳ họp Quốc hội khóa XIII đã từng có ý kiến của đại biểu kiến nghị Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cần đưa văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Khi đó các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Tổng cục Chính trị nghiên cứu sâu và làm tham mưu về vấn đề này. Đặc biệt, năm 2014, chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, khi đề án kỷ niệm được trình lên, các đồng chí trong Thường vụ Quân ủy Trung ương và cá nhân Bộ trưởng Phùng Quang Thanh lúc đó rất quan tâm, có đặt ra một số câu hỏi, trong đó có vấn đề trọng tâm là mục tiêu cao nhất cần đạt được sau các hoạt động kỷ niệm là gì? Sau đó, chính Bộ trưởng đã kết luận: Đó là phải khẳng định về truyền thống, bản chất, tôn vinh, phấn đấu xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”.

Lịch sử gần 80 năm truyền thống vẻ vang của quân đội, phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” luôn được giữ gìn và phát huy. Tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên và quần chúng trong quân đội luôn giữ vững phẩm chất người quân nhân cách mạng, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân, những hành vi tham nhũng, tiêu cực làm trong sạch nội bộ, được Đảng, Nhà nước, nhân dân tin cậy.

Trong thời chiến ấy là sự hy sinh xương máu, quên mình cho mục tiêu lý tưởng giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà, hạnh phúc cho nhân dân. Còn trong thời bình, quân đội vẫn luôn là thành trì, là chỗ dựa tin cậy nhất của nhân dân trong khó khăn, hoạn nạn.

Trung tá, Thạc sĩ Nguyễn Thị Đắc Hương, Chủ nhiệm bộ môn Luật học, Khoa Nhà nước và Pháp luật (Học viện Chính trị) tâm đắc: Những ngày đại dịch ở các tỉnh phía Nam, trong đó trọng điểm như TP Hồ Chí Minh, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trở thành động lực, là niềm tin, là chỗ dựa cho chính quyền và nhân dân.

“Dì tôi, một người làm kinh doanh, không mấy khi quan tâm đến chính trị. Nhưng chính đại dịch Covid-19 vừa qua khiến cho những người như dì tôi thay đổi cách nhìn, cách nghĩ. Dì tôi nói rằng: Luôn yên tâm và tin tưởng khi nhìn thấy hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ đến với nhân dân trong đại dịch”, Trung tá Nguyễn Thị Đắc Hương tâm sự.

Song song với gìn giữ và phát huy phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, nghiên cứu Nghị quyết 847 của Quân ủy Trung ương, mỗi cán bộ, chiến sĩ, đảng viên và quần chúng càng thấy được vai trò quan trọng của việc kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân.

Biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân ngày càng tinh vi và nguy hiểm. Đó là sự mưu cầu cho lợi ích của mình mà quên đi tập thể; sống ích kỷ, cơ hội, vụ lợi; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình; là sự háo danh, tự cao, tự đại, tham vọng quyền lực; là chạy chức, chạy quyền, chạy thành tích; là sự thiếu ý thức và trách nhiệm với tập thể, đùn đẩy trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ, tranh công, đổ lỗi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác để trục lợi; cục bộ, bè phái, lợi ích nhóm; thờ ơ, vô cảm, bàng quan trước những khó khăn, nguyện vọng chính đáng của đồng chí, đồng đội và nhân dân; phai nhạt, phản bội mục tiêu, lý tưởng cách mạng...

Trên thực tế, còn một số cán bộ, đảng viên và quần chúng nhận thức chưa sâu sắc, trách nhiệm trong giữ gìn, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” chưa cao; thiếu tự giác, gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, sống thực dụng, băn khoăn, dao động trước diễn biến phức tạp của tình hình, phát ngôn thiếu tính xây dựng, làm việc cầm chừng, xa rời thực tiễn.

Trong số đó, có cả cán bộ cao cấp, cán bộ chủ trì cơ quan, đơn vị lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm kỷ luật, pháp luật, quy định về những điều đảng viên không được làm, gây thiệt hại về tài sản của Nhà nước, quân đội, làm ảnh hưởng đến truyền thống, uy tín của quân đội, phẩm chất và hình ảnh cao đẹp "Bộ đội Cụ Hồ".

Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, đã tiến hành xử lý và đề nghị Trung ương Đảng, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý nghiêm khắc đối với cán bộ quân đội vi phạm kỷ luật quân đội, pháp luật Nhà nước. Tại các kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương, những vi phạm của các tổ chức đảng, các tập thể, cá nhân đều được nghiêm túc nhìn nhận, phân tích làm rõ và kết luận những vi phạm bảo đảm chặt chẽ, đúng nguyên tắc.

Phát huy truyền thống, bản chất, hình ảnh cao đẹp "Bộ đội Cụ Hồ", kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân phải trở thành lẽ sống, phương châm hành động của cán bộ, chiến sĩ toàn quân và tỏa sáng trong đời sống xã hội. Đây cũng là cơ sở vững chắc để thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao./. (NĐ).

(1)Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.672.

Nguồn Báo QĐND.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét