Từ trước đến nay, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách xuyên tạc tình hình đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trên trang “saigonnhonews”, Lão Thất phát tán bài viết “Tình hình chính trị ở Việt Nam hiện nay: Lửa cháy trên bàn cờ”, nội dung xuyên tạc, phủ nhận dân chủ trong bầu cử ở Việt Nam; xuyên tạc Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3/11/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; vu cáo “Đảng đứng ngoài, đứng trên pháp luật”; hạ thấp vị trí, vai trò của hệ thống pháp luật ở Việt Nam; kích động mâu thuẫn giữa quần chúng nhân dân với Đảng; đồng thời, Lão Thất cho rằng, bầu cử chính là giai đoạn mà ý chí và nguyện vọng của nhân dân đã bị đảng tước đoạt, từ lòng dân biến thành ý đảng. Đảng đã cài cắm hơn 98% đảng viên của mình trong Quốc hội, ngang nhiên đặt hiến pháp dưới cương lĩnh đảng, luật pháp dưới “đảng quỵ”… Đây là những luận điệu sai trái, hòng xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội; chia rẽ mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước, cần phải đấu tranh bác bỏ. Bởi vì:
1. Thực tiễn ở Việt Nam cho thấy, quyền dân chủ của nhân dân được Đảng và Nhà nước bảo đảm thực thi và mở rộng, quyền dân chủ được hiến định rõ trong Hiến pháp: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của dân, do dân, vì dân”. Quyền lực Nhà nước thuộc về toàn dân chứ không hề nằm trong tay một tổ chức, một nhóm hay một cá nhân nào. Nhân dân có quyền tố cáo, khiếu nại những người có hành vi vi phạm pháp luật và được cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Mọi đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, có sự tham gia ý kiến của nhân dân. Nhân dân lao động là chủ thể mọi quyền lực; quyền lợi và nghĩa vụ, quyền hạn và trách nhiệm, cống hiến và hưởng thụ gắn bó chặt chẽ với nhau. Mọi người dân đều trực tiếp hay gián tiếp đề đạt nguyện vọng và đóng góp ý kiến của mình cho các cơ quan công quyền. “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trở thành quy chế, thiết chế dân chủ trong xã hội; là phương châm hành động trong xây dựng hệ thống chính trị.
Trong các cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp ở Việt Nam, tỷ lệ cử tri đi bầu rất cao. Tỷ lệ đại biểu là nữ, người dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo trong Quốc hội ngày càng cao (tỷ lệ đại biểu là nữ trong Quốc hội đứng thứ hai trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đứng thứ 9/135 nước trên thế giới). Việc truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn của Quốc hội; việc thực hiện đối thoại trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng… với nhân dân; những cuộc tiếp xúc của các đại biểu Quốc hội với cử tri; việc lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân về Dự thảo Hiến pháp năm 2013, Dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, XIII của Đảng… đã tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền làm chủ, thực thi quyền kiểm tra, giám sát các hoạt động của Nhà nước và đề đạt nguyện vọng, thể hiện chính kiến của mình trong xây dựng Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
2. Hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật là nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng.
Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật là nguyên tắc khẳng định vị trí, vai trò của Đảng cầm quyền được chế định trong Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, hệ thống chính trị và xã hội. Đảng là lực lượng lãnh đạo xã hội thông qua việc đề ra đường lối, chính sách; Nhà nước tổ chức thực hiện đường lối, chính sách của Đảng thông qua chức năng quản lý nhà nước, thông qua đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng. Hiến pháp, pháp luật chính là đường lối, chính sách của Đảng được thể chế hóa. Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền duy nhất, lãnh đạo Nhà nước và xã hội Việt Nam, nhưng Đảng không đứng ngoài, đứng trên Hiến pháp và pháp luật. Đảng không những phải tôn trọng, mà còn phải chịu sự điều chỉnh của Hiến pháp, pháp luật, bình đẳng như mọi chủ thể chính trị khác. Tổ chức, sinh hoạt của Đảng phải phù hợp với các thiết chế do Hiến pháp và pháp luật quy định. Nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng phù hợp với các chế định của Hiến pháp, pháp luật. Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội đã được quy định trong Hiến pháp, nhưng sự lãnh đạo của Đảng không được trái với Hiến pháp, cản trở việc thực thi Hiến pháp và pháp luật. Mọi tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên không những phải nghiêm chỉnh chấp hành, mà còn phải gương mẫu trong chấp hành Hiến pháp và pháp luật.
Việc thực hiện nguyên tắc Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Đảng, vừa đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với Đảng. Một mặt, bằng các quy định của những văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý, công nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội Việt Nam; công nhận sự hoạt động hợp pháp của các tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên. Mặt khác, từ sự thể chế hóa này, hoạt động của các tổ chức đảng, đảng viên được pháp luật bảo vệ, giúp Đảng giữ được vị trí cầm quyền, bảo đảm mọi chủ trương, chính sách của Đảng được thể chế hóa và thực hiện có hiệu quả trên thực tế. Thực tế quá trình lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam cho thấy, mọi hoạt động của Đảng đều trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, đó là nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, chứ không phải “đảng ở ngoài, đứng trên pháp luật” như Lão Thất xuyên tạc.
3. Tổ chức đảng, đảng viên sai phạm đều bị xử lý theo quy định.
Đảng Cộng sản Việt Nam quy định: Bắt buộc các tổ chức đảng và đảng viên tôn trọng quyền hạn, trách nhiệm và các chế độ của cơ quan Nhà nước, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật và các quyết định của Nhà nước, coi đó là kỷ luật của Đảng. Tổ chức đảng và đảng viên vi phạm chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đều phải xem xét thi hành kỷ luật công minh, chính xác, kịp thời. Những năm qua, với quan điểm kiên quyết, kiên trì, không có điểm dừng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, nếu vi phạm kỷ luật, pháp luật đều bị xử lý công bằng, nghiêm minh. Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã tiến hành kiểm tra và xử lý nghiêm minh nhiều tổ chức đảng và đảng viên do tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước. Không phân biệt người đó là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, cán bộ cấp cao, hay chỉ là đảng viên không giữ chức vụ gì, họ đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có những trường hợp vi phạm đã bị xử lý hình sự.
Theo thông báo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, từ đầu năm 2024 đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm trong các vụ án, vụ việc do Ban Chỉ đạo theo dõi chỉ đạo, vi phạm do suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, trách nhiệm nêu gương, vi phạm những điều đảng viên không được làm. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã hoàn thành 7/8 cuộc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 7 tổ chức đảng liên quan đến các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Qua kiểm tra đã xử lý kỷ luật đối với 68 tổ chức đảng, 104 đảng viên, trong đó có 20 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý; chỉ đạo 68 cấp ủy, tổ chức đảng tiến hành kiểm tra 830 dự án, gói thầu liên quan đến công ty AIC, kỷ luật 65 tổ chức đảng, 127 đảng viên, chuyển cơ quan điều tra 26 vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Thực tế trên cho thấy, đảng viên vi phạm pháp luật cũng đều bị xử theo đúng quy định của pháp luật.
Để bảo đảm vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm xây dựng và chỉnh đốn Đảng, không ngừng củng cố, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước. Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng chủ trương, chính sách; tổ chức và hoạt động của Đảng luôn trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Kiên quyết, kiên trì xử lý nghiêm những vi phạm, những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực. Không có chuyện tổ chức đảng và đảng viên đứng ngoài pháp luật và bất khả xâm phạm như sự xuyên tạc của các lực lượng thù địch, phản động./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét